28/06/2018 10:34 GMT+7

Dân Cù Lao Chàm không còn muốn dùng túi nilông nữa

NHẬT HUY - TRƯỜNG TRUNG
NHẬT HUY - TRƯỜNG TRUNG

TTO - "Nói túi nilông đã biến mất khỏi Cù Lao Chàm thì chưa đúng. Nhưng nói người dân Cù Lao Chàm giờ không ai còn muốn sử dụng túi nilông nữa là hoàn toàn chính xác".

Dân Cù Lao Chàm không còn muốn dùng túi nilông nữa - Ảnh 1.

Thông điệp đầu tiên khi du khách tới Cù Lao Chàm - Ảnh: TR.TRUNG

Tôi đến Cù Lao Chàm và thấy người dân ở đây sáng tạo khi có những túi xách rất lạ so với những nơi khác. Tôi đã chụp hình và đưa lên mạng và gọi đây là hòn đảo lạ.

Du khách MIN JIN (Hàn Quốc)

Trung tâm hội nghị Ariyana (Đà Nẵng) ngày 26-6 tiếp tục nóng với nhiều phiên họp, thảo luận trong khuôn khổ kỳ họp đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Ngoài kia, người dân Hội An, Quảng Nam vẫn lặng lẽ làm điều mà bên trong hội nghị đang tán dương, thảo luận...

Đó là chuyện những người phụ nữ làm nghề ve chai (thu mua phế liệu) trở thành nhân tố điển hình trong bảo vệ môi trường được cả thế giới biết đến; là chuyện hòn đảo xanh sạch túi nilông, cả ở ngoài hiện trường lẫn trong nhận thức, hành động của người dân.

Dự án nhỏ, hiệu quả lớn

"Thế giới biết đến Hội An không chỉ vì đó là di sản văn hóa thế giới mà còn do... xử lý rác" - một đồng nghiệp nước ngoài trong đoàn nhà báo khoa học thế giới đến Đà Nẵng đưa tin về kỳ họp nhận xét khi quan chức của GEF giới thiệu những dự án nhỏ (tài trợ nhỏ) nhưng hiệu quả lớn mà GEF hỗ trợ thực hiện trên khắp thế giới, trong số đó có dự án xử lý rác sinh hoạt ở Hội An, Quảng Nam.

Những xì xào, bàn luận trong phòng họp khiến chúng tôi quyết định xuống thẳng Hội An để "thực mục sở thị".

Cơn mưa dông ban chiều thường thấy ở miền Trung những ngày này không át được dòng cảm xúc của bà Ngô Thị Tuyết Nhung, phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hội An, khi nói về dự án người dân tham gia xử lý chất thải sinh hoạt. Dù dự án đã kết thúc 5 năm, bà Nhung vẫn kể vanh vách các thông số, các câu chuyện, và nhất là các nhân vật làm nên sự thành công của dự án.

Bà Nhung cho biết dự án "Xây dựng mô hình xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Hội An" do Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hội An thực hiện từ tháng 1-2011 đến tháng 6-2013. Dự án có tổng số vốn khoảng 1,7 tỉ đồng, gồm gần 900 triệu đồng từ chương trình tài trợ nhỏ của GEF, còn lại là vốn đối ứng, nhằm mục đích góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững di sản văn hóa thế giới ở Hội An.

Theo bà Nhung, dù dự án có mục đích ban đầu là xử lý rác có hiệu quả, nhưng không chỉ vậy, dự án còn mang đến "cần câu cơm" cho những người yếu thế.

Là một chủ vựa ve chai, bà Lê Thị Vân, người dân phường Thanh Hà, TP Hội An, cảm nhận rõ nhất sự thay đổi từ khi dự án này triển khai. Bà cho biết trước đây khi thu mua phế liệu bà mất rất nhiều công sức phân loại, làm sạch trước khi cho xuất kho đi tái chế. Nhưng khi thành phố vận động người dân phân loại rác phân hủy và rác tái chế, phế liệu về nhà bà Vân đã bớt "bốc mùi".

"Bà nội trợ được làn gió mới thay đổi nhận thức. Những người tham gia trực tiếp thì nói họ được trao "cần câu cơm". Còn nhà tôi từ khi có dự án đã hết hôi thối" - bà Vân nói.

Số vốn của dự án ngoài việc dùng để cải thiện nhận thức cho người dân về phân loại rác tại nguồn còn được trích một phần để hỗ trợ xe gom rác tái chế cho những người làm nghề ve chai. Ngoài ra, một số tiền gần 200 triệu đồng cũng được sử dụng để cho họ vay lấy vốn làm ăn. 

"Đồng vốn vay đến nay chưa sứt mẻ, còn chị em làm nghề đã được trao phương tiện và tạo điều kiện để làm ăn. Họ cũng chính là những người tích cực nhất trong việc vận động người dân có thói quen phân loại rác thải" - bà Nhung nói.

Bỏ thói quen dùng túi nilông

"Nói túi nilông đã biến mất khỏi Cù Lao Chàm thì chưa đúng. Nhưng nói người dân Cù Lao Chàm giờ không ai còn muốn sử dụng túi nilông nữa là hoàn toàn chính xác" - ông Trần Tấn Dũng, bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), khẳng định. 

Như để minh chứng cho điều này, ông Dũng mời mọi người đến trước cổng chợ Tân Hiệp để tìm người xách túi nilông. Sau 30 phút "vạch lá tìm sâu", chúng tôi đành bỏ cuộc.

Đã ngót chục năm nay, người dân trên hòn đảo du lịch này nói không với loại vật dụng "không thể nào thiếu". Từ chợ, quầy hàng cho đến nhà từng hộ dân, đâu đâu cũng có những vật dụng thay thế chức năng túi nilông. 

Ý tưởng đảo không túi nilông này được khởi phát từ ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư Thành ủy TP Hội An khi ấy. Ban đầu là những cuộc vận động không mang túi nilông ra đảo, sau đó tiến đến quy định "đóng quỹ" 150.000 đồng đối với người cố ý mang bịch nilông ra đây.

"Hồi đầu mới cấm tui thấy bất tiện lắm. Khó nhất là đựng mấy thứ đồ nước nước không có túi nilông là không được. Nhưng riết rồi thành quen, thấy ai mang túi nilông lên đảo tui rất dị ứng phải bắt họ chuyển ngay" - bà Nguyễn Thị Thu Thanh, chủ quầy hàng lưu niệm trên đảo, nói. 

"Chuyển ngay" theo cách mà bà Thanh nói chính là tìm những thứ đồ dễ tiêu hủy thay thế, chẳng hạn như lá chuối, lá bàng (loại có nhiều trên đảo) và giấy báo để gói những thứ đồ khô, hay như dùng túi sinh học tự hủy để thay thế cho những túi nilông loại lớn mà khách vô tình mang ra.

Điều dễ nhận thấy nhất trong hành trình "nói không với nilông" của hòn đảo này không phải là tấm bảng vận động du khách "chung tay" được dựng trên đảo, cũng không phải là những thông tin chế tài và số tiền mà "quỹ môi trường" thu được. Đó là những lời thủ thỉ nhưng quyết liệt của các bác xe ôm, cô bán nước tới du khách khi đặt chân đến và khi quay trở về.

Bài học từ Cù Lao Chàm Bài học từ Cù Lao Chàm

TTO - Tăng thuế có thể nâng cao hơn ý thức bảo vệ môi trường của người dân và hạn chế việc sử dụng túi nilông vô tội vạ. Nhưng bài học từ Cù Lao Chàm cho chúng ta thấy rằng không phải thuế hay phí mới là thứ làm cho môi trường sạch hơn.

NHẬT HUY - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên