03/09/2018 15:12 GMT+7

Dạy học bằng cả yêu thương: Chuyện học ở 'ốc đảo' Giồng Bàng

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Khi con nước nhảy khỏi bờ cũng là lúc ấp Giồng Bàng (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) bị chia cắt hoàn toàn, trở thành "ốc đảo". Giữa mênh mông nước, thầy và trò đi gieo và học chữ.

Dạy học bằng cả yêu thương: Chuyện học ở ốc đảo Giồng Bàng - Ảnh 1.

Mùa lũ, học sinh “ốc đảo” Giồng Bàng được đưa rước đến trường bằng tắc ráng - Ảnh: N.TÀI

Ấp Giồng Bàng có 70 gia đình với 170 nhân khẩu đã không xa lạ gì khi nước lũ về, cũng vì vậy luôn trăn trở con đường đến trường của học sinh.

Thầy cô nhận chịu cực

Ấp Giồng Bàng cách trung tâm xã Thường Phước 1 khoảng 5km, chẳng xa xôi nhưng lại cách trở do đường lưu thông chính cũng là con đê ngăn lũ đã bị nước nhấn chìm khoảng 10 ngày nay. Mọi sinh hoạt đi lại của cư dân nơi đây đều trông chờ vào đường thủy. Nhiều căn nhà chìm hẳn trong nước chảy xiết, chỉ còn thấy nóc chơ vơ giữa đồng không mông quạnh.

Khu dân cư ấp Giồng Bàng được xây dựng theo cao độ của đỉnh lũ năm 2000 nên hiện tại vẫn còn trụ vững. Đây cũng là nơi có trường mầm non và trường tiểu học cho các em thuận tiện đến trường. 

Đổi lại, thầy cô giáo phải mang theo cơm và một chiếc võng, mỗi sáng tinh mơ vượt cánh đồng nước đến lớp trên những chiếc tắc ráng tròng trành. Trưa lúc các em tan trường là các thầy dùng cơm trưa tại trường và mắc võng nghỉ chờ đến buổi chiều dạy phụ đạo học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Hợp đã bám trụ ở điểm phụ Giồng Bàng Trường tiểu học Thường Phước 1 ngót nghét 20 năm. Dẫu có quen thuộc nhưng chính thầy Hợp cũng cho rằng năm nay lũ về sớm và nước chảy xiết quá nên lúc băng đồng cũng... hơi sợ. 

"Dạy ở đây thầy cô nào cũng lường trước được sẽ cực hơn dạy điểm chính nhưng vào đây có niềm vui riêng. Học sinh ở đây ngoan lắm, người dân cũng chân tình, dễ mến" - thầy Hợp chia sẻ.

Với thầy Lê Quang Tuấn, đây là năm đầu tiên dạy ở điểm Giồng Bàng nhưng đã dần thích nghi. Thức từ sớm để chuẩn bị cơm, cuốc bộ ra điểm tập trung để lên tắc ráng vào trường. "Thà tụi tui đi xa, chịu cực chứ tụi nhỏ ra trung tâm học còn xa và nguy hiểm tới chừng nào" - thầy Tuấn nói.

"Biệt đội" tắc ráng đưa rước học sinh

Nhân khẩu ấp Giồng Bàng là 170 người nhưng có đến 45 học sinh tiểu học, 20 học sinh THCS và THPT. Các em nhỏ cấp tiểu học và mầm non được học tại chỗ trong khi các anh chị phải băng đồng đến trường vào mùa nước.

Đã nhiều năm nay việc đưa rước học sinh mùa lũ, đưa đón thầy cô vào dạy đều được duy trì từ sự chung tay của nhiều đơn vị. Thầy cô vận động tuyên truyền học sinh đến trường, đảm bảo an toàn với áo phao và phải có người lớn đi cùng. 

Các phụ huynh thay phiên nhau làm tài công trong khi các mạnh thường quân ủng hộ xăng dầu. Bộ đội biên phòng cũng thường xuyên cử lực lượng hỗ trợ hoặc làm tài công đưa rước học sinh vào thời điểm nước chảy xiết, nguy hiểm. 

Không chỉ các em nhỏ mà việc đi chợ, khám bệnh của người dân cũng được đưa rước miễn phí.

Ông Nguyễn Văn Nhàn, một trong những tài công chịu thương chịu khó nhất "biệt đội", chia sẻ: "Đã làm công việc này, điều cảm thấy vui nhất là nhìn con em địa phương được đến trường. Không chịu khó đưa rước sao tụi nhỏ đi học được, trong số học sinh còn có con cháu mình nữa mà". 

Tham gia đưa rước đã nhiều năm nên ông Nhàn và anh em trong nhóm đều rành rẽ hướng dẫn các em phải mặc áo phao, không giỡn đùa trên tắc ráng.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hồng Ngự, cho biết mùa lũ năm nay sẽ là năm cuối học sinh Thường Phước 1 phải băng đồng đến trường vì tuyến đường vào ấp Giồng Bàng đang triển khai xây dựng.

Năm nay, mặc dù điều kiện đi lại khó khăn nhưng không có học sinh nào phải bỏ học vì chia cắt lũ. Tỉ lệ huy động học sinh ra lớp của toàn huyện đến thời điểm này trên 98%. 

Ngoài ra, ông Tiến cũng khẳng định sẽ duy trì điểm trường phụ ở Giồng Bàng bằng mọi giá để tạo điều kiện cho con em của ấp đến trường dễ dàng.

100% thầy cô xung phong

Thầy Nguyễn Tấn Thành, hiệu trưởng Trường tiểu học Thường Phước 1, cho biết ở điểm phụ Giồng Bàng, 100% thầy cô đều xung phong nhận nhiệm vụ.

"Thầy cô đều mong muốn san sẻ khó khăn cho nhau và hơn hết là thay đổi thầy cô thường xuyên để đổi mới cách dạy, các em thích thú hơn, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học ở điểm trường này" - thầy Thành chia sẻ.

Trường lớp ngổn ngang sau lũ Trường lớp ngổn ngang sau lũ

TTO - Mưa lớn gây lũ làm ngập nhiều trường học miền núi phía Bắc, khiến việc trở lại trường của trẻ em gặp khó khăn.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên