05/08/2023 13:02 GMT+7

Dạy môn tích hợp chương trình mới: Phụ huynh lo lắng quá xá

Dạy môn tích hợp ở chương trình giáo dục mới tiếp tục là đề tài bàn tán sôi nổi của bạn đọc. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem lại, bởi không chỉ gây khó cho giáo viên mà học sinh cũng khốn khổ.

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tự học ở thư viện. Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển bổ sung cả lớp 10 chuyên và lớp 10 tích hợp - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tự học ở thư viện. Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển bổ sung cả lớp 10 chuyên và lớp 10 tích hợp - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Như báo Tuổi Trẻ phản ánh, năm học tới, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ triển khai ở ba trong số bốn lớp cấp THCS là lớp 6, 7, 8. 

Đây là cấp học có nhiều môn tích hợp nên gây lúng túng cho giáo viên, nhà trường trong triển khai, thực hiện.

Để chuẩn bị cho chương trình mới này, những ngày hè, ngành giáo dục TP.HCM liên tục tập huấn cho giáo viên dạy môn tích hợp.

"Tôi không hiểu các chuyên gia đầu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu và lấy ý kiến đánh giá từ đâu để xây dựng chương trình giáo dục mới như thế này.

Cả thầy cô và học trò đều rất khó khăn để giảng dạy và tiếp nhận kiến thức theo chương trình mới. Đổi mới là để giảm tải việc học và nâng cao hiệu quả, chứ không phải để tạo thêm áp lực, thêm khó khăn như thế này" - bạn đọc Cường viết.

Còn theo bạn đọc nick name Alex thì: "Nói là tích hợp nhưng thật ra chỉ ghép các cuốn sách lại, chứ không hề soạn một chương trình môn này lồng ghép kiến thức vào môn kia, thật bất cập".

Cùng quan điểm, bạn đọc Giảng Thanh bổ sung: "Thật không thể tin được việc cải cách giáo dục (ở đây chủ yếu là sách giáo khoa mới) là việc khoa học mà lại thực hiện phi khoa học như thế. Tích hợp tức là hòa trộn nội dung một số môn lại thành một quyển sách".

Thông cảm với nỗi khổ của giáo viên, bạn đọc Xuân Thủy nêu ý kiến: "Làm gì có thể có giáo viên giỏi tất cả các môn tự nhiên hoặc xã hội được (cùng một lúc).

Thú thực nhé, các trường sư phạm cũng chỉ đào tạo để dạy một môn (như sư phạm toán, sư phạm sinh...) mà phạm vi trong đào tạo lại cực kỳ giới hạn, đủ để giáo viên truyền tải đủ kiến thức phổ thông mà thôi".

Theo bạn đọc này: "Bộ Giáo dục và Đào tạo nên coi lại cách thức mình đi, mình định hướng trước khi quá muộn".

Về cách đối phó hiện nay của một số địa phương như đưa giáo viên tập huấn trong hè để dạy môn tích hợp, bạn đọc Lương Hoàng nêu ý kiến: "Tôi không đồng ý việc này. Giáo viên lúc ở giảng đường chỉ chuyên một môn. Còn giờ theo chương trình mới, tập huấn 1 tháng bắt dạy 3 môn thì thành thần đồng rồi. Dạy và học kiểu này, giáo viên không chết thì học sinh chết vì mất căn bản".

Cùng suy nghĩ như vậy, bạn đọc Trang bổ sung: "Không có chuyên môn, không được đào tạo chuyên ngành trong trường sư phạm, không có am hiểu về môn học mà lại phải dạy trái môn.

Giáo viên bị bắt buộc phải dạy, còn học sinh là người lãnh hậu quả học. Thương cho bao thế hệ sau này".

Còn theo bạn đọc Giảng Thanh, "trước khi làm sách giáo khoa mới thì những người có trách nhiệm phải biết việc tổ chức giảng dạy sẽ thay đổi rất nhiều, phải đánh giá có đủ giáo viên dạy không? Có khả thi tổ chức giảng dạy không? Trong trường hợp này tôi có cảm giác tổ chức chương trình kiểu tới đâu hay tới đó".

Liên quan đến câu chuyện này, bạn đọc tên Dan bức xúc: "Những vấn đề cần cải cách, cần thay đổi thì lại không thấy thay đổi như thời gian học, giảm tải lượng kiến thức, bệnh thành tích... tạo điều kiện cho trẻ có thời gian phát triển thể chất, khám phá môi trường xung quanh! 

Theo tôi, không cần cải tổ gì nhiều, hãy nhìn ra những nền giáo dục tiên tiến của các nước mà học cái hay, cái tốt của họ!".

Là một phụ huynh, bạn đọc Ánh Kim nêu ý kiến: "Nếu môn tích hợp thật sự hữu ích, chất lượng thì chúng ta cố gắng thay đổi, tìm giải pháp là đúng. Nhưng thực tế là nó không hữu ích, thậm chí còn cản trở sự phát triển tư duy, kỹ năng. Vậy tại sao cả ngành giáo dục, cả xã hội lại chạy theo cái sai đó?".

Tôi đã nói Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là một chương trình quá lãng phí. Cái cốt lõi là làm sao để người học thấy được giá trị của việc học, học để làm gì. Chứ không phải cải cách là viết lại sách giáo khoa.

Học và thi cử như hiện nay thì xin thua. Chẳng ai sợ, mà không sợ thì không học. Quá lãng phí với nhiều bộ sách, tích hợp lại thì môn học không còn giá trị. Mà không còn giá trị thì chẳng ai muốn học. Người dạy cũng nản.

Ý kiến bạn đọc Lê Văn Vinh

Dạy tích hợp, giáo viên thấy không ổn thì sao ổn cho học tròDạy tích hợp, giáo viên thấy không ổn thì sao ổn cho học trò

"Chỉ dạy lớp 6 và lớp 7 nhưng số tiết phải dạy trong tuần của tôi lên tới 25 tiết. Chóng mặt vì dạy tích hợp", cô T.L., giáo viên THCS ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), nói về dạy môn tích hợp ở chương trình giáo dục mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên