Bà nói đào tạo hệ bác sĩ nội trú (hệ đào tạo đặc thù của ngành y được coi là đào tạo nhân tài cho y khoa) thì làm sao để từ giai đoạn học bác sĩ nội trú, các bác sĩ đã có lương đủ sống và từ đó có thời gian cho việc rèn luyện tay nghề.
Thật hiếm có nghề nghiệp nào mà thời gian học lại kéo dài như ngành y. Sau sáu năm bậc đại học, các bác sĩ muốn làm việc độc lập phải học bác sĩ nội trú hoặc bác sĩ chuyên khoa cấp 1, 2, học thạc sĩ, tiến sĩ, thời gian học để có thể làm việc được ít nhất 9 - 10 năm.
Chưa kể khi đã vào làm việc, họ phải tham gia các khóa "đào tạo liên tục" để tiếp tục hành nghề.
Nghề y làm việc vì sức khỏe con người. Mỗi người từ khi sinh ra đến lúc lìa đời, đau ốm hay mạnh khỏe đều cần bàn tay chăm sóc của y bác sĩ. Vì thế rất cần y bác sĩ vừa giỏi y lý, vừa giỏi tâm lý người bệnh để động viên và săn sóc người bệnh.
Chứng kiến y bác sĩ làm việc, ai cũng nghĩ y bác sĩ phải rất khỏe mạnh vì cường độ làm việc cao.
Ở khoa cấp cứu nhiều bệnh viện, cứ năm ngày là y bác sĩ phải trực một ca vắt sức 24/24 giờ, xung quanh họ là những người đau ốm, không thể lơ là dù chỉ một chút vì đó là mạng người.
Để tôn vinh nghề y và y bác sĩ, gần 40 năm trước Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định lấy ngày 27-2 hằng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Ngày này năm 1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc, căn dặn "lương y phải như từ mẫu".
Những ngày này, nhiều hoa, nhiều lời chúc mừng đã được gửi tới y bác sĩ, những người đã chăm sóc và cứu tính mạng con người.
Nhưng với những người đang làm nghề y, họ vẫn cần sự chia sẻ, đúng hơn là được đầu tư, đãi ngộ đúng mức, nhất là những chính sách về lương và phụ cấp, về chính sách liên quan đến học hành và đào tạo.
Từ nhiều năm trước đã có ý kiến các ngành nghề khác học bốn năm đã tốt nghiệp bậc đại học, trong khi ngành y học sáu năm và lương khởi điểm khi ra trường là như nhau, đó là một sự bất cập.
Từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều y bác sĩ cũng có ý kiến về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề còn lúng túng chưa giải quyết được...
Nghị quyết 46 năm 2005 của Bộ Chính trị đã nêu: "Nghề y là nghề đặc biệt, cần tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".
Cho đến nay thi vào đại học y - dược vẫn là khó nhất, học hành vất vả nhất, làm việc cường độ cao nhưng đúng là còn "lấn cấn" về chế độ đãi ngộ với y bác sĩ. Vì sao phụ cấp ca trực chỉ đủ mua hai bát phở?
Vì sao phụ cấp ca mổ tim rất khó cũng chỉ vài trăm ngàn đồng? Những câu hỏi ấy không thể để kéo dài hơn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận