Ông Trump và các quan chức Mỹ tại bang Utah ngày 4-12 - Ảnh: REUTERS
Những đòn tấn công liên tục của Tổng thống Donald Trump đang khiến giới truyền thông sợ hãi - điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ ông Trump cũng có cái lý.
Chúng ta đã chứng kiến cái lý đó hôm thứ Sáu (1-12): Đài ABC phát sóng chương trình tin tức thường lệ với bản tin khẳng định ông Trump đã chỉ đạo cho vị tướng bạn hữu Mike Flynn liên lạc với người Nga hồi năm 2016.
Nhưng, đáng buồn thay, hóa ra thông tin đó không chính xác. Đài này phải lên tiếng đính chính lại bản tin và cho phóng viên Brian Ross - người chịu trách nhiệm - nghỉ việc trong 4 tuần không lương.
Có hàng triệu lí do để bào chữa cho sai lầm đó và nó có thể không liên quan đến chính trị hoặc sự sa sút của nghề báo. Tuy nhiên, điều nguy hiểm ở đây chính là "tự biện hộ" quá nhiều.
Ông Ross chỉ là một phóng viên, không phải người có quyền quyết định lên sóng và nói gì tùy thích. Ai cũng biết bất cứ báo đài nào đều có những tiêu chuẩn, bộ máy duyệt tin tin tức riêng, họ đâu rồi?
Không cần phải là một người ủng hộ ông Trump để thấy Đài ABC và nhiều cơ quan truyền thông quá nhiệt tình chỉ trích ông, nhiệt tình đến mức tự gây ra sai sót. Nếu truyền thông cứ cố đổ lỗi cho những cá nhân như ông Ross, những người khác sẽ tiếp tục mắc sai lầm.
Tất nhiên, nhóm ông Trump không mất nhiều thời gian để phản pháo Đài ABC và "phường tin tức giả". Trách sao được khi kẻ thù của ông đã tự giao nộp cơ hội trên chiếc đĩa bạc.
Nhà báo lão luyện Brian Ross - nhân vật chính trong vụ xì căng đan đưa tin sai của ABC News - Ảnh chụp màn hình ABC News
Thật ra, vấn đề chính mang tính sâu xa hơn những gì xảy ra với đài ABC.
Hãy xem lại lần chỉ trích gần đây của ông Trump nhắm vào CNN và cách đài này phản ứng: không chỉ đáp trả trên Twitter, đài CNN còn dành một thời lượng đáng kể các chương trình tin tức trực tiếp để đấu với Tổng thống Mỹ.
Đáng chú ý nhất là phản ứng của ông Wolf Blitzer - người dẫn chương trình "Situation Room": "Trong gần 4 thập kỷ, CNN luôn có mặt ở Mỹ và trên khắp thế giới. Các nhà báo của chúng tôi, trước và sau máy quay, sằn sàng liều tính mạng mình ở những nơi nguy hiểm nhất thế giới mỗi ngày. Các bạn đã biết sự thật rồi đấy".
Tuyên bố cứng trên có một vấn đề: Chúng ta biết đó không phải sự thật. Năm 2003, CNN từng bị hai phe tả - hữu chỉ trích dữ dội vì tội đưa "tin giả".
Thời điểm đó, giám đốc tin tức Eason Jordan của CNN thừa nhận đài này đã cắt xén những tin tức xấu về chính quyền Iraq của ông Saddam Hussein để bảo vệ các nhân viên đang hoạt động ở Baghdad. Có lẽ ông Jordan không ngờ dư luận sẽ phản ứng như vậy khi nghe tiết lộ này.
Chúng ta cứ xem như ông Blitzer nói đúng, rằng bây giờ CNN không còn "xào nấu" tin tức nữa, nhưng cụm từ "4 thập kỷ" rõ ràng là bị lố.
Đài CNN là một trong những tiếng nói chống Tổng thống Trump mạnh mẽ nhất - Ảnh: REUTERS
Nhìn chung, uy tín và sự tồn tại của truyền thông bị chính họ đe dọa nhiều hơn là ông Trump.
Dường như có quá nhiều người "tư thù" vì những lời chỉ trích (của ông Trump), để rồi bỏ qua hết đạo đức và chuyên môn nghề nghiệp - những thứ tạo nên một "nhà báo".
Tính chuyên nghiệp của nghề báo không phải chỉ là bám vào sự thật và công bằng. Nó còn có nghĩa chúng ta không thể dành thời gian đưa tin để đi đấu khẩu với Tổng thống Hoa Kỳ hay bất cứ nhân vật nào dễ thu hút sự chú ý bạn đọc.
Nếu cần tự bảo vệ, tốt nhất hãy để các luật sư và bộ phận quan hệ công chúng làm chuyện đó.
Chúng ta muốn một nền truyền thông khắt khe và thận trọng để giữ cho Nhà Trắng và các vị lãnh đạo dân bầu luôn liêm chính. Nhưng 10 tháng đầu của nhiệm kỳ ông Trump lại cho thấy truyền thông như một đảng đối lập, cứ canh me hạ bệ tổng thống bằng mọi giá.
Sau vụ ABC News, bất cứ một người khách quan nào đều nhìn thấy hình ảnh một cơ quan truyền thông luôn chăm chăm tấn công ông Trump và ăn mừng điên cuồng khi gặp cơ hội hạ uy tín Tổng thống.
Không rõ vụ đưa tin thảm họa của Brian Ross có là bài học cho truyền thông Mỹ? - Ảnh chụp màn hình ABC News
Một vấn đề cuối, đó là truyền thông đang dùng những lời chỉ trích của ông Trump như một lý do để bỏ qua thói quen tự kiểm điểm. Đây là chuẩn mực của sự chuyên nghiệp trong bất cứ ngành nghề nào.
Dù ông Trump có nói gì, đây không phải là lúc truyền thông tự hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Có quá nhiều báo đài công khai đứng ra chống lại nghị trình của Tổng thống.
Nền báo chí Mỹ không thể giống với một phong trào nghiệp đoàn châu Âu, chỉ chăm chăm vào mục tiêu ngắn hạn mà quên đi nhiệm vụ cải tiến bản thân mình.
Dù cựu cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn đã thừa nhận lỗi lầm, chiến thắng lớn vẫn thuộc về đội ông Trump. Ông ấy có thể cảm ơn sai lầm của một nhà báo lão luyện nhưng sốt sắng quá mức và một đài truyền hình còn hăng hái hơn nữa.
Sai lầm nguy hiểm này sẽ còn lặp lại nếu các cơ quan truyền thông lớn không chịu xem lại cách làm việc của mình. Nếu không, ông Trump không cần phải ra tay, truyền thông Mỹ sẽ tự hủy diệt chính họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận