Người Đan Mạch vốn tôn trọng các đức tính cần kiệm, khiêm tốn nên lễ đăng quang sẽ được tổ chức đơn giản. Mọi người sẽ chỉ tập trung vào giây phút tân vương và hoàng hậu xuất hiện trên bao lơn cung điện Christiansborg - đánh dấu một triều đại mới của hoàng gia có lịch sử trị vì liên tục lâu đời nhất châu Âu (từ những năm 900) và thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoàng gia Nhật Bản).
Mẫu mực và phá cách
Nữ hoàng Margrethe II đã tuyên bố thoái vị trong thông điệp cuối năm 2023, sau 52 năm tại vị. Bà là người đầu tiên đưa ra quyết định này trong lịch sử vương quốc, nếu không kể Vua Eirk Lam thoái vị năm 1146 vì lý do sức khỏe. Nữ hoàng Margrethe cũng là người có thời gian trị vì lâu thứ hai tại Đan Mạch, chỉ sau Vua Christian IV (59 năm).
Trong hàng ngàn lá thư và video từ biệt nữ hoàng mà người Đan gửi tới Đài phát thanh truyền hình DR1 nhờ chuyển, nhiều người đã gọi nữ hoàng bằng những từ thân thương như "Mẹ", "Bà".
Nữ hoàng Margrethe II, tên đầy đủ là Margrethe Alexandrine Þórhildur Ingrid, con gái đầu lòng của Vua Frederik IX và Hoàng hậu Ingrid, sinh ngày 16-4-1940, được đặt tên theo bà ngoại là công chúa Margareta của Thụy Điển.
Trong tên bà có một từ tiếng Iceland là Þórhildur, vì khi đó Iceland vẫn còn là một phần của Vương quốc Đan Mạch. Việc bà trở thành người kế vị ngai vàng năm xưa từng là chuyện ngoài dự kiến.
Theo luật kế vị có từ năm 1853, người kế vị phải là nam giới. Do Vua Frederik IX chỉ có ba công chúa nên người đứng đầu danh sách kế vị là em trai ngài - Hoàng tử Knud. Tuy nhiên vào năm 1953, Chính phủ Đan Mạch tổ chức trưng cầu ý dân việc thay đổi một số điều khoản trong hiến pháp như bãi bỏ Hạ viện, công nhận Greenland là một phần thống nhất của Đan Mạch, giảm tỉ lệ đồng thuận tối thiểu của cử tri trong trưng cầu ý dân từ 45% xuống 40%.
Nhằm thu hút nhiều cử tri tham gia, Chính phủ đã đưa thêm vào điều khoản thay đổi luật kế vị ngai vàng, người đứng đầu danh sách kế vị là con đầu lòng, bất kể giới tính. Kết quả là 45,76% cử tri Đan Mạch đồng ý sửa đổi hiến pháp và công chúa Margrethe, 13 tuổi, trở thành người kế vị.
Người Đan Mạch, cho dù có ủng hộ hoàng gia hay không, đều thừa nhận là từ khi lên ngôi, Nữ hoàng Margrethe II luôn nỗ lực duy trì một hình ảnh mẫu mực, chừng mực, thận trọng trong hành xử, không xa hoa lãng phí, cố gắng bảo vệ hình ảnh hoàng gia trước công chúng cũng như các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.
Bà tỏ ra nghiêm khắc trước những mối quan hệ tình cảm của Thái tử Frederik nhưng lại dễ dàng chấp nhận Mary Donalson, một phụ nữ thường dân từ nước Úc xa xôi, vì đây không chỉ là chuyện kén dâu mà còn là lựa chọn hoàng hậu tương lai cho vương quốc.
Hiến pháp Đan Mạch quy định vai trò của hoàng gia là phi chính trị. Nhưng trong thông điệp cuối năm do bà tự soạn, bà thường đề cập đến các vấn đề xã hội nóng bỏng trong năm. Năm 1984, bà đã khiến cả nước bị sốc khi lưu ý thần dân về thái độ nên có với những người nhập cư, tị nạn tới Đan Mạch.
Tuy hành động này không phù hợp lắm với nguyên tắc, nhưng đại đa số chấp nhận việc nữ hoàng bày tỏ quan điểm, một phần vì lòng tôn kính, phần khác vì cách bày tỏ của bà: thẳng thắn, rõ ràng mà tế nhị, gần gũi như một người chị cả trong gia đình.
Đức vua mới giản dị, hòa đồng
Có lẽ chuyện gây xôn xao dư luận nhất của Nữ hoàng Margrethe là quyết định đột ngột tước bỏ danh xưng hoàng tử, công chúa Đan Mạch với bốn người con của Hoàng tử Joachim - người con trai thứ của bà.
Từ năm 2023 trở đi, những người thừa kế của Hoàng tử Joachim chỉ mang tước hiệu bá tước, nữ bá tước de Monpezat, được thừa kế từ Hoàng thân Henrik, nguyên là bá tước Henri de Laborde de Monpezat của Pháp.
Nhiều người Đan Mạch xem quyết định này là không cần thiết, vì ngoại trừ hoàng tử kế vị Christian, các hoàng tử và công chúa đều không được nhận trợ cấp sau khi tròn 18 tuổi. Ngoài ra, theo quy định hoàng gia, các con của Hoàng tử Joachim đều không đảm nhiệm nhiệm vụ hoàng gia chính thức nào. Tuy vậy, chuyện này cũng không ảnh hưởng tới uy tín của nữ hoàng.
Trong 30 năm qua, Thái tử Frederik đã dần thay đổi hình ảnh, từ một thanh niên có phần nổi loạn và một hoàng tử hào hoa sang vai trò một người chồng, người cha của gia đình.
Ông đã thành công trong việc tạo dựng hình ảnh một thành viên hoàng gia hiện đại có lối sống giản dị, hòa đồng và cởi mở trước công chúng, yêu thể thao, năng vận động, tích cực trong các hoạt động bảo vệ môi trường, tuyên truyền cho lối sống lành mạnh.
Thái tử cũng thường dùng cương vị của mình để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước củng cố mối quan hệ với các nước, phát triển quan hệ thương mại với những thị trường mới chẳng hạn như Việt Nam - quốc gia mà ông có những cảm tình đặc biệt.
Thách thức với tân vương
Nữ hoàng Margrethe sinh ra trong thời chiến. Những tưởng thế hệ sau sẽ được yên bình, nhưng nay người Đan Mạch lại phải đối mặt với không ít vấn đề, từ biến đổi khí hậu, nguy cơ khủng bố quốc tế, xung đột Nga - Ukraine, vấn nạn người di cư, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan... tới sự chuyển đổi từ một xã hội đồng nhất sang một xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa.
Tuy rằng quân vương một nước quân chủ lập hiến chỉ trị vì chứ không cai trị, nhưng họ vẫn phải mang suốt đời nhiệm vụ và trọng trách là hình ảnh của đất nước và dân tộc. Nữ hoàng Margrethe II được coi là biểu tượng của một xã hội phúc lợi vận hành tốt, một đất nước an bình, phát triển bền vững. Điều này sẽ là một di sản, cũng là một thách thức không nhỏ cho Vua Frederik X.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận