24/05/2018 15:52 GMT+7

Đào tạo nghề theo chương trình quốc tế

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Chương trình đào tạo nhiều nghề được đổi mới, nâng cao chất lượng theo sự chuyển giao từ các nước phát triển.

Đào tạo nghề theo chương trình quốc tế - Ảnh 1.

Học sinh Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương thực hành tại trường - Ảnh: H.V.

Ông Trương Anh Dũng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: để tiếp cận với trình độ đào tạo của Khu vực ASEAN và thế giới, tổng cục đã lựa chọn áp dụng chương trình đào tạo của các nước phát triển phù hợp với Việt Nam để chuyển giao đồng bộ về tiêu chuẩn năng lực; chương trình; tài liệu học tập, giảng dạy; công cụ đánh giá kết quả học tập; danh mục máy móc, thiết bị.

Cấp 2 bằng tốt nghiệp

Đến nay tổng cục đã chuyển giao được 12 bộ chương trình của 12 nghề cấp độ quốc tế từ Học viện Chisholm (Úc) cho 25 trường đào tạo thí điểm. Để đáp ứng được các yêu cầu của Học viện Chisholm, các trường phải vượt qua được kiểm định 4 nội dung theo tiêu chuẩn của học viện này.

Thiết bị được kiểm định dựa vào các danh mục thiết bị cho từng tiêu chuẩn năng lực trong các chương trình đào tạo cho từng lĩnh vực nghề. An toàn và sức khỏe nghề nghiệp được kiểm định dựa vào danh mục kiểm tra phản ánh các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.

Năng lực giáo viên, được đánh giá dựa vào các tiêu chuẩn của Chính phủ Úc đối với các giáo viên dạy nghề cho các trình độ đào tạo được công nhận trên toàn nước Úc. 

Các cơ sở dạy nghề đều phải thuân theo các tiêu chuẩn về chất lượng của Úc đối với các tổ chức đã được kiểm định trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo chuyên môn theo các tiêu chuẩn của Chính phủ Úc, đòi hỏi đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên môn phải đáp ứng được các yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy và kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức đưa giáo viên chuyên môn của 25 trường đi đào tạo tại Úc. Đến nay đã có tổng số 318 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ để giảng dạy theo quy định của Úc.

Về cơ bản đã đáp ứng đủ số lượng giáo viên giảng dạy chuyên môn cho đào tạo thí điểm. Hiện còn 18 giáo viên chuyên môn của nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí sẽ tiếp tục được đưa sang Úc đào tạo trong năm nay.

Hiện nay, 25 trường đã tuyển sinh được 803 sinh viên trên tổng số 888 sinh viên của 41 lớp theo kế hoạch đã được phê. 

Đã có tổng số 663/803 sinh viên của 41 lớp đạt trình độ B1 tiếng Anh, còn lại 140/803 sinh viên chỉ đạt trình độ A2 đang được các trường tiếp tục bồi dưỡng thêm để thi lại. 

Theo kế hoạch, trong quá trình học chuyên môn, các sinh viên của 41 lớp sẽ tiếp tục được học bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành tương ứng với ngành, nghề đào tạo để nâng cao trình độ tiếng Anh.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ, cho biết thời gian của khóa đào tạo là 2,5 năm với 5 học kỳ chia làm 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 1 đào tạo tiếng Anh; giai đoạn 2, đào tạo các môn chung và môn chuyên ngành từng nghề theo chương trình đã chuyển giao từ Học viện Chisholm. Ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Trong quá trình học, sinh viên sẽ được học tập trong môi trường hiện đại, với các trang thiết bị tiên tiến theo tiêu chuẩn của Úc. Giáo viên tham gia giảng dạy là những giáo viên đã được đào tạo tại Úc cùng giảng viên và chuyên gia Học viện Chisholm trực tiếp giảng dạy. 

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp 2 bằng Cao đẳng, 1 bằng do Học viện Chisholm cấp và 1 bằng do Trường CĐ Nghề Kỹ thuật Công nghệ cấp.

Điều này giúp sinh viên có cơ hội việc làm rất cao tại các công ty quốc tế trong và ngoài nước; tham gia xuất khẩu lao động làm việc tại Úc và các nước phát triển. Sinh viên được học liên thông lên ĐH tại Học viện Chisholm và các trường ĐH tại Việt Nam.

Đào tạo theo tiêu chuẩn Đức

Cuối năm 2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chuyển giao, kiểm định và công nhận 22 bộ chương trình cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Cộng hòa liên bang Đức, chuẩn bị đào tạo thí điểm trong năm nay.

22 bộ chương trình chuyển giao gồm các nghề: Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, Điện công nghiệp, Hàn, Chế tạo thiết bị cơ khí, Thiết kế thời trang… được xây dựng theo quy trình tiên tiến dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp là những chuyên gia giỏi của nghề và là người đại diện cho người sử dụng lao động, thị trường lao động, doanh nghiệp.

Chương trình đào tạo nghề có 30% thời lượng học lý thuyết tại trường và 70% thời lượng học thực hành tại doanh nghiệp. 

Vì vậy, chương trình có tính linh hoạt cao và mọi hoạt động đào tạo luôn hướng tới nhu cầu xã hội, trong đó có nhu cầu doanh nghiệp, nơi sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo rất được coi trọng.

22 bộ chương trình của 22 nghề do Đức chuyển giao cho Việt Nam đã có văn bản công nhận bản quyền của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, 22 bộ chương trình này cũng đã được Viện Tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề của Leipzig của Đức công nhận. 

Từng bộ chương trình đã có quy định cụ thể về quy định đào tạo, chương trình đào tạo, tài liệu học tập/giảng dạy (giáo trình), bộ công cụ đánh giá học tập và bộ danh mục thiết bị.

Trước khi Tổng cục nhận chuyển chuyển giao 22 chương trình này, nhiều trường cũng đã có nhiều hoạt động hợp tác đào tạo theo tiêu chuẩn Đức. 

Trong đó, Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã thống nhất chương trình đào tạo của Đức và triển khai thí điểm xây dựng tiêu chuẩn đào tạo nghề theo tính tương đương tiêu chuẩn Đức cho 4 ngành đào tạo. 

Ngoài ra trường này cũng đào tạo 3 ngành theo tiêu chuẩn của Pháp.

Trường và công ty Bosch Việt Nam cũng hợp tác đào tạo tạo theo mô hình nhà trường kết hợp doanh nghiệp. Những sinh viên tốt nghiệp theo chương trình này được đào tạo lý thuyết tại trường Lilama 2 và thực hành trực tiếp tại công ty Bosch Việt Nam. 

Vì vậy sau khi tốt nghiệp, sinh viên làm việc trực tiếp tại công ty mà không mất thời gian làm quen và đào tạo lại.

Theo ông Nguyễn Khánh Cường - hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2, phần lý thuyết sinh viên sẽ học tại trường, phần thực hành sẽ được đào tạo tại các xưởng chế tạo, lắp ráp và dây chuyền của doanh nghiệp. 

Để chương trình hợp tác đạt hiệu quả cao, trường đã cùng các doanh nghiệp FDI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Chính phủ Đức xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn các nghề kỹ thuật viên cắt gọt kim loại, kỹ thuật viên cơ điện tử…

Đầu tư trường nghề chất lượng cao

Đối với các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng và ban hành được 265/484 chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho 265 nghề (chiếm 54,7%), đã xây dựng và ban hành 96/130 chương trình dạy nghề và bộ đề thi tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho 96 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia (chiếm 73,8% so với kế hoạch).

Đối với các nghề trọng điểm cấp độ khu vực, quốc tế, các trường nghề được chọn trên cả nước đã thực hiện tốt việc chuyển giao bộ chương trình đào tạo từ Úc và Đức.

Từ năm 2016 đến nay, các trường tổ chức đào tạo thí điểm cho 888 sinh viên trình độ cao đẳng theo 12 bộ chương trình trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ Úc. 25 trường được ưu tiên lựa chọn đầu tư thành trường nghề chất lượng cao vào năm 2020, dự kiến kết thúc đào tạo thí điểm vào năm 2019.

Bắt đầu năm 2018, sẽ tổ chức đào tạo thí điểm cho 1.862 sinh viên trình độ cao đẳng theo 22 bộ chương trình chuyển giao từ Đức, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ có 2.750 sinh viên cao đẳng tốt nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế tham gia vào thị trường lao động trong và ngoài nước.

Học nghề, nhiều trường 100 sinh viên có việc làm Học nghề, nhiều trường 100 sinh viên có việc làm

TTO - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa công bố cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh trung cấp - cao đẳng năm 2018, chuyển tải thông tin tuyển sinh của 328 cơ sở giáo dục nghề trên cả nước.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên