18/11/2018 09:32 GMT+7

Đất thiêng và tờ giấy A4

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Cứ mỗi lần lên tàu hỏa xuôi Nam, nhìn cảnh sắc trời rộng sông dài vút qua bên ngoài cửa sổ toa tàu, cho đến khi dừng ở ga cuối Sài Gòn, tôi thường nhớ về bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ.

Bài thơ Nhớ Bắc được xuất thần viết trên sân ga Sài Gòn khi ông nhường tấm vé may mắn của mình đi khánh thành tuyến hỏa xa Sài Gòn - Hà Nội cho người bạn thân có cơ hội về thăm cố hương. 

Và khi con tàu chở bạn lăn bánh, chỉ còn mình ông trên sân ga, câu thơ bật ra đau đáu "Ai đi về Bắc ta theo với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long".

Dọc dài lịch sử Nam tiến của người dân Việt từ Thăng Long về tới Sài Gòn Gia Định và cả mênh mông châu thổ Cửu Long hôm nay là bao nhiêu máu xương nằm lại theo hành trình mở cõi!

Ở Quảng Trị quê tôi cũng thế, từ thế kỷ 16 (1558), đã có biết bao nhiêu cư dân đầu tiên theo chúa Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp đã nằm lại dọc biền bãi dòng sông. Cứ mỗi mùa mưa lũ về, đất bờ sông lở lói lại phơi ra những hài cốt lưu dân chết năm xưa. 

Mãi sau đó, đầu thế kỷ 19, ngài Hoàng Hữu Lợi ở làng Bích Khê phát tâm mua mấy sào ruộng của làng Thạch Hãn rồi quy tập những hài cốt bị lộ ra sau mưa lũ dọc triền sông về chôn cất, gọi là "Nghĩa trũng" - như một nghĩa địa tình thương.

Từ thuở chúa tiên Nguyễn Hoàng rời đất Bắc vào đứng chân trên miền Ái Tử (Quảng Trị) cho đến lúc cử Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa vào Nam khai khẩn, an định biên cương, ổn định làng xã... gần bốn thế kỷ qua, làm sao không nghe thấy từ đất đai đồng bãi tiếng của tiền nhân vang vọng? 

Sao không thấy từ muôn trùng bao lớp người ngã xuống bởi rắn rết cọp beo, bởi sơn lam chướng khí, bởi giặc giã chiến tranh? 

Và đất đai ấy thấm máu bao người đời, hòa xương cốt bao thế hệ, là hương hỏa của tiền nhân để lại có một ngày bỗng trở thành miếng bánh để chia chác và kiếm lợi của một số người.

Chưa bao giờ chuyện đất đai vốn yên bình bỗng trở nên náo động như bây giờ. Hơn 70% số vụ khiếu kiện trong cả nước có liên quan đến đất đai. Từ núi rừng heo hút đến những đô thị lớn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM... câu chuyện đất đai vẫn luôn nóng. 

Đất, đó là cơ nghiệp có được từ xương máu tiền nhân. 

Đất, vốn được trả giá bằng máu xương hàng triệu người ngã xuống cho toàn vẹn chủ quyền. Để rồi còn gì đau đớn hơn khi bao nhiêu đời dân đã khắc khoải ôm mỏi mòn hi vọng trên mảnh đất xương máu đời mình, đi kiện từ lúc tóc xanh đến khi phơ phơ đầu bạc, mất trọn một đời người chỉ mỗi vuông đất như thế!

Đất thấm máu nên đất có linh hồn. Và vì thế, không ai có thể làm xiếc với xương máu đổ xuống đất này bằng những tờ giấy A4.

Đất Việt, từ ngàn năm nay luôn mãi thiêng liêng!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên