Alexandre De Rhodes đã được đặt tên đường tại quận 1, TP.HCM từ nhiều năm trước - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đó là những vấn đề không ít bạn đọc đặt ra sau vụ có ý kiến kiến nghị không nên đặt tên đường hai vị giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes tại Đà Nẵng những ngày qua.
Nhiều chuyện quanh tên đường
TS Mai Thanh Sơn cho biết tại Hà Nội, sau năm 1954, một số đường phố được đặt theo tên của một số danh nhân đã bị đổi tên do chuyện nhận thức lịch sử lúc bấy giờ. Ví dụ như đường Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) ngày nay thì trước đó có tên là đường Hàm Nghi.
"Tên đường Hàm Nghi và Duy Tân nằm trong số những con đường bị đổi tên đợt này. Sau này, khi nhận thức lịch sử có sự thay đổi, gần đây tên Hàm Nghi đã được đặt cho một con đường mới thuộc quận Nam Từ Liêm" - ông Sơn cho hay.
Nhà sử học Nguyễn Đình Tư, ủy viên thường trực Hội đồng đặt tên đường TP.HCM từ năm 1995 đến 2005, cho biết lịch sử đặt tên đường của TP.HCM cũng từng xảy ra những tranh luận trái chiều liên quan đến công - tội của các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa.
Ví dụ như tên đường Thoại Ngọc Hầu và đường Nguyễn Văn Thoại (tên khác của Thoại Ngọc Hầu) từng bị bỏ ra khỏi bản đồ tên đường TP.HCM vì cho rằng ông là tướng của Nguyễn Ánh - Gia Long!
Tuy nhiên, sau đó hội đồng đã chứng minh được Thoại Ngọc Hầu là người có công xây dựng kênh Vĩnh Tế có vị trí quan trọng đối với giao thông, kinh tế, phòng thủ của khu vực Tây Nam Bộ, nên tên của ông đã được đặt lại cho một con đường khác của TP. Vợ của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Vĩnh Tế cũng được vinh danh và đặt tên đường tại TP.HCM vì có công đóng góp vào việc đào kênh.
Cũng theo ông Tư, một danh nhân khác khi được đặt tên đường cũng có những tranh luận trái chiều như trường hợp nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê. Các thành viên trong hội đồng đều thống nhất việc đặt tên đường Nguyễn Hiến Lê, đây là một nhà văn hóa, nhà văn, dịch giả ở miền Nam từ trước 1975, có nhiều đóng góp cho văn hóa nước nhà. Rất nhiều người trẻ hiện nay có sách của Nguyễn Hiến Lê gối đầu giường.
Tuy nhiên, khi đặt tên Nguyễn Hiến Lê cho một con đường ở Q.Tân Bình cũng có ý kiến cho rằng ông này không xứng đáng (?!) vì có những tuyên bố "không chuẩn" trong hồi ký của mình.
Đường Xuân Quỳnh - Anh Thơ tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Cần có cái nhìn toàn diện, cởi mở
Có ý kiến thêm về việc đặt tên đường, nhà sử học Nguyễn Đình Tư cho rằng khi xem xét đưa tên của một nhân vật nào vào quỹ tên đường, các thành viên trong hội đồng thường nghiên cứu rất tỉ mỉ. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều dựa trên quan điểm nhân vô thập toàn, người có công trạng lớn thì nên ghi nhận và bỏ qua những lỗi hoặc những khuyết điểm nhỏ của họ.
Cùng chung ý kiến, theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu - tác giả sách Huế - tên đường phố xưa & nay, khi đặt tên đường liên quan đến vấn đề, nhân vật lịch sử cần có cái nhìn cởi mở hơn, thoáng hơn, nên nhìn vào những đóng góp của họ cho đời sống hôm nay.
Chẳng hạn với nhân vật Alexandre De Rhodes, thực tế 100 năm qua kể từ khi vua Khải Định chọn chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức đã chứng minh giá trị của chữ quốc ngữ cũng như đóng góp của vị giáo sĩ ấy. "Với cái nhìn như thế thì việc đặt tên đường sẽ ổn" - ông Thu nói.
Ông Thu cũng cho biết thêm đợt đặt tên năm 1996 tại Huế đã tạo một dấu ấn văn hóa khi hàng loạt văn nghệ sĩ tiền chiến đã được đặt tên đường, nhiều nhất là các nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Thế Lữ... cùng với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...
Nhà sử học Nguyễn Đình Tư cho biết quan điểm của Hội đồng đặt tên đường là khi đánh giá về tiền nhân thì phải có cái nhìn toàn diện. Không chỉ những người cầm súng bảo vệ đất nước mà còn thêm những người có công đóng góp về kinh tế, văn hóa, xã hội... đều cần được tôn vinh. Vì vậy, trong quỹ tên đường của TP.HCM có đầy đủ thành phần đóng góp từ kinh tế, văn hóa, xã hội...
Kể cả những ca sĩ, nghệ sĩ cũng được đặt tên đường như Năm Châu, Thanh Nga, Trịnh Công Sơn... Bởi đây là những người nghệ sĩ được nhiều người dân yêu thích, đem đến niềm vui tinh thần cho người dân cũng cần thiết được tôn vinh.
Quy trình đặt tên đường của TP.HCM dựa trên nghị định 91/2005/NĐ-CP
Xây dựng khu tôn vinh chữ quốc ngữ
Ngày 29-11, ông Nguyễn Xuân Hà - phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - cho biết vừa ký tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phân bổ nguồn vốn hỗ trợ, chấp thuận chủ trương mở rộng khuôn viên, quy mô công viên di tích dinh trấn Thanh Chiêm. Việc mở rộng này trên cơ sở ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng - viện trưởng Viện vinh danh chữ quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt, Trường ĐH Duy Tân.
Khuôn viên công viên dinh trấn Thanh Chiêm xây dựng tại thôn Thanh Chiêm 1 (thị xã Điện Bàn). Toàn bộ khuôn viên rộng 1,85ha gồm rất nhiều hạng mục và đặc biệt trong khuôn viên cũng sẽ dành một phần diện tích dựng tượng các giáo sĩ đầu tiên đặt nền móng khai sinh chữ quốc ngữ cùng những học giả, nhà báo có công truyền bá, cổ xúy việc sử dụng mạnh mẽ chữ quốc ngữ...
Ông Hà cũng cho biết rất quan tâm tới dư luận vài ngày qua liên quan đến những tranh cãi về việc đặt tên đường của hai giáo sĩ Alexandre De Rhodes và Francisco De Pina. "Công lao của các tiền nhân thì các nhà khoa học đã khẳng định trong hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đối với dinh trấn Thanh Chiêm. Trong hồ sơ có đề cập đầy đủ các bằng chứng lịch sử, những người có công với chữ quốc ngữ. Việc đầu tư dự án tôn vinh chữ quốc ngữ lần này không có gì ảnh hưởng bởi vụ việc đang ồn ào dư luận" - ông Hà nói.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Đăng Hưng xác nhận ông là một trong những người đã đề nghị thị xã Điện Bàn mở rộng quy mô dinh trấn Thanh Chiêm, dành diện tích không gian lớn hơn để làm khu vinh danh chữ quốc ngữ. "Việc này không chỉ là nguyện vọng của cá nhân tôi, mà tôi tin rằng của người Việt Nam chúng ta, là việc làm phải đạo, thể hiện lòng biết ơn với tiền nhân. Mọi tranh cãi, phản bác về chữ quốc ngữ đang diễn ra như mấy ngày qua tôi cho là dư thừa và vô ích" - GS Hưng nói. (THÁI BÁ DŨNG)
Nếu có chỉ đạo từ HĐND, Đà Nẵng sẽ đưa tên giáo sĩ vào
Ông Hà Vỹ, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Đà Nẵng, cho rằng việc xây dựng quỹ tên đường trước tiên xuất phát từ nhu cầu cần cập nhật tên đường của địa phương quận, huyện đề xuất lên thành phố. Sau đó, Hội đồng đặt, đổi tên đường sẽ khảo sát các điều kiện hạ tầng trước khi làm dự thảo trình HĐND TP thông qua nghị quyết đặt tên đường.
Theo ông Vỹ, trước đây cũng từng có trường hợp khi đề xuất tên đường gặp những ý kiến trái chiều, nên phải đưa ra khỏi quỹ tên đường những trường hợp đó. Tuy nhiên, chưa bao giờ gặp trường hợp nhiều luồng ý kiến trái chiều, chưa có đồng thuận cao như việc đặt tên hai giáo sĩ có công với chữ quốc ngữ như vừa qua.
Đối với trường hợp "tạm gác" việc đặt tên đường theo tên hai vị giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes, ông Vỹ cho biết theo phân công chức năng nhiệm vụ, đơn vị tham mưu tạm chưa đưa vào quỹ tên đường các trường hợp nhân vật lịch sử còn tranh cãi.
"Việc phản đối lấy tên đường theo tên hai vị giáo sĩ không phải chỉ có riêng kiến nghị của 12 nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, mà còn nhiều luồng ý kiến chưa đồng thuận. Việc quyết định là ở HĐND TP Đà Nẵng, nếu có ý kiến chỉ đạo yêu cầu trình một tên đường cụ thể thì chúng tôi sẽ trình" - ông Vỹ nói. (TRƯỜNG TRUNG ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận