04/02/2012 06:41 GMT+7

Đầu tư theo VN30

HẢI ĐĂNG
HẢI ĐĂNG

TT - Dù đến ngày 6-2, VN30 - chỉ số thứ hai tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) - mới chính thức được đưa vào áp dụng, nhưng thời gian qua thị trường đã xuất hiện trào lưu đầu tư vào các cổ phiếu (CP) có trong rổ để tính VN30.

zHRkR87l.jpgPhóng to
Thông tin về việc đưa vào áp dụng chỉ số VN30 đã góp phần giúp chứng khoán khởi sắc hơn- Ảnh: minh đức

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt CP trong rổ VN30 tăng khá mạnh, có thể kể đến như CTG (tăng 37,8%), BVH (36,5%), HAG (27,6%), STB (23,8%)..., trở thành động lực giúp duy trì đà tăng của VN-Index...

Đi trước đón đầu

Ông Trần Hoàng Ngân, chủ tịch hội đồng chỉ số VN30, cho rằng thông tin về việc đưa vào áp dụng chỉ số VN30 vào ngày 6-2 đã tác động rất tích cực đến tâm lý nhà đầu tư, giúp chứng khoán khởi sắc hơn. “Với việc đưa vào áp dụng chỉ số VN30, nhiều nhà đầu tư cho rằng các cơ quan quản lý đã bắt đầu có những động thái giúp thị trường hấp dẫn hơn và nhà đầu tư cũng an tâm hơn khi bỏ vốn đầu tư...” - ông Ngân nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Việt Đức, giám đốc nghiên cứu và phân tích kinh tế Công ty CP quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội, cho rằng đà tăng của chứng khoán từ đầu năm đến nay tập trung chủ yếu ở những CP trong rổ VN30 là điều có thể giải thích được, do nhóm CP này chắc chắn sẽ được chú ý nhiều hơn thời gian tới. Nhà đầu tư kỳ vọng các quỹ, đặc biệt các quỹ đầu tư chỉ số đang hoạt động hoặc dự kiến thành lập, sẽ mua vào các CP này để xây dựng quỹ.

Ngày 3-2, HoSE đã tổ chức công bố chính thức về chỉ số VN30, được áp dụng từ ngày 6-2. Cùng ngày, HoSE công bố giới hạn tỉ lệ vốn hóa của các CP thành phân chỉ số VN30, trong đó CP STB đứng đầu và GMD đứng thứ 30 trong danh sách.

Được biết, VN30 được tính toán theo phương pháp giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỉ lệ CP có khả năng giao dịch được, với 30 CP niêm yết tại HoSE có vốn hóa thị trường và thanh khoản cao nhất. Các CP trong VN30 bị giới hạn tỉ trọng không quá 10% và xem xét định kỳ sáu tháng/lần.

Theo ông Hoàng Thạch Lân - giám đốc môi giới Công ty chứng khoán MHBS, với tính đại diện cao (vốn hóa, thanh khoản...), VN30 đáp ứng được tiêu chí cho quỹ đầu tư chỉ số. Và muốn xây dựng quỹ này, các công ty quản lý quỹ phải tổ chức mua các CP trong rổ VN30 với tỉ trọng tương ứng, đảm bảo danh mục của quỹ biến động tương ứng với VN30. Do đó, việc nhà đầu tư đổ xô mua các CP trong VN30 không ngoài mục đích nhằm đón đầu cơ hội. “Nếu việc xuất hiện các quỹ đầu tư chỉ số trở thành hiện thực từ nay đến giữa năm như dự báo, chắc chắn sẽ có lực cầu mới và thị trường sẽ diễn biến tích cực hơn...” - ông Lân nói.

Một số chuyên gia cho rằng sau khi cơ quan quản lý “bật đèn xanh” cho quỹ mở hoạt động, một số quỹ đầu tư lớn trong nước đã rục rịch thành lập các quỹ đầu tư chỉ số và các quỹ này dự báo sẽ sớm xuất hiện. Tuy nhiên, dù khẳng định đây là cơ sở quan trọng để các quỹ trong nước thành lập quỹ đầu tư chỉ số, nhưng bà Lê Yến Quỳnh - giám đốc nghiệp vụ, quản lý danh mục của Dragon Capital - cho rằng thị trường cần có thời gian chấp nhận VN30. Ngoài ra, hạn chế hiện nay là một số CP trong VN30 đã hết room (tỉ lệ) cho nhà đầu tư nước ngoài, do đó việc thành lập quỹ đầu tư chỉ số đối với VN30 cũng chưa thể quá lạc quan.

So bó đũa chọn cột cờ

Tại biểu đồ so sánh VN30 (mô phỏng trên dữ liệu quá khứ trong ba năm gần đây) với VN-Index, được HoSE công bố ngày 1-2, nhiều nhà đầu tư bày tỏ thất vọng khi cho rằng diễn biến của hai chỉ số này hầu như tương đồng. Anh Huỳnh Đức, một nhà đầu tư tại sàn ACBS, cho rằng một trong những mục tiêu của việc xây dựng chỉ số VN30 là cung cấp cho thị trường chỉ số phản ánh trung thực hơn diễn biến của thị trường, khi mà VN-Index thời gian qua đã bị “méo mó” do ảnh hưởng của một số CP lớn. Tuy nhiên, thực tế so sánh biểu đồ này cho thấy quá khác biệt. Nhiều nhà đầu tư cho rằng không ít CP không xứng đáng nằm trong rổ VN30 do chất lượng không tốt như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Việt Đức cho rằng việc ảnh hưởng của nhóm CP lớn đến VN30 là điều không thể tránh khỏi, do phương pháp tính chỉ số này không khác biệt so với VN-Index. Chỉ có một số khác biệt là VN30 tính toán trên tỉ lệ CP có khả năng giao dịch được (free float) và giới hạn tỉ trọng của mỗi CP (không quá 10%) trong VN30. Do vậy, chỉ có vài CP như BVH, CTG, VCB... với cách tính theo VN30 giảm tỉ trọng so với cách tính trong VN-Index. Khi một số CP có tỉ trọng lớn trong VN30 biến động, VN30 cũng sẽ chịu tác động là điều không thể tránh khỏi.

Ông Hoàng Thạch Lân cho rằng căn cứ trên công thức tính, VN30 không thể triệt tiêu được các hoạt động thao túng giá, nếu các CP lớn “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Theo ông Lân, việc lựa các CP trong VN30 chưa dựa theo tiêu chuẩn chất lượng kinh doanh của công ty mà theo hình thức “so bó đũa chọn cột cờ”, những CP nào đáp ứng được các tiêu chí về vốn hóa, free float, thanh khoản... sẽ có tên trong danh sách.

Tuy nhiên theo ông Lân, những hạn chế của VN30 như phản ứng của một số nhà đầu tư là điều khó tránh khỏi, do mục tiêu lớn nhất của việc áp dụng VN30 là nhằm tạo thêm sản phẩm đầu tư cho thị trường, là công cụ đầu tư theo chỉ số của các quỹ đầu tư trong thời gian tới. Hơn nữa, theo một số chuyên gia, việc xây dựng VN30 dựa theo phương pháp tính hiện đại nhằm tạo ra sự đồng bộ với thông lệ quốc tế về cơ cấu chỉ số, khả năng sinh lợi của chỉ số CP tại HoSE với các sàn chứng khoán trong khu vực.

HẢI ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên