08/09/2021 12:29 GMT+7

Dạy học trực tuyến: Khắc phục ngay mạng chập chờn

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Đó là giải pháp được nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM thực hiện trong ngày 7-9, ngày thứ hai học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới và học trực tuyến.

Dạy học trực tuyến: Khắc phục ngay mạng chập chờn - Ảnh 1.

Học sinh Đinh Bình Minh (lớp 11N Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM) học trực tuyến môn hóa - Ảnh: THUÝ HÀ

Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, tình trạng nghẽn mạng vẫn chưa được khắc phục, gây khó khăn cho thầy và trò trong quá trình dạy - học. Với học sinh và nhiều giáo viên, khi dạy, học trực tuyến bị trục trặc, có thể do phần mềm, đường truyền, WiFi ở nhà hay máy tính, đều bị có tên gọi "mạng chập chờn". Đó là vấn đề cần phải giải quyết khi năm học mới bắt đầu.

Bố trí chéo giờ học

Trước tình trạng nhiều học sinh và giáo viên bị "văng" ra khỏi phòng học trực tuyến trong ngày đầu năm học, ông Phạm Xuân Tiến - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - cho biết sở đã giao cho các phòng giáo dục chủ động rà soát, làm việc với các nhà trường để nắm tình hình thực tế việc dạy học trực tuyến, tập hợp các vấn đề phát sinh như: trục trặc do nghẽn đường truyền, do phần mềm dạy học, học sinh thiếu thiết bị. Đặc biệt chú ý đến đối tượng học sinh khó khăn, học sinh lớp 1, 2 để có biện pháp phối hợp với các gia đình hỗ trợ học sinh.

"Trước mắt, để hạn chế nghẽn mạng, các nhà trường cần thống nhất với cha mẹ học sinh để bố trí dạy học trực tuyến theo các khung giờ khác nhau trong buổi sáng - chiều - tối để giảm mật độ truy cập vào cùng một thời điểm. Cùng với việc bố trí khác khung giờ giữa các nhóm lớp, có thể linh hoạt chia nhỏ lớp học, kết hợp các hình thức khác nhau. Ví dụ gửi video bài giảng cùng với việc giao nhiệm vụ cho học sinh qua Zalo, email, các group trên Facebook. Học sinh lớp bé có sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh để xem trước bài giảng, thực hiện các nhiệm vụ giáo viên giao. Việc này sẽ tiết kiệm thời gian khi vào tiết học online. Từ đó có thể điều chỉnh thời gian của tiết học, khoảng nghỉ khác nhau giữa các tiết học giữa các khối lớp. Các trường hợp học sinh đang khó khăn chưa vào được lớp học ảo thì bên cạnh việc tìm nguyên nhân khắc phục, giáo viên có các hình thức khác để gửi bài, giải đáp thắc mắc, sửa bài tập cho học sinh" - ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - nhận định hiện tại nhiều giáo viên, nhiều nhà trường vẫn còn thực hiện quá cứng nhắc trong việc dạy học trực tuyến, xếp thời khóa biểu dạy học trực tuyến như dạy học trực tiếp, dẫn tới nghẽn mạng, quá tải cho học sinh, khó khăn cho phụ huynh khi cần hỗ trợ con học vào khung giờ bố mẹ phải làm việc.

"Không gian, thời gian dạy học theo hình thức trực tuyến mở rộng hơn vì không bó buộc vào không gian lớp học hay quy định cứng vào một khung thời gian nữa. Vì thế các nhà trường cũng cần tận dụng điểm mạnh này để sắp xếp linh hoạt thời khóa biểu theo hướng giãn thời gian học của học sinh theo các khung giờ khác nhau, không nhất thiết học dồn vào một buổi với 4 - 5 tiết. Thời gian dạy học của một tiết linh hoạt tùy theo đặc thù môn học, thiết kế của giáo viên trên cơ sở thống nhất trong các tổ chuyên môn" - ông Thành trao đổi.

Sử dụng nhiều phần mềm

"Rút kinh nghiệm của ngày đầu tiên, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều phương án khác nhau đề phòng khi gặp sự cố. Sáng 7-9, lúc đầu tôi vẫn sử dụng phần mềm do nhà trường quy định nhưng chỉ vào được một thời gian ngắn là mất tín hiệu. Tôi không chờ đợi như trước mà ngay lập tức nhắn tin cho các học sinh chuyển sang phần mềm khác để dạy và học. Cũng may mắn là đường truyền tạm ổn trong suốt phần còn lại của tiết học" - một giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM, cho biết.

Tương tự, bà H. - phụ huynh Trường THCS Colette, quận 3 - cũng lo lắng: "Ngày đầu tiên học trực tuyến, rất nhiều trường sử dụng phần mềm K12 online và Zoom đều bị "văng" ra ngoài nhiều lần trong một tiết học. Phụ huynh chúng tôi ban đầu an tâm vì trường con mình sử dụng Google Meet - chạy rất mượt. Thực sự là thấy các con học hành thuận lợi tôi rất mừng. Không ngờ, sang ngày thứ hai thì cả thầy và trò đều không vào được lớp học ảo. Tôi gọi điện đến một số nơi thì được biết đường truyền của nhà tôi quá yếu. Gia đình tôi dùng thuê bao Internet với cước phí 120.000 đồng/tháng. Bây giờ phải nâng cấp lên 300.000 đồng/tháng thì con cái học hành mới tốt được. Giáo viên của con tôi cũng lâm vào cảnh tương tự. Mùa dịch mà cái gì cũng gây tốn kém như thế này thì áp lực lắm".

Ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - thông tin: "Ngày 6-9, ngay khi nhận được tin báo của các trường về sự cố khi dạy học trực tuyến, sở đã có văn bản gửi Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM đề xuất bổ sung và nâng cấp hạ tầng máy chủ hệ thống thông tin giáo dục ngành GD-ĐT TP.HCM. Cụ thể, Sở GD-ĐT đề xuất xem xét, chấp thuận bổ sung thêm 2 máy chủ với cấu hình mạnh; điều chỉnh, nâng cấp 1 máy chủ trước ngày 15-9 để kịp thời triển khai các giải pháp dạy học trực tuyến trong giai đoạn cấp bách triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã làm việc với ĐHQG TP.HCM - đơn vị phối hợp với sở triển khai phần mềm LMS - để nâng cấp hệ thống, mở rộng băng thông đường truyền. Hiện phần mềm LMS cơ bản đã được khắc phục. Riêng về phần mềm K12 online, do máy chủ Viettel quản lý, sở đã làm việc với Viettel để phối hợp, có giải pháp kỹ thuật cải thiện sự cố sớm nhất. Với số lượng người truy cập quá lớn cùng một lúc, các phần mềm rất dễ bị quá tải. Trước mắt, các nhà trường, giáo viên, học sinh có thể khai thác, chuyển đổi hệ thống dạy học trực tuyến với các phần mềm khác mà mình đã quen sử dụng đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu ngành để dạy học trong thời gian tới".

Sẽ tập huấn dạy học trực tuyến

Về những khó khăn của nhà trường ở nhiều địa phương trong những ngày đầu năm học mới khi phải dạy học trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết bộ sẽ tổ chức các đợt tập huấn riêng cho giáo viên các bậc học về việc dạy học trực tuyến, vì xác định đây sẽ là hình thức dạy học quan trọng để ứng biến với tình trạng học sinh phải ngừng đến trường do dịch bệnh.

img_8212 2(read-only)

Để tránh nghẽn mạng, các trường cần bố trí lệch giờ học và sử dụng linh hoạt nhiều nền tảng khác nhau - Ảnh: N.HUY

"Tôi rất muốn các nhà trường hiểu và chỉ đạo giáo viên hợp lý hơn trong việc dạy trực tuyến. Đó là giáo viên cần có sự chuẩn bị và giao việc cho học sinh trước và sau tiết học online. Ví dụ như cung cấp bài giảng soạn trên Power Point hay ghi hình bài giảng để gửi video, clip cho học sinh (bậc trung học) hoặc cho phụ huynh (với học sinh tiểu học), kèm theo đó là nội dung giao việc cho học sinh (tự đọc tài liệu, trả lời câu hỏi, ghi những vấn đề chưa hiểu, cần giải đáp). Phần việc của học sinh đã làm được gửi cho giáo viên trước giờ học online. Trong giờ học online giáo viên sẽ giải đáp, hướng dẫn, chốt kiến thức dựa trên kết quả học sinh chuẩn bị. Như vậy thời gian online (tương tác trực tiếp) của giáo viên, học sinh có thể thu gọn. Nếu giáo viên kỳ công hơn tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh theo nhóm vấn đề để khi online có thể giải đáp, hướng dẫn theo từng vấn đề đó thì tiết học online còn rút ngắn hơn" - ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, với những trường hợp gặp khó khăn khi dạy trực tuyến, các sở GD-ĐT chủ động chỉ đạo các nhà trường kết hợp nhiều hình thức: dạy học qua truyền hình, trực tuyến. Đối với dạy qua truyền hình cũng cần áp dụng cách làm như với trực tuyến để làm sao học sinh không thụ động ngồi xem giáo viên giảng trên truyền hình mà cần có sự chuẩn bị trước và thực hiện nhiệm vụ cụ thể do giáo viên giao sau giờ học.

Vĩnh Hà

Chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Ngày 7-9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về xây dựng và triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em", nhằm hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Thông tin và truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em", hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 24 ngày 3-9-2021 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng GD-ĐT ứng phó với đại dịch COVID-19. Yêu cầu địa phương đang có dịch COVID-19 trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.

H.HG.

Hỗ trợ máy tính cho học sinh khó khăn

Ngày 6-9, Sở GD-ĐT TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP về đề xuất thực hiện chương trình hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh TP, với các giải pháp:

- Huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay cùng tiếp sức học sinh khó khăn; vận động doanh nghiệp viễn thông tài trợ hoặc cung cấp gói cước viễn thông giá rẻ để ổn định đường truyền, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

- Huy động nguồn thiết bị đã qua sử dụng (đang được triển khai tại các trường phổ thông khá hiệu quả).

- Phụ huynh được mua máy móc, thiết bị trả góp với giá ưu đãi.

Sở GD-ĐT cho biết hiện TP.HCM có 72.638 học sinh tiểu học, THCS, THPT chưa có thiết bị và đường truyền để học trực tuyến.

H.Hương

Dạy học trực tuyến và nỗi lo rớt mạng, chập chờn Dạy học trực tuyến và nỗi lo rớt mạng, chập chờn

TTO - Năm học mới, các trường phổ thông ở TP.HCM dạy học trực tuyến với nhiều phần mềm khác nhau. Ngoài nỗi lo về máy tính, còn có một nỗi lo khác thường trực là 'bị out' (rớt mạng) khi học trực tuyến.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên