28/01/2019 13:51 GMT+7

Dạy học trò phân loại rác thải

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Trên sân khấu buổi sinh hoạt dưới cờ cuối năm của hơn 3.600 em học sinh tiểu học Lê Văn Tám có ba nhân vật đặc biệt: ba bạn trẻ hóa trang thành ba chiếc… thùng rác có màu xanh lá, xanh dương và màu xám.

Dạy học trò phân loại rác thải - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Tân Phú) hào hứng chơi game thẻ về phân loại rác - Ảnh: VŨ THỦY

Các bạn là thành viên dự án giáo dục ý thức phân loại rác thải trong trường học, do Công ty Môi trường đô thị TP.HCM tổ chức.

Giáo dục ý thức và hình thành thói quen phân loại rác cho học sinh là cách để tác động ngay từ gốc. Khi nó đã trở thành thói quen sống thì chính các em khi về nhà cũng sẽ nói với phụ huynh và người thân, để từ đó tạo nên sự thay đổi.

Chị NGUYỄN THỊ QUẾ LÂM

Những bài học đầu tiên

Họ đang diễn một tiểu phẩm hơn chục phút về phân loại rác thải cho các em học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú, TP.HCM). Câu chuyện rất đơn giản: phân biệt rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại để biết cách bỏ rác vào đúng loại thùng rác.

Lần lượt các loại rác thải được các bạn trẻ minh họa bằng hình vẽ trên bìa cứng: chai nhựa, chai thủy tinh, vỏ snack, vỏ chuối, hộp xốp, lá cây, trái táo đã ăn xong... để dạy các em học sinh bài học đầu tiên: loại rác thải đó là rác thải gì? 

Là rác hữu cơ thì trao lại cho anh thùng rác xanh lá, rác tái chế thì trao cho chú thùng rác xanh dương, rác thải còn lại thì đưa đến cho bạn thùng rác xám. Cả sân trường nhao nhao trả lời mỗi khi một mẩu rác được giơ lên và yêu cầu phân loại.

Tiến sĩ Nguyễn Trà Mi - phụ trách dự án cộng đồng về môi trường mang tên Precious Plastic Saigon - cũng lên sân khấu kể một câu chuyện "kinh dị" của các loại sinh vật biển: ống hút nhựa, hộp xốp, bao nilông được con người thải ra... tràn ngập biển. Nhiều loài sinh vật đã chết vì không tiêu hóa được khi ăn phải túi nilông hay chai nhựa... 

Ngay trên sân khấu, chị Mi mang đến chiếc máy đùn sợi và máy cuốn sợi tạo ra các sợi nhựa dùng cho máy in 3D từ các loại rác thải nhựa để giải thích cho các em nhỏ biết người ta sẽ làm gì với rác tái chế và có cái nhìn trực quan nhất về các công đoạn tái chế rác thải nhựa.

Giờ ra chơi, các em nhỏ lại ùa ra nối đuôi nhau thành những hàng dài để được chơi game thẻ phân loại rác thải. Với mỗi chiếc thẻ như quân bài có in hình chai nhựa, hộp xốp, dây thắt lưng da... các em sẽ lần lượt chọn để bỏ chiếc thẻ vào đúng ngăn - ngăn rác thải tái chế, rác hữu cơ và ngăn cho rác còn lại. 

Trò chơi đơn giản với món quà tặng là ly uống nước, cây viết nhưng các bạn nhỏ lại rất hào hứng. Các em cũng bao vây chiếc máy cán sợi nhựa cho máy in 3D mà hồi nãy mới chỉ nhìn từ xa trên sân khấu, lần đầu tiên tận mắt thấy những mẩu nhựa được cán chảy ra để tạo nên sợi nhựa như thế nào.

Bắt đầu từ các em nhỏ

"Con được biết rác thải nhựa phải mất hàng triệu năm mới phân hủy được. Khi rác thải theo các dòng sông đổ ra biển, cá voi ăn vào không tiêu hóa được sẽ tích lại trong ổ bụng và nó sẽ chết. 

Động vật biển còn ăn các hạt nhựa nhỏ xíu lẫn trong nước biển, con người ăn tôm, cá cũng sẽ nhiễm các chất đó và có thể bị ung thư" - Phan Trần Tích Linh, lớp 6A5 THCS Nguyễn Huệ (quận Tân Phú), trả lời khi được hỏi về tác hại của rác thải với môi trường biển.

Không chỉ Linh, mà rất nhiều em học sinh nơi dự án phân loại rác thải trường học đi qua học thêm những bài học về môi trường. Các bạn trẻ của dự án không chỉ đến nói với các em học sinh về rác, mà còn tặng thùng rác có sơn màu phân loại rác cho trường để các em nhỏ có thể thực hành ngay trong khuôn viên nhà trường. 

"Giáo dục ý thức và hình thành thói quen phân loại rác cho học sinh là cách để tác động ngay từ gốc. Khi nó đã trở thành thói quen sống thì chính các em khi về nhà cũng sẽ nói với phụ huynh và người thân, để từ đó tạo nên sự thay đổi. 

Chúng tôi bắt đầu dự án này từ tháng 9-2018 ở năm ngôi trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận Tân Phú. Đây đồng thời cũng là quận mà Công ty Môi trường đô thị đã chọn làm điểm để thực hiện phân loại rác thải trong địa bàn dân cư gồm chung cư Tây Thạnh và 6 tuyến đường" - chị Nguyễn Thị Quế Lâm, bí thư Đoàn Công ty Môi trường đô thị, chia sẻ. Chị hiện là phó phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng của công ty.

Theo chị Lâm, việc có thể giáo dục ý thức phân loại rác từ địa bàn dân cư đến trường học sẽ giúp chương trình phân loại rác thải thực hiện hiệu quả hơn. Quận Tân Phú cũng là địa bàn mà hiện nay Công ty Môi trường đô thị đang phụ trách phần lớn hoạt động thu gom rác. Nhờ đó, rác đã được phân loại sẽ được tổ chức vận chuyển riêng biệt, không trộn lẫn như hầu hết các đơn vị thu gom dân lập đang thực hiện.

Kết nối các tổ chức về môi trường của người trẻ

Chị Nguyễn Thị Quế Lâm cho biết trong năm 2018, dự án giáo dục phân loại rác thải ở tuyến trường học mới chỉ được thực hiện ở năm điểm trường. Trong năm 2019, dự án sẽ tiếp tục mở rộng đến nhiều trường học khác, tiếp cận giáo dục phân loại rác thải đến lứa tuổi học sinh nhiều hơn nữa.

Các bạn trẻ ở Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP cũng đã kết nối với nhiều dự án cộng đồng, tổ chức môi trường của các bạn trẻ để cùng tham gia dự án giáo dục phân loại rác cho học sinh như Hạt giống xanh - Green Seeds, Precious Plastic Saigon... để chương trình hiệu quả hơn và thu hút các bạn sinh viên cùng tham gia.

Cách phân loại rác tại nhà, bạn biết chưa? Cách phân loại rác tại nhà, bạn biết chưa?

TTO - Việc phân loại rác và chuyển giao đúng nhóm rác theo quy định không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp bạn tránh nguy cơ có thể bị phạt tới 15-20 triệu đồng.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên