13/07/2020 15:04 GMT+7

Dân không chịu tiêm chủng phải viết bản cam kết ‘từ chối tiêm’

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Lãnh đạo ngành y tế Đắk Nông xác nhận việc dân không chịu tiêm chủng phải viết bản cam kết ‘từ chối tiêm’ không phải để thoái thác trách nhiệm mà để có cơ sở báo cáo cấp trên.

Dân không chịu tiêm chủng phải viết bản cam kết ‘từ chối tiêm’ - Ảnh 1.

Việc vận động người dân tự nguyện đến khám, tiêm phòng ở các điểm tập trung là rất khó khăn - Ảnh: TR.TÂN

Mấy ngày gần đây, dư luận tỉnh Đắk Nông xôn xao việc người dân không chịu tiêm chủng phải viết bản cam kết ‘từ chối tiêm’. 

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online sáng 13-7, lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận có việc người dân không chịu tiêm chủng phải viết bản cam kết ‘từ chối tiêm’ tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, Đắk Nông.

Dân sợ tiêm

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, cho biết các bản cam kết này thực hiện trong các đợt tiêm chủng mở rộng từ đầu năm 2020, không phải trong dịp tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu gần đây.

"Có thực tế là cán bộ y tế cơ sở bị áp lực về chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng các mũi bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân không hợp tác, chống đối việc tiêm chủng nên các cán bộ y tế đi cùng địa phương mới lập các bản cam kết này để có cơ sở báo cáo việc người dân từ chối tiêm chủng chứ không phải làm cho hết trách nhiệm", bà Hương thông tin.

Dân không chịu tiêm chủng phải viết bản cam kết ‘từ chối tiêm’ - Ảnh 2.

Một bản cam kết của người dân - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo tài liệu của phóng viên, các ‘giấy cam kết’ được viết bằng bút bi hoặc đánh máy sẵn và đều có chung nội dung: người dân đã được vận động tiêm chủng nhưng ‘từ chối tiêm’. Dưới mỗi bản cam kết là tên của người được tiêm hoặc người giám hộ ký bằng bút bi hoặc điểm chỉ.

Ngoài các bản cam kết từ phía người dân, có những bản cam kết từ... cán bộ y tế. Ví dụ bản viết tay ghi ngày 18-2-2020 là từ nhân viên y tế: "Hôm nay 16h ngày 18-2, tôi và bà H.T.D. có đến tư vấn cho bà H.T.S. sinh năm 1992 đi tiêm chủng phòng uốn ván nhưng không thấy đi tiêm, lý do vì ngại tiêm. Bà H.T.S. nói sẽ chịu toàn toàn trách nhiệm và cam đoan sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra dưới sự chứng kiến của em trai và bố đẻ ".  

Cán bộ sợ trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thanh Nga - trạm trưởng Trạm y tế xã Quảng Hòa, thừa nhận có việc cán bộ y tế thôn buôn, cán bộ y tế xã phải viết các tờ cam kết như vậy để người dân ký. Theo bà Nga, tỉ lệ tiêm chủng của người Mông trên địa bàn chỉ đạt 40-50% trong khi theo yêu cầu phải 95%.

Cán bộ y tế xuống thôn, có trường hợp đến tận nơi tiêm chủng nhưng người dân vì nhiều lý do đã không chịu tiêm. Có người nói tiêm xong con sốt, ốm nên sợ đó là thuốc giả, có người do tâm lý, suy nghĩ không đúng về tiêm chủng mở rộng nên từ chối, không hợp tác, có trường hợp còn chống đối.

Khi đã thực hiện các biện pháp thuyết phục nhưng người dân một mực khước từ, cán bộ y tế đành phải lập các bản cam kết như vậy để báo cáo cấp trên về việc đã đến vận động nhưng thất bại. "Đây chỉ là những trường hợp cá biệt, ở những cụm dân cư xa xôi, vận động nhiều lần không được…", bà Nga nói.

Ông Huỳnh Thanh Huynh - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong, cũng khẳng định có biết về các bản cam kết này nhưng nói đó là những trường hợp bất khả kháng, không thể làm khác. Theo ông Huynh, không vận động được người dân tiêm chủng đã là thất bại nhưng nếu nhìn từ trên với yêu cầu tỉ lệ tiêm chủng đạt trên 90% sẽ khó thông cảm cho tuyến cơ sở.

"Anh em đi hàng chục cây số để vận động tiêm chủng nhưng dân không hợp tác, có người còn chống đối. Phần lớn các trường hợp không tiêm vì kém hiểu biết, mê tín hoặc do phản ứng phụ của thuốc khiến các cháu bé sốt nên sợ không cho tiêm các mũi tiếp theo.

Đã tổ chức tiêm mà tỉ lệ không đạt sẽ bị phê bình, kiểm điểm hoặc kỷ luật nên các cán bộ thôn, cán bộ cơ sở mới nghĩ ra các bản cam kết này để làm bằng chứng. Thực tế chúng tôi không khuyến khích và không hề mong muốn phải làm những bản cam kết như vậy", ông Huynh nói.

Về giải pháp, ông Huynh cho hay đã làm báo cáo gửi huyện ủy, UBND huyện Đắk Glong và Sở Y tế Đắk Nông để báo cáo sự việc, đề xuất hướng tháo gỡ.

Ông Huynh cho biết rất khó tiếp cận 100% người cần tiêm phòng, chưa kể nhiều trường hợp từ chối tiêm vì đường xá xa xôi, cán bộ y tế lại không biết tiếng Mông nên vận động rất khó.

"Vì vậy, huyện đề ra nhiều giải pháp để tăng tỉ lệ tiêm chủng trong các cộng đồng người Mông, trong đó vai trò của chức sắc trong tôn giáo ở các nhà thờ rất quan trọng", ông Huynh nói.

Ông Đặng Thành - giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, cho biết đợt dịch bạch hầu vừa qua dẫn đến có người tử vong cũng do tỉ lệ tiêm chủng quá thấp. "Hiện nay việc vận động đi tiêm phòng đối với các cụm dân cư người Mông dễ dàng hơn vì họ đã biết lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của bản thân và gia đình", ông Thành nói.

Theo ông Thành, dân số người Mông tại Đắk Nông khoảng 32.000 người và để tiêm chủng chiến dịch cho số dân này, sau khi không chế bạch hầu thì tỉnh cần 100.000 mũi vắcxin bạch hầu - uốn ván (td) nữa.

Cũng theo ông Thành, đến hôm nay toàn tỉnh Đắk Nông đã có 30 ca dương tính với bạch hầu, 1 ca đang nghi ngờ.

TP.HCM tiêm chủng trở lại sau khi tạm ngưng vì dịch COVID-19 TP.HCM tiêm chủng trở lại sau khi tạm ngưng vì dịch COVID-19

TTO - Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn gửi các đơn vị y tế liên quan cho phép tổ chức lại hoạt động tiêm chủng sau một tháng tạm ngưng để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên