04/08/2018 10:43 GMT+7

20 năm vì trẻ tật nguyền: Dạy văn hóa, dạy cả làm người

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Hơn 20 năm, cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga (63 tuổi, ngụ P.8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) xem sự trưởng thành, hiểu biết của học trò là niềm vui, động lực để gắn bó với việc tạo ra một cộng đồng người khuyết tật có ích cho xã hội.

20 năm vì trẻ tật nguyền: Dạy văn hóa, dạy cả làm người - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga trong một giờ “dạy học” thương yêu - Ảnh: D.T.

Nói là lớp học cho sang, chứ thật sự nơi dạy học chỉ là cái chòi chừng 20m2 nằm nép mình cạnh mái hiên nhà với vỏn vẹn vài bộ bàn ghế.

Gương mặt học sinh na ná nhau vì cùng bị ảnh hưởng từ hội chứng Down. Lớp học không phân biệt cấp độ, tuổi tác khi người nhỏ nhất mới 8 tuổi trong khi lớn tuổi nhất cũng đã ngấp nghé 30.

Tui sẽ gắn bó với lớp học đến lúc sức khỏe không cho phép. Đó là trách nhiệm của một người làm giáo dục, là con đường mà tui đã, đang và sẽ đi

Cô NGUYỄN THỊ HUỲNH NGA

Dạy văn hóa, dạy cả làm người

Những gương mặt ngô nghê với nhiều cảm xúc trái ngược, những cử chỉ hình thể luống cuống trở thành đặc trưng của lớp học đặc biệt này.

Đôi khi xen vào giữa tiết học là những tiếng la thất thanh đến chói tai, tiếng cười giòn tan đánh thức cả học trò khác còn đang ngủ. 

Lớp học của cô Nga nghiêng hẳn về việc định hướng giúp trò cởi mở, thân thiện hơn bằng những bài học về kỹ năng sống, học vẽ tranh, ca hát, những câu chuyện nhân văn truyền tải thông điệp ý nghĩa.

Thỉnh thoảng giữa tiết học, trò còn được phát bánh kẹo, sữa để ăn uống nhằm giảm bớt căng thẳng cũng như tạo không khí vui vẻ cho lớp học.

"Vốn dĩ các bạn đã chịu quá nhiều thiệt thòi, tui tạo ra lớp học này với mong muốn các em có một môi trường vui vẻ, từ đó khơi dậy trong các bạn tình yêu với cha mẹ, với bạn bè" - cô Nga tâm sự.

Do học trò trong lớp có trình độ khác nhau, việc tiếp nhận kiến thức nhanh chậm cũng khác nên cô Nga thường bố trí trò ngồi theo nhóm hoặc ngồi xen kẽ để có thể dễ dàng quản lý. 

Ê a đánh vần theo từng con chữ trên bảng, không cần cô Nga nhắc nhở, bạn nào tiếp thu nhanh thì quay sang chỉ bảo cho các bạn còn lại.

Cứ thế lớp học trôi đi trong sự tự giác mà hiếm ai nghĩ một lớp học dành cho trẻ thiểu năng có được. "Các bạn rất ngoan, mình chỉ cần nắm được tâm lý của các bạn thì sẽ dễ dàng truyền đạt" - cô Nga hào hứng cho biết.

Mỗi khi kể về hoàn cảnh của một học trò bất kỳ, đôi mắt cô Nga lại đượm buồn vì phần lớn đều xuất thân nghèo khó. 

Đó có thể là cô học trò Lê Thị Ngọc Trinh bị thiểu năng trí tuệ, mẹ bỏ đi từ nhỏ nên hằng ngày phải đẩy xe lăn cùng bà đi bán vé số; là bé M.A. bị nhiễm HIV, phải nương tựa vào ông bà đã ở tuổi xế chiều.

"Tui không nói tất cả nhưng phần lớn các em đến đây ngoài học hành thì nhiều em còn phải mưu sinh kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Ngoài dạy văn hóa tui còn chỉ bảo cho các em cách ứng xử trong cuộc sống, cách bảo vệ bản thân các em trước cái xấu trong xã hội" - cô Nga nói về những "bài giảng" của mình.

Hành trình không mệt mỏi

Lớp học tình thương hình thành cách đây 20 năm, ban đầu chỉ là một phòng học nhỏ nằm trong Trường tiểu học Chu Văn An. Lúc bấy giờ với vai trò cán bộ quản lý phổ cập giáo dục, cô Nga nhận thấy nhiều học sinh khuyết tật hoặc có gia cảnh khó khăn không thể đến lớp.

Từ đó cô lóe lên suy nghĩ mở một lớp học miễn phí để phổ cập kiến thức, xóa mù chữ cho trò đã nghèo lại còn mang bệnh. 

Thời gian đầu, ngoài học sinh thiểu năng, lớp nhận cả các bạn có hoàn cảnh khó khăn nên sĩ số lớp học thường rất đông. Năm 2009, cô Nga chuyển lớp học về nhà riêng, sĩ số lớp học ổn định hơn 30 học sinh từ đó đến nay.

"Đi "xin" trò về lớp cũng vất vả lắm. Gia cảnh nghèo nên các bạn thường phải đi bán vé số, bán kẹo kéo phụ giúp gia đình. Do các cháu cũng đem lại thu nhập cho gia đình nên ít cha mẹ nào chịu cho con đi học lắm, tui phải đi từ ngày này sang ngày khác, nài nỉ mãi họ mới cho con vào lớp học" - cô Nga giãi bày.

Cô Nga kể về vô vàn sự cố khi đứng lớp với học sinh như có em bị bệnh tim phải đi cấp cứu khi đang học giữa chừng, có em mất tích khiến cả lớp nháo nhào đi tìm mới thấy đang trèo tường... 

"Học sinh ở lớp không hành xử như người bình thường nên lúc nào tui cũng phải trông chừng. Chỉ cần thoáng chốc là các em biến mất ngay" - cô Nga chỉ về cánh cửa sắt đóng kín trước lớp học nói.

Nhận thấy nhiều học sinh thường dùng tiền kiếm được vào việc chơi game, bài bạc, cô Nga nghĩ cách giúp các em tiết kiệm bằng cách mua heo đất, ghi tên từng học trò. 

Mỗi khi các bạn "cho heo ăn", cô Nga sẽ ghi số tiền vào sổ. Thường nghỉ hè hoặc tết cô Nga sẽ cùng các bạn đập heo đất lấy số tiền tiết kiệm mua đồ tặng cha mẹ, ông bà.

Hiện ngoài dạy học, hằng năm cô Nga đều dẫn học trò đi bơi, tham gia các cuộc thi về vẽ tranh, hát... Đó cũng là một trong nhiều cách giúp các em hòa nhập cộng đồng, bớt thụ động nhút nhát.

Nói về lý do vẫn tiếp tục với lớp học mà không đưa các em vào trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, cô Nga ngậm ngùi: "Trường chỉ nhận các em trong một độ tuổi nhất định, ngoài ra các em vào trường phần lớn đều bị câm điếc chứ các em thiểu năng trí tuệ rất khó hòa nhập, tiếp nhận kiến thức. Đó là lý do ròng rã 20 năm qua tui vẫn duy trì lớp học này".

Người giáo viên tận tâm

Theo ông Nguyễn Trung Dân - phó chủ tịch UBND P.8, TP Vĩnh Long, cô Nga là giáo viên tận tình, tâm huyết với công tác dạy trẻ khuyết tật. Mặc dù là giáo viên đã nghỉ hưu nhưng cô luôn cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục.

"Địa phương luôn hết sức ủng hộ, vận động ủng hộ các em quần áo, tập sách... Mong cô Nga có nhiều sức khỏe để gắn bó với công việc đầy ý nghĩa này" - ông Dân chia sẻ.

Xúc động chú cò bay 13.000km mỗi năm về bên bạn đời tật nguyền Xúc động chú cò bay 13.000km mỗi năm về bên bạn đời tật nguyền

TTO - Quãng đường 13.000km đối với một chú cò như Klepetan không hề ngắn, nhưng 16 năm nay chưa bao giờ nó lỡ hẹn với bạn đời Malena không thể bay xa.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên