02/04/2023 10:24 GMT+7

Đậu xe dưới lòng đường, trên vỉa hè: Cần thiết nhưng chỉ là tình thế

TP.HCM, UBND Hà Nội vừa có yêu cầu các sở ngành kiểm tra để thống nhất danh mục các tuyến phố cấm đậu xe dưới lòng đường, trên hè phố.

Giữ xe máy trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM trưa 1-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giữ xe máy trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM trưa 1-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tiếp theo sau TP.HCM, UBND Hà Nội vừa có yêu cầu các sở ngành kiểm tra để thống nhất danh mục các tuyến phố cấm đậu xe dưới lòng đường, trên hè phố, đồng thời nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể về việc cho phép đậu xe dưới lòng đường, trên hè phố để giải quyết tình trạng đậu xe lộn xộn hiện nay.

Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp này là cần thiết nhưng là giải pháp tình thế. Để giải quyết được tình trạng này còn cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác.

* Đại biểu Quốc hội BÙI HOÀI SƠN (Đoàn ĐBQH Hà Nội):

Giải pháp tình thế

Đậu xe dưới lòng đường, trên vỉa hè: Cần thiết nhưng chỉ là tình thế - Ảnh 2.

Việc nghiên cứu để cho phép đậu xe dưới lòng đường, vỉa hè là giải pháp tình thế trong lúc này. Tuy nhiên, việc cho phép đậu xe dưới lòng đường và hè phố cũng có những rủi ro và hạn chế.

Điều này có thể dẫn đến việc cản trở lưu thông, gây phiền hà cho người đi bộ và chưa kể nguy cơ tai nạn giao thông.

Do đó, đây là vấn đề phức tạp, có nhiều yếu tố cần cân nhắc, có nghiên cứu, đánh giá một cách cụ thể, khoa học, rõ ràng.

Nếu áp dụng chính sách này cần phải đi kèm với các biện pháp quản lý và kiểm soát, để đảm bảo an toàn giao thông cũng như thuận tiện, trật tự an ninh công cộng cho người dân.

Về lâu dài, cần xây dựng thêm các bãi đỗ xe công cộng ở khu vực trung tâm, đông dân cư và có thể tận dụng các không gian ngầm. Các bãi đậu xe này có thể được thiết kế với các tiện ích như giám sát an ninh, đèn chiếu sáng, trạm nạp điện cho xe điện và chỗ để xe đạp.

Cạnh đó, sử dụng công nghệ để quản lý chỗ đậu xe như một số đô thị trên thế giới đã sử dụng, giúp tối ưu hóa sử dụng không gian đỗ xe và giảm thiểu tình trạng đỗ xe vô tổ chức.

Thêm vào đó, cần có các giải pháp khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thay vì sử dụng xe riêng. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm xe đạp, xe điện, xe chia sẻ…

* KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM (nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội):

Cần nghiên cứu, phân loại kỹ đường phố

Đậu xe dưới lòng đường, trên vỉa hè: Cần thiết nhưng chỉ là tình thế - Ảnh 3.

Hệ thống giao thông của các TP lớn hiện nay rất phức tạp, đa dạng.

Có những tuyến đường rộng 5m, vỉa hè rộng 1,5m nhưng có tuyến đường lòng đường 20 - 30m, vỉa hè rộng 5 - 7m. Hơn nữa, tỉ lệ đất giao thông còn thiếu trầm trọng nên việc thiếu chỗ đậu xe đã tồn tại từ trước đây để lại và rất khó để giải quyết.

Thêm vào đó, lượng xe cộ lại tăng rất nhanh, các tuyến giao thông công cộng hiện đại như metro cũng chưa có nhiều.

Do đó, việc nghiên cứu lại tổng thể hệ thống giao thông toàn TP, trong đó có việc cho phép đậu xe ở lòng đường, vỉa hè là rất cần thiết.

Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu, phân loại đường phố để không ảnh hưởng lớn đến không gian chung. Đồng thời, các điểm đậu xe này phải kết nối với giao thông công cộng.

Riêng với việc đậu xe ở lòng đường nếu thực hiện cần chọn các tuyến đường có bề mặt đủ rộng, ít phương tiện và cần có thời hạn nhất định chứ không phải lúc nào cũng có thể đậu xe. Việc đậu xe ở đây cũng cần phải thu phí.

Về lâu dài cần tiếp tục gia tăng các chỗ, điểm đậu xe bằng cách gỡ các vấn đề pháp lý. Do đó, cần có chính sách quyết liệt hơn, tháo gỡ vướng mắc, thu hút nguồn lực xã hội hóa để tham gia xây dựng các bãi đậu xe.

Cạnh đó, cần có chính sách để kiểm soát gia tăng phương tiện cũng như hạn chế phương tiện cá nhân vào các khu vực dễ gây ách tắc, đường giao thông nhỏ như ở bốn quận trung tâm của Hà Nội.

* Chuyên gia giao thông PHAN LÊ BÌNH:

Không nên áp giá trần với bãi đậu xe của tư nhân đầu tư

Đậu xe dưới lòng đường, trên vỉa hè: Cần thiết nhưng chỉ là tình thế - Ảnh 4.

Việc dùng lòng đường, vỉa hè làm nơi đậu xe cần phải được cân nhắc, đánh giá rất kỹ.

Trong đó, không nên cho phép đại trà mà chỉ nên xem xét, cho phép ở một vài điểm xung quanh các bệnh viện, cơ quan hành chính cực kỳ cấp thiết.

Đồng thời, phải tính toán kỹ chiều rộng đường, lưu lượng xe cộ và quản lý bằng quy định rành mạch, rõ ràng.

Tuy nhiên, việc thiếu bãi đậu xe cũng là một điều kiện rất tốt để giúp điều tiết từ giao thông cá nhân sang công cộng.

Còn nếu chúng ta cứ chú trọng cho giao thông cá nhân thì rất khó để giao thông công cộng phát triển. Đó là nguyên tắc cơ bản cần đảm bảo.

Bên cạnh đó, việc thiếu bãi đậu xe cần được giải quyết căn cơ bằng cách có các cơ chế, chính sách ưu đãi hơn cho các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia đầu tư, xây dựng bãi đậu xe.

Trong đó, không áp giá trần với các bãi đậu xe của tư nhân bởi khi đầu tư ra bãi đậu xe mà dùng giá trần đó sẽ hoàn toàn lỗ.

Nếu tính đơn giản, để đậu một ô tô cần 8m2, trong khi đó giá 1m2 có thể tiếp cận làm bãi đậu xe ở các phố trung tâm Hà Nội lên tới cả trăm triệu đồng. Với suất đầu tư nhà đậu xe cao tầng có thể thấp hơn song mỗi lần đậu xe chỉ thu giá trần là 25.000 đồng thì đến khi nào mới có thể thu hồi được vốn.

Hà Nội sẽ thí điểm trông giữ ô tô dưới lòng đường tại 2 tuyến phố, một điểm thuộc quận Hoàn Kiếm là Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và điểm bến xe điện cũ trên đường Đinh Tiên Hoàng. Trong ảnh: điểm đỗ xe tại đường Lý Thường Kiệt - Ảnh: NAM TRẦN

Hà Nội sẽ thí điểm trông giữ ô tô dưới lòng đường tại 2 tuyến phố, một điểm thuộc quận Hoàn Kiếm là Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và điểm bến xe điện cũ trên đường Đinh Tiên Hoàng. Trong ảnh: điểm đỗ xe tại đường Lý Thường Kiệt - Ảnh: NAM TRẦN

* Ông BÙI DANH LIÊN (phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội):

Thu hồi các dự án chậm triển khai, đất để hoang làm bãi đậu xe

Đậu xe dưới lòng đường, trên vỉa hè: Cần thiết nhưng chỉ là tình thế - Ảnh 6.

Do quy hoạch còn nhiều bất cập nên việc dành quỹ đất cho giao thông tĩnh (nơi đậu xe) ở Hà Nội hay TP.HCM còn rất khó khăn.

Đây là điều khó có thể giải quyết trong thời gian sớm nhất. Do đó, việc nghiên cứu các tuyến đường để có thể cho phép đậu xe ở lòng đường, vỉa hè ở những tuyến đáp ứng yêu cầu là điều mà nhiều người mong chờ. Tuy nhiên, việc này phải được đánh giá rất chi tiết.

Về lâu dài, để giải quyết bài toán thiếu chỗ đậu xe, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, yêu cầu các nhà cao tầng, trung tâm thương mại xây dựng phải bố trí tầng hầm để xe hay chỗ để xe. Cạnh đó, kiên quyết thu hồi các dự án nhà cao tầng chậm triển khai, khu đất bỏ trống, hoang nhiều năm để bố trí làm các bãi đậu xe.

Thời gian qua, nhiều công ty, đơn vị cũng đã vào nghiên cứu, xây dựng các bãi đỗ xe công cộng nhưng còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục, đầu tư… Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ để giúp họ có điều kiện về đất đai, tài chính để xây dựng các bãi trông giữ xe.

* Ông NGUYỄN PHI THƯỜNG (giám đốc Sở GTVT Hà Nội):

Chỗ đậu xe rất thiếu

Đậu xe dưới lòng đường, trên vỉa hè: Cần thiết nhưng chỉ là tình thế - Ảnh 7.

Năm 2022, sau cao điểm dịch COVID-19, Hà Nội tăng thêm gần 100.000 ô tô khiến số xe cơ giới của Hà Nội tăng lên 7,8 triệu xe. Trong khi đó, đất giao thông chỉ tăng 0,8%.

Đến nay, tỉ lệ đất giao thông toàn TP mới đạt 10,35%, cách rất xa so với mục tiêu là 20%. Đất dành cho giao thông tĩnh cũng chưa đạt 1%, hiện nay mới đáp ứng chưa tới 25% nhu cầu thực tế.

Các dự án bãi đậu ngầm, cao tầng hiện nay của TP trong tình trạng ngưng trệ, rất ít các dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng do vướng cơ chế chính sách, thuế phí dành cho nhà đầu tư, việc quản lý…

Thực trạng đó đã khiến phát sinh nhiều nơi trông giữ xe như ở các cơ quan, trường học, vỉa hè, lòng đường… Nếu như nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư bãi đậu xe thì phải cạnh tranh với chính những hình thức cạnh tranh không lành mạnh này. Vì thế việc nghiên cứu đậu xe ở lòng đường tại một số tuyến phố là cần thiết.

Các TP xác định dùng lòng đường, vỉa hè phục vụ công cộng thì nên tìm giải pháp để dẹp triệt để tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè buôn bán bừa bãi, nhếch nhác. Trong đó chú trọng chuyển đổi, định hướng nghề nghiệp cho những người lao động này mới
hài hòa được.
TS CHUNG THÀNH TIẾN

Phải tính chuyện "dọn" đường, vỉa hè trước

Điểm giữ ô tô trên sân thượng tại một siêu thị trên địa bàn quậnTân Phú, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Điểm giữ ô tô trên sân thượng tại một siêu thị trên địa bàn quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Sau khi Sở GTVT TP.HCM có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát, cung cấp danh mục tuyến đường có lòng đường, vỉa hè đủ điều kiện để tổ chức hoạt động ngoài giao thông, anh Đỗ Bảo Huy (quận 3) cho rằng TP rất cần rà soát, quy hoạch sử dụng vỉa hè, lòng đường một cách hiệu quả.

Trước hết, vỉa hè, lòng đường phải được sử dụng để phục vụ giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.

"Rõ ràng TP.HCM đang đối mặt với tình trạng thiếu bãi đậu ô tô trầm trọng. Trong khi đó, nhiều vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng đậu xe bừa bãi, kinh doanh, mua bán không quản lý được.

Những điều này khiến giao thông rối loạn, xấu xí bộ mặt đô thị. Chính vì vậy, TP.HCM phải tính toán để quy hoạch, quản lý, khai thác vỉa hè, lòng đường thật hiệu quả", anh Huy nói.

Trong khi đó KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng trong "chiến dịch" giành lại vỉa hè mà Hà Nội đang thực hiện đã thể hiện rõ sự linh hoạt, thông cảm với người dân.

Trong đó, kiên trì tuyên truyền vận động, nhắc nhở, yêu cầu các hộ gia đình ký cam kết sau đó cương quyết xử lý và duy trì về sau chứ không chuyên về áp chế, thu bắt như các lần trước.

Cạnh đó, đã giao trách nhiệm cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị, nhất là các quận huyện, phường xã, công khai thông tin chủ tịch UBND quận huyện, thị xã và chủ tịch UBND các xã phường, thị trấn để xảy ra tình trạng vi phạm về trật tự hè phố trên địa bàn tại buổi họp báo của UBND TP hằng tháng, có đường dây nóng để nắm bắt tình hình.

Từ hoàn cảnh của bản thân, TS Chung Thành Tiến - chuyên gia kinh tế - cho hay khi đưa con đi học thường rất khổ sở tìm kiếm chỗ đậu xe. Xung quanh trường đều là các tuyến cấm đậu, lại không hề có một bãi đậu xe nào được quy hoạch cho người dân đem xe vào gửi.

Nếu có thì bãi xe quá xa trường hoặc bãi quá nhỏ nên đã hết chỗ giữ. "Tôi buộc lòng phải đậu đại xe trên đường thì vi phạm giao thông có thể bị phạt, đồng thời gây rối loạn trật tự giao thông, rất bất tiện" - ông Tiến nói.

Do đó, việc quy hoạch vỉa hè, lòng đường để cho đậu ô tô có thu phí là điều nên làm sớm, rất phù hợp với xu thế của thế giới. Ví dụ, những tuyến đường rộng hoặc tuyến ít xe lưu thông thì quy hoạch cho đậu xe có thu phí.

Tuyến nào lề đường cả hai bên đều rộng thì quy định cho đi bộ một bên, bên còn lại cho đậu xe thu phí. Chỉ cần làm được như thế, các TP được lợi nhiều đường như giải quyết được vấn đề thiếu bãi đậu ô tô, thu phí đậu ô tô giúp tăng nguồn thu. Đặc biệt là lòng đường, vỉa hè không còn bị chiếm dụng nhếch nhác.

Theo ông Tiến, để làm được điều này các đơn vị nên học tập từ các nước trên thế giới về quy hoạch, sử dụng lòng đường, vỉa hè.

Ví dụ ở châu Âu, họ tận dụng từng mét vuông đất vỉa hè để đậu xe, thậm chí giữa hai cây xanh lớn có chỗ trống thì họ cũng dùng làm chỗ đậu xe khiến đô thị gọn gàng, tiết kiệm không gian hiệu quả.

T.DUNG - C.TUẤN - T.CHUNG

Hà Nội nghiên cứu cho phép xe đậu lòng đường, hè phốHà Nội nghiên cứu cho phép xe đậu lòng đường, hè phố

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết TP sẽ nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể về việc cho phép đậu xe dưới lòng đường, trên hè phố như: bề rộng của hè phố, tuyến phố không thuộc tuyến hành lang dẫn và bảo vệ đoàn...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên