13/05/2011 07:50 GMT+7

Dấu hỏi công lý

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Theo các tiết lộ rò rỉ và thường thay đổi của Chính phủ Mỹ, Bin Laden bị giết ngay trước mặt vợ con, không có vũ khí trong tay. Giới làm luật trên thế giới đang chia rẽ xung quanh tranh luận về việc Mỹ ám sát Bin Laden có hợp pháp hay không.

Kỳ 1: Trầy trật 15 năm săn lùng Bin LađenKỳ 2: “Cuộc chiến” của ObamaKỳ 3: Bin Laden chết, thế giới đổi thay?Kỳ 4: Al Qaeda 2.0

hzwFKqvS.jpgPhóng to
Người Pakistan ở Abbottabad biểu tình phản đối chiến dịch tiêu diệt Bin Laden của quân đội Mỹ - Ảnh: AFP

Tính hợp pháp?

Tờ New Yorker cho rằng nếu Bin Laden bị bắt sống thì lịch sử Mỹ có thể chứng kiến hành trình tố tụng phức tạp, khó khăn nhất và có thể là vô hạn định. Phiên tòa sẽ diễn ra ở đâu? Tòa quân sự hay tòa hình sự? Ở nước ngoài hay ở Mỹ? Bin Laden có được tiếp cận với những tài liệu là bằng chứng chống lại mình không? Ai sẽ là đại diện của Bin Laden trước tòa? Nếu Bin Laden không cần đại diện thì liệu phiên tòa có biến thành nơi tuyên truyền cho thánh chiến? Các câu hỏi này không còn cần thiết nữa vì Bin Laden đã chết!

Nhưng việc giết ngay Bin Laden có thể hiện sự thay đổi về quan niệm “giết người” của nước Mỹ? Tổng thống Ford trong những năm 1970 đã ra sắc lệnh 11905: “Không nhân viên nào của Chính phủ Mỹ sẽ tham dự hay âm mưu tham dự vào cuộc ám sát chính trị”. “Ám sát chính trị” là gì thì không được định nghĩa, cả dưới đời Tổng thống Carter và Reagan cũng vậy. Sau vụ 11-9, Tổng thống G.Bush ít nhiều thừa nhận chuyện cấm ám sát này không áp dụng với trường hợp của Bin Laden hay những thủ phạm các vụ khủng bố. Có thể không ai nhỏ nước mắt sau cái chết của Bin Laden, nhưng quyền được ám sát là thứ quyền dễ bị lạm dụng. Bin Laden không có cơ hội ra tòa nói lời bào chữa.

Một phe nhìn nhận Chính phủ Mỹ có đủ lý lẽ để bắn chết ngay Bin Laden, phe khác cho rằng Chính phủ Mỹ đã hành động không chính danh, vi phạm Luật nhân quyền và Luật quốc tế.

Luật chiến tranh

Chính phủ Mỹ tuyên bố đây là hành động hợp pháp, đúng đắn, phù hợp và là hành động tự vệ quốc gia. Bộ trưởng tư pháp Eric Holder phát biểu trước quốc hội ngày 5-5, khẳng định Bin Laden là thủ lĩnh Al Qaeda, tổ chức đã thực hiện vụ tấn công khủng bố và Bin Laden đã thừa nhận tham gia.

Ông Holder cho rằng: “Tiêu diệt chỉ huy của lực lượng kẻ thù là phù hợp, cũng như Mỹ đã bắn chiếc máy bay chở đô đốc Nhật Bản Isoroku Yamamoto trong Thế chiến thứ hai”. “Bin Laden là mục tiêu quân sự hợp pháp và chiến dịch thực hiện phù hợp với luật pháp và giá trị Mỹ”. Nhưng nếu Bin Laden không có vũ khí và muốn đầu hàng thì liệu có hợp pháp không nếu Mỹ vẫn giết kẻ thù?

Ông Holder cho rằng nếu đã là chiến binh kẻ thù thì không quan trọng anh ta có vũ khí hay không, vì việc tiêu diệt kẻ thù là được phép khi xung đột đang xảy ra và đôi khi trong trường hợp tự vệ. Theo lý của ông Holder, ngay cả khi Bin Laden muốn đầu hàng thì biệt kích Mỹ có đủ cơ sở giết Bin Laden để tự vệ và bảo vệ người khác trong tòa nhà, trong đó có lượng lớn trẻ em và phụ nữ.

Chính quyền Obama đã dựa vào một luật được thông qua vào ngày 18-9-2001 cho phép tổng thống sử dụng tất cả lực lượng cần thiết và phù hợp để chống lại các quốc gia, tổ chức và cá nhân hỗ trợ các vụ tấn công ngày 11-9-2001. Nó giải thích cho hành động theo lý lẽ tự vệ, để ngăn chặn các hành động khủng bố quốc tế trong tương lai chống lại Mỹ. Sắc lệnh của tổng thống không bao hàm ám sát thủ lĩnh chính trị nước ngoài.

Theo một số luật sư, bắn chết Bin Laden không phải là ám sát thủ lĩnh chính trị nước ngoài, mà là giết nhanh chóng chỉ huy quân sự đối phương trong một chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, tranh cãi hiện nay chính là các diễn biến của chiến dịch, trong bối cảnh quân đội Pakistan có thể can thiệp. Mỗi giây đều quan trọng như nhau nên Mỹ buộc phải xử lý Bin Laden càng sớm càng tốt.

Theo luật quốc tế, nếu đối phương đầu hàng thì Mỹ sẽ vi phạm luật nếu cố tình giết Bin Laden. Anthony Dworkin, chuyên gia Luật quốc tế tại Hội đồng châu Âu về các vấn đề đối ngoại, cho rằng: “Theo luật chiến tranh, được phép giết đối phương trừ phi rõ ràng họ đang đầu hàng hoặc bị thương đến mức mất khả năng đi lại”.

Luật cũng quy định chỉ được phép sử dụng vũ lực giết người để ngăn chặn người khác bị chết, hoặc ngăn chặn đối phương tìm cách chạy thoát. Vì vậy, Mỹ đã đủ lý do để giết Bin Laden - chỉ huy của tổ chức đang gây chiến với Mỹ.

Sự đảo ngược công lý

Nhưng ngược lại, nhiều người cho rằng Chính phủ Mỹ đã lạm dụng sức mạnh của mình, vào vai cùng lúc thẩm phán, bồi thẩm đoàn và đao phủ. Gert-Jan Knoops, chuyên gia luật quốc tế tại Hà Lan, cho rằng Bin Laden nên bị bắt sống và đưa tới Mỹ, ra tòa, cũng tương tự như vụ bắt giữ cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic và đưa ra tòa án The Hague năm 2001.

Luật sư nhân quyền ở London Geoffrey Robertson trên Đài ABC cũng gọi việc giết Bin Laden là sự đảo ngược công lý mà hậu quả sẽ bật ngược lại Mỹ. “Công lý có nghĩa là đưa người bị buộc có tội ra tòa, khẳng định họ có tội thông qua bằng chứng và tuyên án. Bin Laden là đối tượng bị hành quyết mà không xét xử, sau những làn sóng ngụy thông tin từ Nhà Trắng thì dường như đó là một vụ ám sát nhẫn tâm”.

Brad Adams, giám đốc Tổ chức Theo dõi nhân quyền châu Á, cũng chỉ trích phát biểu “Công lý đã được thực thi” của Tổng thống Obama. “Nếu Bin Laden không bắn vào lính Mỹ thì vụ giết người này cần được điều tra. Công lý chưa được thực thi. Công lý là khi bắt ai đó và đưa họ ra tòa”.

Một vấn đề nữa là luật về lãnh thổ có bị Mỹ vi phạm ở Pakistan không khi cho quân xâm nhập mà không thông báo hay được sự đồng ý của chính phủ địa phương. Mỹ tuyên bố chỉ có một số nhân vật ở Washington biết về chiến dịch và Pakistan không nằm trong số đó.

Ông Dworkin cho rằng không vi phạm, vì sau ngày 11-9-2001 Pakistan đã có thỏa thuận ngầm đồng ý hành động của Mỹ chống lại thành viên cao cấp của Al Qaeda trên lãnh thổ nước này. Ngoài ra, trong trường hợp này, Pakistan dường như không muốn và không có khả năng xử lý mối đe dọa của Mỹ, bằng chứng là tội phạm bị truy nã số 1 thế giới sống cùng vợ con trong căn nhà to tướng, ngay sát mũi căn cứ quân sự Pakistan, và Pakistan trở thành căn cứ hoạt động cho các hoạt động khủng bố trong tương lai chống lại Mỹ và các nước khác.

Có nghĩa là tranh cãi về việc Bin Laden bị giết có hợp pháp hay không sẽ còn tiếp tục, phụ thuộc vào độ “lộ sáng” của vai trò CIA trong vụ này. Liên Hiệp Quốc cũng đã tuyên bố Mỹ cần công khai toàn bộ chi tiết liên quan tới chiến dịch để đánh giá mức độ theo tiêu chuẩn Luật nhân quyền quốc tế.

_______________________

Đón đọc kỳ tới:

Cơm công nhân từ bếp tới bàn

Một suất ăn công nhân được chế biến thế nào từ bếp đến khay của nhà thầu? Phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi nhận toàn cảnh bức tranh của bữa cơm công nhân với đủ thứ “giật gấu vá vai”, teo tóp đến đau lòng...

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên