03/02/2025 17:50 GMT+7

Dân nuôi tôm trên ruộng lúa Kiên Giang làm nhiều cách để phòng tránh xâm nhập mặn

Dân nuôi tôm, cua ở huyện An Minh, An Biên (Kiên Giang) hiện chủ động phòng tránh xâm nhập mặn bằng việc gia cố bờ bao và đo độ mặn trên kênh, sông nội đồng thường xuyên trước khi bơm nước vào ruộng.

Dân nuôi tôm trên ruộng lúa Kiên Giang làm nhiều cách để phòng tránh xâm nhập mặn - Ảnh 1.

Kiên Giang thời gian qua chủ động nạo vét kênh nội đồng để đảm bảo lưu thông nước, phòng tránh hạn mặn - Ảnh: CHÍ CÔNG

Chiều 3-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tôn Văn Tường - người dân nuôi tôm ở xã Thuận Hòa (huyện An Minh) - cho biết gia đình ông hiện có nuôi 2 vuông tôm, cua với diện tích khoảng 10ha. Tôm của gia đình đang phát triển tốt.

Tuy nhiên hai ngày qua, ông đo thử mặn ở kênh dao động 28-30‰. Nồng độ mặn này có giảm so với dịp Tết nhưng vẫn còn cao.

"Cống Xẻo Nhàu chưa khép kín nên mặn vẫn còn xâm nhập sâu vào kênh nội đồng. Phòng tránh mặn, tôi chủ động gia cố bờ bao. Mực nước trên ruộng của tôi nuôi tôm hiện còn khoảng 40cm nước; mương thì còn khoảng 1m nước. 

Kinh nghiệm tôi thấy gió chướng thổi là mặn lên. Do đó trong tháng 2-2025 này không có gió chướng thổi, tôi không lo lắng bị ảnh hưởng mặn", ông Tường cho biết thêm.

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang cho biết dự báo xâm nhập mặn ở Kiên Giang (ngày 1 đến 10-2), tại trạm Xẻo Rô (sông Cái Lớn) có nồng độ mặn khoảng 15‰, giảm 3,9‰ so với tuần trước; trạm Gò Quao (sông Cái Lớn) có nồng độ mặn khoảng 5‰, giảm 0,3‰ so với tuần trước; trạm An Ninh (sông Cái Bé) có nồng độ mặn khoảng 10‰, giảm 5,3‰ so với tuần trước.

Dân nuôi tôm trên ruộng lúa Kiên Giang làm nhiều cách để phòng tránh xâm nhập mặn - Ảnh 2.

Người dân Kiên Giang đo nồng độ mặn trước khi thả nuôi tôm trên ruộng lúa - Ảnh: CHÍ CÔNG

Sông Cái Lớn có độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 13km đến cuối xã Bình An (huyện Châu Thành); sông Cái Bé có nồng độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 35-38km đến khu vực thị trấn Gò Quao.

Mặn sau đó có xu thế tăng theo hai đợt triều cường vào ngày 8 đến 10-2 và ngày 24 đến 27-2. Cảnh báo rủi ro do thiên tai xâm nhập mặn ở cấp độ I. Đồng thời nồng độ mặn 4‰ có thể ảnh hưởng đến cây trồng, người dân địa phương cần chủ động đo mặn trước khi sử dụng nước phục vụ tưới tiêu.

Trước đó UBND tỉnh Kiên Giang đã có phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đơn vị liên quan phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành linh hoạt hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé, hệ thống cống ở TP Rạch Giá, cống âu thuyền Vàm Bà Lịch (huyện Châu Thành) để kiểm soát mặn.

Ngoài ra UBND huyện, thành phố triển khai nạo vét kênh, sông và đắp đập đất để hạn chế xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Dân nuôi tôm trên ruộng lúa Kiên Giang làm nhiều cách để phòng tránh xâm nhập mặn - Ảnh 3.

Người dân nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa rất sợ nước mặn bất ngờ xâm nhập, làm ảnh hưởng đến sản lượng - Ảnh: CHÍ CÔNG

Dân nuôi tôm trên ruộng lúa Kiên Giang làm nhiều cách để phòng tránh xâm nhập mặn - Ảnh 4.Vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé ứng phó triều cường

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam linh hoạt đóng, mở cụm cống Cái Lớn - Cái Bé, cống Xẻo Rô cả đêm lẫn ngày để điều tiết nước, tránh gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên