Ông Ba Lưới (Nguyễn Văn Y), đạo sĩ hiếm hoi còn lại của miệt Thất Sơn, hiện là trưởng ban quản tự chùa Phật Lớn (ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang), cũng âm thầm sống vui với những “kỷ lục” mà chỉ riêng ông mới thấu hết giá trị của nó: người đã hành nghề thầy thuốc lâu nhất ở núi Cấm (hơn 70 năm) và người đã hai lần chém xà tinh trừ hại cho dân.
Kỳ 1: Kỳ bí miếu Bà Chúa Xứ Kỳ 2: Nơi lưu dấu cao nhân
Phóng to |
Đạo sĩ Nguyễn Văn Y (Ba Lưới) - người được xem như “pho sử sống” của vùng Thất Sơn - Ảnh: Tấn Đức |
Từ anh chài lưới...
“Muốn tìm ông Ba Lưới hả, thôi thì cứ đi cầu may. Ông già trăm tuổi nhưng chưa chịu nghỉ, hễ rảnh rang là đi tìm cây thuốc quý” - ông Tư Ngần (58 tuổi), nhà ở ấp Thiên Tuế, cho hay khi chúng tôi nhờ ông đưa đến diện kiến “lão tiền bối” Ba Lưới. Mất hơn mươi phút cho xe máy đi số 1, rú hết ga để trèo qua những con dốc dựng đứng khiến người và xe như muốn lộn ngược ra phía sau, chúng tôi mới lên được vồ Đá Dựng, nơi đạo sĩ Ba Lưới và người vợ kém ông hơn hai con giáp chọn để dựng lên “hữu tình cốc”.
Lão đạo sĩ vừa đi rừng về, đang nằm đong đưa trên chiếc võng trước hiên nhà. Đưa bàn tay khẳng khiu vuốt chòm râu trắng, lão đạo sĩ khề khà kể chuyện với khách phương xa mà như đang tâm tình với con cháu trong nhà: “Dòng họ tao là dân sông nước, sinh trưởng ở miệt cù lao Giêng (Chợ Mới, An Giang). Hồi nhỏ tao thường bơi ghe ngang dọc khắp Cái Tàu, Vàm Nao, Ông Chưởng để chài lưới kiếm cá đổi gạo. Không biết cơ duyên nào đưa tới, khoảng đầu thập niên 1930, khi sắp vô tuổi 20, tao lén nhà vác theo mấy tay lưới, hỏi đường lội bộ suốt hai ngày lên tới Thất Sơn, rồi lần hồi vẹt rừng lần lên tới đỉnh núi Thiên Cấm sơn này...”.
Không biết có phải nhờ dày công luyện tập các bí kíp của môn võ lâm Thất Sơn và thái cực quyền mà ở tuổi trăm, lão đạo sĩ Ba Lưới vẫn giữ được thân pháp nhẹ nhàng, giọng nói trầm ấm, thi thoảng lại pha vào những tràng cười hỉ hả đầy sảng khoái. “Có lẽ trông dung mạo của tao lúc đó lạ lắm, ai đời lên núi mà còn vác theo lưới nên các bậc ân nhân, tiền bối đã đặt luôn cho tao cái danh Ba Lưới” - đạo sĩ kể tiếp. Suốt mấy chục năm trời miệt mài phát rừng làm rẫy để có cái ăn, rồi lần dò tìm thầy học võ để phòng thân, thêm nghề bốc thuốc cứu người. Trong hành trình tu thân học đạo, ông Ba Lưới không ít lần giáp mặt với thú dữ. Nhờ những thế võ Thất Sơn bí truyền học được từ các đạo sĩ tiền bối, ông đã hai lần hạ gục rắn hổ mây to hàng chục ký.
Những đạo sĩ cuối cùng
Thế hệ đạo sĩ cuối cùng ở miệt Thất Sơn từng vang danh như Năm Cao, Ba Sánh, Đức Minh, Thiện Tài, Năm Sanh, Ba Tiêu, Thiện Quang, Mười Thiệt, Sáu Hột, Mười Phu... kẻ trước người sau lần lượt tạ thế. Giờ trên núi Cấm có lẽ chỉ còn lại nhà sư Thiện Huệ (87 tuổi, quê quán ở xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang), trụ trì chùa Bình Sơn (ấp Thiên Tuế) và đạo sĩ Ba Lưới. Hai ông được xem như “pho sử sống” của miệt Thất Sơn.
Chiều tĩnh mịch giữa chốn thâm sơn, chúng tôi lặng nghe lão đạo sĩ Ba Lưới nhắc về những người bạn quá cố của ông. Đạo sĩ Năm Đức, người có võ công thuộc loại siêu phàm, di chuyển nhanh và nhẹ nhàng như cơn gió. Nồi cơm bắc lên bếp chưa kịp sôi, Năm Đức đã hạ sơn, dạo chợ Nhà Bàn mua mấy món đồ rồi quay trở về. Trong khi người bình thường muốn hoàn thành công việc như vậy phải mất trọn một ngày. Hay như chuyện đạo sĩ Ba, người có sức mạnh phi thường, đã ra tay kéo phăng chiếc ghe rỗi (ghe mua bán cá) trọng tải độ 30 tấn bị mắc cạn trên kênh Trà Sư (huyện Tịnh Biên), sau khi mấy chục thanh niên hì hục cả buổi không làm sao lôi được chiếc ghe ra khỏi vũng lầy. Chủ ghe rỗi cảm kích mới bày tiệc đãi dũng sĩ một bữa cá tươi. Bận đó, đạo sĩ Ba đã xơi sơ sơ... nửa giỏ cá lóc, tổng số chừng 30 con.
Lão đạo sĩ Ba Lưới cũng không quên kể chuyện bậc đàn anh Mười Thành có phép ẩn thân khó ai bì kịp. Ông khẳng định chỉ cần một bụi cỏ, một nhánh cây là đạo sĩ Mười Thành có thể “tan biến” vào đó, không biết đâu mà tìm. Hồi đó có người muốn kiểm chứng tài biến hóa của Mười Thành đã nắm tay ông kéo vào căn nhà trống, khóa trái cửa lại. Vậy mà tìm mãi cũng không thấy Mười Thành đâu.
Phóng to |
Hang Ông Thẻ cách nhà đạo sĩ Ba Lưới chỉ một con dốc, nơi ngày trước tướng cướp Đơn Hùng Tín luyện “thiên thư bí quyết” - Ảnh: Tấn Đức |
Giáp mặt Đơn Hùng Tín
Dạo những năm đầu mới về ẩn cư trên núi Cấm, ông Ba Lưới đã có dịp hội ngộ cùng Đơn Hùng Tín, một tướng cướp nổi danh khắp các tỉnh Nam bộ từ trước Cách mạng tháng tám 1945, khiến cho nhà chức trách Pháp phải chật vật đối phó. Về sau, do bị kẻ tâm phúc làm nội gián, chỉ điểm, Đơn Hùng Tín bị Pháp bao vây và phóng hỏa thiêu chết trên một chiếc ghe ở vùng Mỹ Tho, Tiền Giang. Có nhiều góc nhìn chưa thống nhất về Đơn Hùng Tín. Người cho Tín là một nhân vật hào sảng, chuyên cướp của cường hào, quan lại mang phân phát cho dân nghèo. Ý kiến khác lại cho Tín thật ra chỉ là một kẻ gian hùng, háo danh, theo con đường tà đạo. Theo biên khảo của nhà văn Sơn Nam, Đơn Hùng Tín tên thật là Lê Văn Tính, quê ở xã Ba Sao, Cao Lãnh, Đồng Tháp, vì mê truyện Thuyết đường, khoái nhân vật Đơn Hùng Tín nên cải sang tên này và âm thầm nuôi “chí lớn”. Sau khi sang núi Tà Lơn (Campuchia) chiêu nạp lực lượng, Tín kéo quân về Thất Sơn, đóng trại tại hang Ông Thẻ trên núi Cấm để vừa hành hiệp vừa tiếp tục khổ luyện võ nghệ.
Tại núi Cấm, ông Ba Lưới và Đơn Hùng Tín đã gặp nhau. “Tín có dáng người đầy đặn, nước da ngăm đen, râu tóc um tùm. Y thuật với tôi là đã luyện thành công “thiên thư bí quyết” bằng cách mổ bụng lấy bào thai trong bụng vợ, hằng đêm đem ra giữa trời tu luyện. Nhờ đó y có thể xuất quỷ nhập thần, ra vào các nơi như chốn không người”. Đạo sĩ Ba Lưới kể ông và Đơn Hùng Tín khá thân thiết, nên cả việc Tín xin bào thai, bị vợ giận lẫy, không dám từ chối, chỉ nói trổng: “Đứa con trong bụng em là của anh, anh muốn làm gì thì làm chớ hỏi làm chi” Tín cũng kể lại cho ông nghe. Ông Ba Lưới cũng cho biết Đơn Hùng Tín nhiều lần nói với ông là “không phải đụng đâu cướp đó, mà chỉ cướp của nhà giàu, cướp kho hàng của nhà chức trách để phát chẩn cho người nghèo”.
Hỏi khi xưa Đơn Hùng Tín có mời ông “nhập hội”, lão đạo sĩ Ba Lưới lắc đầu: “Có lẽ y biết tôi không màng chuyện thế sự”. Ông Ba Lưới cũng cho biết trong thời gian ẩn dật trên núi, đã ba lần hết Pháp rồi tới Mỹ dẫn theo cả thông ngôn tìm đến tận nơi ở của ông trên núi Cấm tìm hiểu về ông. Họ tỏ ra thán phục khi biết ông ngoài võ công thượng thừa còn nắm giữ nhiều bài thuốc trị rắn cắn gia truyền rất hiệu nghiệm. “Mấy người đó nhiều lần mời tôi ra cộng tác với mức lương hậu hĩ, nhưng tôi trả lời nếu ham tiền tài, danh vọng thì tôi đã ở thế chớ lên núi ẩn dật làm chi”.
Núi Cấm giờ đã có đường ôtô, điện lưới quốc gia, trường học và cả nhà hàng, khách sạn. Cuộc sống đang thay đổi từng ngày...
-----------------------------------------
Kỳ cuối: Núi Cấm bây giờ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận