21/04/2023 08:17 GMT+7

Dầu Nga lách cấm vận ra sao? - Kỳ 2: Ngăn dầu Nga 'loang' ra thế giới

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào dầu mỏ Nga nằm một phần trong nỗ lực hạn chế các nguồn thu của Matxcơva để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Phó chủ tịch Josep Borrell công bố đề xuất áp mức giá trần với dầu mỏ Nga vào ngày 28-8-2022 - Ảnh: EPA-EFE

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Phó chủ tịch Josep Borrell công bố đề xuất áp mức giá trần với dầu mỏ Nga vào ngày 28-8-2022 - Ảnh: EPA-EFE

Dù đã có một số thông tin về việc dầu mỏ Nga vẫn chui qua được khe cửa châu Âu bất chấp lệnh cấm vận (đọc lại kỳ 1), nhưng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vừa qua tự hào tuyên bố châu Âu không còn phụ thuộc vào Nga về dầu mỏ và khí đốt. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và các đồng minh phải cấm cửa dầu Nga.

Quá trình "cai" dầu Nga khó khăn

Nhưng để châu Âu "cai" dầu mỏ Nga, đó không phải là quá trình dễ dàng. Các lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu mỏ Nga bắt đầu ngay từ năm 2014 (thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình), nhưng chỉ giới hạn quanh việc hạn chế xuất khẩu trang thiết bị, công nghệ phục vụ khai thác dầu khí. Do đó, theo số liệu của Ủy ban châu Âu, trong năm 2021, Nga vẫn chiếm đến 27% lượng dầu nhập nhập khẩu của EU.

Trong những ngày đầu sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EU vẫn duy trì thái độ dè chừng như trên. Tuy nhắm vào ngành năng lượng Nga ngay từ ngày 25-2-2022, gói trừng phạt thứ hai của EU vẫn chỉ xoay quanh việc cấm bán trang thiết bị.

Theo Hãng tin Reuters, phải đến ngày 4-5-2022, Ủy ban châu Âu mới đề xuất cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Tuy nhiên, đề xuất này lập tức vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên. Với vị trí địa lý không giáp biển, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia không thể nhanh chóng tìm ra nguồn dầu thay thế.

Do đó, với lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga được EU ban hành ngày 3-6-2022, ba nước trên vẫn được mua dầu thông qua đường ống Druzhba. EU cũng cho phép Ba Lan và Đức làm điều tương tự, song cả hai nước đều tuyên bố sẽ tự nguyện không sử dụng đường ống này.

Bên cạnh đó, Bulgaria cũng có thể tiếp tục nhập dầu Nga bằng đường biển đến hết năm 2024. EU cho phép Croatia nhập mặt hàng VGO đến hết năm 2023 để phục vụ công nghiệp lọc dầu.

Các nước còn lại trong khối sẽ không được sử dụng đường biển để mua dầu thô của Nga từ ngày 5-12-2022 và các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 5-2-2023.

Song song lệnh cấm nhập khẩu, EU cũng ban hành lệnh cấm công ty các nước thành viên cung cấp bảo hiểm hàng hải và tài chính đối với việc vận chuyển dầu từ Nga trên biển đến các nước ngoài khối.

Hai động thái trên được cho là đòn giáng mạnh lên nền kinh tế Nga. Theo số liệu của Hội đồng châu Âu, vì hầu hết hoạt động vận chuyển dầu của Nga được thực hiện bằng đường biển nên gói cấm vận này tác động đến 90% số dầu Nga xuất sang châu Âu.

Song phía Mỹ lo ngại việc EU cấm cung cấp bảo hiểm cho dầu Nga sẽ làm biến mất 1 triệu thùng dầu thô khỏi thị trường mỗi ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá dầu thế giới. Do đó, theo Đài CNN, trong nhiều tháng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất nới lỏng các lệnh cấm vận bằng cách áp mức giá trần với dầu Nga.

Bằng cách này, các nước phương Tây sẽ vừa đảm bảo được nguồn dầu có mặt trên thị trường vừa hạn chế được số tiền Nga thu về từ mặt hàng xuất khẩu này.

Đến ngày 3-12-2022, EU công bố mức giá trần đối với dầu thô Nga sẽ là 60 USD/thùng. Đến ngày 4-2-2023, EU, nhóm G7 (Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản và Mỹ), Úc đưa ra hai mức giá trần với các sản phẩm dầu mỏ bắt nguồn từ Nga, gồm mức 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp của Nga như dầu diesel và mức 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu.

Quốc kỳ Nga tung bay phía trên một nhà máy diesel tại mỏ dầu Yarakta ở vùng Irkutsk, Nga - Ảnh: Reuters

Quốc kỳ Nga tung bay phía trên một nhà máy diesel tại mỏ dầu Yarakta ở vùng Irkutsk, Nga - Ảnh: Reuters

Nước Nga có tả tơi?

Trong những tuần trước khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách ngăn chặn cuộc chiến khi cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin về "những hậu quả kinh tế mà ông ấy chưa từng thấy".

Và sau khi Nga nổ súng trên lãnh thổ Ukraine vào ngày 24-2-2022, Mỹ và các đồng minh đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại nhằm làm tê liệt khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga, cô lập nền kinh tế của xứ sở bạch dương và gây áp lực lên giới tinh hoa thân cận với ông Putin.

Tác động ban đầu của các biện pháp trừng phạt trông có vẻ trí mạng, khiến đồng rúp của Nga giảm mạnh, hệ thống ngân hàng rung chuyển và nhiều công ty trên khắp thế giới ngừng xuất khẩu các hàng hóa thiết yếu sang Nga.

Về dầu mỏ Nga, theo đánh giá của Hội đồng châu Âu, trong nửa đầu năm 2022, Nga được hưởng lợi từ giá nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu, nhưng các biện trừng phạt của EU nhằm vào dầu mỏ nhập khẩu từ Nga - có hiệu lực vào tháng 12-2022 - đã hạn chế nguồn thu của Nga.

Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm hơn 1/4 vào tháng 1-2023 (so với tháng 1-2022). Mức giảm trong tháng 2 thậm chí còn đáng kể hơn (hơn 40%). Trong tháng 3-2023, dù hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã tăng và doanh thu ước tính đạt 12,7 tỉ USD, nhưng mức doanh thu này vẫn giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tháng 2-2023, báo Washington Post (Mỹ) đánh giá thực tế Nga vẫn kiên cường hơn nhiều bên mong đợi nhờ vào hoạt động xuất khẩu dầu khí, sự điều hành khéo léo của Ngân hàng Trung ương Nga và sự phục hồi gần đây trong hoạt động thương mại của nước này với Trung Quốc cũng như các nước khác.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm tổn thương sâu sắc nền kinh tế và quân đội Nga, đồng thời gây ra xích mích giữa giới tinh hoa, nhưng vẫn không đủ để thay đổi những tính toán của ông Putin và chấm dứt chiến tranh.

"Thay vì tăng trưởng, Nga chứng kiến sự suy giảm, nhưng chắc chắn không phải là sụp đổ và càng không phải là thảm họa. Chúng ta không thể nói rằng nền kinh tế Nga đang bị đánh tả tơi, bị phá hủy, hoặc nói ông Putin thiếu tiền để tiếp tục cuộc chiến của mình" - ông Sergey Aleksashenko, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga, phát biểu trong một cuộc thảo luận ở Washington (Mỹ) hồi tháng 1.

Ông James O'Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định các lệnh trừng phạt của phương đang đáp ứng mục tiêu của họ là làm cạn kiệt tài chính và công nghệ mà Nga cần để phục vụ quân đội. Tuy nhiên, ông cho rằng các biện pháp này chỉ là "công cụ để chấm dứt chiến tranh".

Bị trừng phạt nhiều nhất trong lịch sử nhân loại?

Chỉ việc hơn 3.000 cá nhân và tổ chức bị Mỹ nhắm mục tiêu trừng phạt, có thể Nga đã phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hơn bất kỳ quốc gia nào "trong lịch sử nhân loại". Đây là nhận định của một nhóm nhà kinh tế và chuyên gia về Nga viết trong báo cáo được tổ chức phi lợi nhuận Free Russia Foundation công bố vào tháng 1-2023. Bất chấp một số điểm yếu về kinh tế, Nga vẫn tiếp tục cuộc tấn công quân sự ở Ukraine.

*******************

Trong khi các nước phương Tây cấm cửa dầu mỏ Nga thì Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia đông dân nhất thế giới - cùng chạy đua gom dầu giá rẻ của Nga. Trong tháng 3-2023, Trung Quốc và Ấn Độ nhập khẩu tới 91% lượng dầu thô Nga xuất khẩu. Dầu Nga vẫn loang mạnh khắp khu vực Trung Đông, Bắc Mỹ, Mỹ Latin và châu Á.

>> Kỳ tới: Tiếp nhận vết loang dầu của Nga

Dầu Nga lách cấm vận ra sao? - Kỳ 1: Lách qua "khe cửa" của châu ÂuDầu Nga lách cấm vận ra sao? - Kỳ 1: Lách qua 'khe cửa' của châu Âu

Sau khi bị Liên minh châu Âu (EU) cấm cửa, dầu mỏ Nga tìm đến những khách hàng khác. Song bằng một cách nào đó, dầu mỏ Nga vẫn lách qua được khe cửa của châu Âu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên