Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp ký 3 nghị quyết lớn về kinh tế.
Đó là nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, nghị quyết chọn lọc đầu tư nước ngoài và nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trở thành những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam, cho thấy những định hướng phát triển đất nước đúng đắn của Đảng, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Quy mô GDP nền kinh tế đến đầu năm 2024 đạt 435 tỉ USD, đứng thứ 35 thế giới.
Đưa kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng
Trước những đòi hỏi phát triển đất nước, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Trung ương ký ban hành nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ở nghị quyết 10, Đảng xác định: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP".
Trong nghị quyết 10, Đảng cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đó là chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Đảng cũng đưa ra nhiều giải pháp định hướng về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường.
Thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền và nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc
Để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, ngay trong nhiệm kỳ đầu đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ngày 9-12-2011, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tiếp nối tinh thần này, 12 năm sau, Bộ Chính trị dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết 41 ra đời với những quan điểm rất mới, rất mạnh mẽ trong phát triển đội ngũ doanh nhân nước ta.
Tại nghị quyết 41-NQ/TW, lần đầu tiên đội ngũ doanh nhân được khẳng định có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Đảng đặt nhiệm vụ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Đây là lần đầu tiên, yếu tố "an toàn, bình đẳng" được đưa vào yêu cầu trong xây dựng môi trường kinh doanh, được giới doanh nhân vô cùng chào đón.
Đặc biệt là giải pháp "bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế..." cho thấy tầm nhìn của Tổng bí thư và Bộ Chính trị đã thấu suốt yêu cầu thực tế và nguyện vọng của các doanh nhân, doanh nghiệp.
Nghị quyết 41-NQ/TW đặt ra yêu cầu "Ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045", đồng thời "Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc".
Đây là những định hướng, giải pháp rất mới, rất mạnh mẽ, phù hợp với mục tiêu Đảng đặt ra là đến năm 2030 sẽ hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Và đến năm 2045 sẽ hình thành được đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế và uy tín khu vực và quốc tế, một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tính đến năm 2024, Việt Nam có sáu doanh nhân lọt vào danh sách tỉ phú USD của thế giới. Ngoài ra, theo báo cáo của Công ty tư vấn Henley & Partners kết hợp với New World Wealth, Việt Nam hiện có khoảng 19.400 triệu phú có tài sản trên 1 triệu USD, gần 58 triệu phú có tài sản hơn 100 triệu USD.
Trong giai đoạn 2013 - 2023, số triệu phú USD của Việt Nam đã tăng 98%, tức gần gấp đôi. Tốc độ này vượt cả Trung Quốc (92%), Ấn Độ (65%) và Mỹ (62%).
Chọn lọc đầu tư FDI
Từ năm 2017 - 2018, khi dòng vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam đạt mức kỷ lục lần lượt là 35,88 tỉ USD và 35,46 tỉ USD nhưng phát sinh nhiều vấn đề về công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, Đảng đã đưa ra chủ trương chọn lọc đầu tư FDI.
Ngày 20-8-2019, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nghị quyết 50-NQ/TW là sự thay đổi chiến lược trong thu hút đầu tư FDI. Việt Nam chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí thu hút vốn.
Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Đồng thời Đảng cũng xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Đây là nền tảng để hàng loạt "đại bàng" công nghệ tìm đến Việt Nam đầu tư trong thời gian qua, từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn trong nước.
Vai trò của khu vực đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đầu tư nước ngoài đang là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của đất nước.
Tính tới năm 2023, cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 7 triệu doanh nhân, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% vào GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước.
Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế, chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đúng như Tổng bí thư đã nhiều lần khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Sau khi Đảng ban hành nghị quyết 41-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 66/NQ-CP ban hành chương trình hành động với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cả nước có tối thiểu 2 triệu doanh nghiệp.
Trong đó, 70 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỉ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần trên 1 tỉ USD, 100 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế đạt trên 100 triệu USD, 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú USD của thế giới, 5 doanh nhân quyền lực thế giới.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp 65 - 70% GDP cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận