22/11/2018 11:49 GMT+7

Dạy tiếng Việt cho Tây - kỳ cuối: Đem tiếng Việt đi muôn phương

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - "Tiếng Việt còn, nước ta còn" - cảm nhận sâu sắc giá trị của tiếng Việt trong nuôi dưỡng, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc, những thầy giáo Việt Nam đã cặm cụi đi gieo chữ ở muôn phương...

Dạy tiếng Việt cho Tây - kỳ cuối: Đem tiếng Việt đi muôn phương - Ảnh 1.

Giờ dạy tiếng Việt cho sinh viên tại Trường ĐH Rikkyo, Nhật Bản - Ảnh do PGS.TS Nguyễn Thiện Nam cung cấp

Dạy tiếng Việt vẫn là việc vô cùng khó khăn. Đến tận bây giờ, mỗi khi lên lớp, tôi đều phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng

TS BÌNH SLAVICKÁ

Đi chiến trường K

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt (VSL) Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội, là một trong nhiều giảng viên trẻ gần 40 năm trước vừa ra trường đã được nhận về khoa để đào tạo đi Campuchia dạy tiếng Việt.

Ngày ấy, tiếng là đi chuyên gia, nhưng kỳ thực việc đi Campuchia là đi làm nghĩa vụ quốc tế, hay thường gọi là "đi chiến trường K".

Trong hồi ức của các thầy, Phnom Penh - Campuchia khi đó hoang tàn. Nước thiếu, điện thiếu. Ban đêm, các thầy cô không dám ló ra ngoài đường...

Dạy tiếng Việt cho người Campuchia, thầy Nam tận dụng cơ hội để học tiếng Khmer, nói tiếng Khmer bằng giọng của người Khmer.

Khi về nước, thầy còn khiến nhiều người ngạc nhiên hơn khi hì hụi vác theo... 10kg bài kiểm tra của sinh viên Campuchia. Có người tỏ ra ái ngại: tiếng Khmer có lẽ chỉ dùng ở đất bạn, chứ về Việt Nam còn dùng vào việc gì, dịp gì?

Nhưng với thầy Nam, tài sản ngôn ngữ ấy sau này không bị bỏ phí đi tí nào. Luận án tiến sĩ về khảo sát lỗi ngữ pháp tiếng Việt của người nước ngoài đã chỉ ra và so sánh những lỗi hay mắc phải của người nói tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Khmer khi học tiếng Việt...

Vậy là dù kế hoạch ban đầu đi Campuchia một năm, nhưng thầy phải gắn bó với đất nước ấy tổng cộng hơn 7 năm.

Không riêng gì thầy Nam, tuổi 20 sôi nổi của nhiều giảng viên trẻ dạy tiếng Việt đã dành cho "K".

Sau khi Campuchia được giải phóng khỏi ách diệt chủng của Pol Pot, từ cuối năm 1979 cho đến năm 1991, đã có trên 200 lượt cán bộ giảng dạy của VSL được mời làm chuyên gia giảng dạy tiếng Việt tại các trường ĐH Phnom Penh (nay là ĐH Hoàng gia Campuchia), ĐH Y, ĐH Kinh tế...

Không chỉ ở "chiến trường K", các giáo viên Việt Nam còn đi nhiều nước trên thế giới để dạy tiếng Việt và quảng bá văn hóa Việt Nam.

Ngoài Campuchia, thầy Nam còn có ba năm dạy tiếng Việt ở ĐH Ngoại ngữ Tokyo.

Chưa kể, thầy còn đến Đài Loan dạy phương pháp dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở Đài Loan, nghiên cứu và thuyết trình về phương pháp giảng dạy tiếng Việt ở Pháp, đến trường tiếng Việt của con em người Việt ở Thụy Sĩ, Đức, Ý...

TS Bình Slavická (khoa triết Viện Viễn Đông, ĐH Charles, Cộng hòa Czech) cho biết tại ĐH Charles - một trong những trường ĐH lâu đời bậc nhất châu Âu, tiếng Việt và ngành Việt Nam học đang có những bước phát triển mạnh mẽ.

Là giảng viên dạy tiếng Việt có tiếng, ít ai biết bà Bình đã rẽ ngang sang công việc này từ vị trí một... kỹ sư xây dựng. Chồng bà - một người Czech, một nhà nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống châu Á - rất mê sân khấu truyền thống Việt.

Sự ủng hộ tinh thần của người chồng đã giúp bà Bình bền bỉ với công việc dạy tiếng Việt mấy chục năm qua.

"Dạy tiếng Việt vẫn là việc vô cùng khó khăn. Đến tận bây giờ, mỗi khi lên lớp, tôi đều phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Chồng tôi vẫn trêu: Em đi dạy tiếng mẹ đẻ mà sao mất nhiều thời gian chuẩn bị đến thế?" - TS Bình kể.

Cùng với sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Czech, sinh viên gốc Việt đăng ký theo học nhiều lên.

"Điều này đòi hỏi phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Bởi nói cho đúng thì tiếng Việt ở đây vừa được dạy như một ngoại ngữ (với sinh viên bản xứ), vừa phải được dạy như ngôn ngữ thứ hai (với sinh viên gốc Việt)..." - bà Bình cho biết.

Theo thống kê, hiện tại số lượng sinh viên gốc Việt theo học ngành Việt Nam học tại viện đã chiếm đến 50%.

Dạy tiếng Việt cho Tây - kỳ cuối: Đem tiếng Việt đi muôn phương - Ảnh 3.

Giảng viên khoa Việt Nam học và tiếng Việt với con em Việt kiều ở Trường Bình Minh, Thụy Sĩ - Ảnh do PGS.TS Nguyễn Thiện Nam cung cấp

Tình thầy - trò không biên giới

Nhờ sự tận tụy, kiên nhẫn của các thầy cô, tiếng Việt đã vượt khỏi biên giới Việt Nam đến với các nước. Nhưng cũng không chỉ có mỗi tiếng Việt, mà tình thầy - trò cũng trở nên... không biên giới.

Vào những năm 1980, khi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang căng thẳng, thầy Hồ Hải Thụy nhận một nhiệm vụ đặc biệt. Đó là vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đại diện Trung Quốc sang dự.

Việc lựa tìm phiên dịch giữa lúc "quan hệ hai nước đang xấu" được thực hiện rất cẩn thận và kỹ càng. Vừa giỏi ngoại ngữ, vừa am tường về nhiều lĩnh vực, thầy giáo - nhà nghiên cứu Hồ Hải Thụy được chọn.

Thầy Thụy chính là tác giả của nhiều cuốn từ điển tiếng Việt, từ điển Anh - Việt thuộc hàng best-seller một thời.

Đại diện chính thức của Trung Quốc dự lễ kỷ niệm là viện trưởng Viện Kinh tế của Trung Quốc.

Khi vị khách vừa bước từ máy bay xuống, thầy Thụy nhận ra đó là sinh viên cũ của mình, từng sang Việt Nam học tiếng Việt. Người học trò nhìn thấy thầy cũng sững lại, không biết phải ứng xử thế nào.

Bình tĩnh, thầy Thụy rành rọt: "Tôi là Hồ Hải Thụy. Tôi sẽ phiên dịch cho ngài trong chuyến thăm này".

Chuyến thăm khi đó kéo dài chừng 2-3 ngày. Mọi việc trôi chảy, êm xuôi, thầy Thụy làm tròn nhiệm vụ. Bất ngờ, trước khi trở về nước, người viện trưởng kia tìm đến thăm thầy Thụy để nói: "Tôi vẫn luôn nhớ đến thầy".

Những năm 1988-1989, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa bình thường hóa quan hệ, thầy Thụy được mời sang Hoa Kỳ để dạy tiếng Việt, vừa trao đổi học thuật.

Từ những bài giảng tiếng Việt ở Mỹ, thầy Thụy đã gieo vào sinh viên, học giả nơi cường quốc ấy tình cảm trân trọng đặc biệt. Có học viên ngày nào giờ đã là giáo sư đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ vẫn thư tín đều đặn với thầy để trao đổi, nhờ góp ý.

Vị giáo sư ấy là tác giả rất nhiều cuốn sách về Việt Nam, ông gọi thầy Thụy là "một kho tàng quốc gia của nền văn hóa Việt Nam".

Đào tạo giáo viên tiếng Việt ở nước ngoài

Không chỉ trực tiếp đào tạo hơn 10.000 người nước ngoài học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, VSL còn đặc trách các chương trình đào tạo giáo viên tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài theo nhiệm vụ phân công của Chính phủ.

Chương trình này do Bộ Ngoại giao và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức.

Theo thống kê của Ủy ban người Việt ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, đến nay đã đào tạo được hơn 200 giáo viên. Đây là lực lượng nòng cốt để giúp cho kiều bào - đặc biệt là thế hệ trẻ - duy trì và giữ gìn tiếng Việt.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên