25/07/2019 13:30 GMT+7

Dân buôn lậu xăng dầu trang bị cả súng trung liên chống trả lực lượng chức năng

NGUYỄN TRÍ - NGỌC HIỂN - NGỌC AN
NGUYỄN TRÍ - NGỌC HIỂN - NGỌC AN

TTO - Các đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển trang bị cả súng trung liên với băng đạn đầy ắp, để ngay trên giường ngủ ở trên các tàu và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, phát hiện.

Dân buôn lậu xăng dầu trang bị cả súng trung liên chống trả lực lượng chức năng - Ảnh 1.

Một vụ vận chuyển xăng dầu lậu bị phát hiện, bắt giữ tại vùng biển Quảng Ngãi vào tháng 4-2019 - Ảnh: N.C.

Thông tin trên được đại tá Trần Văn Nam - phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra ngày 25-7.

Theo ông Nam, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã bắt giữ và xử lý 21 tàu, thu giữ 1,7 triệu lít dầu DO và lượng lớn xăng A95 buôn lậu. Hầu hết các vụ phát hiện bắt giữ này là vùng biển xa, có vụ trên 100 hải lý với các tàu nhiều quốc tịch.

"Tình hình buôn lậu vẫn rất phức tạp, các đối tượng buôn lậu xăng dầu chuẩn bị rất kỹ và sẵn sàng để đối phó với cơ quan chức năng, thậm chí dùng cả súng. Do đó, nếu chúng ta không có kế hoạch đối phó, chủ động trấn áp sẽ thương vong trong đấu tranh chống buôn lậu", ông Nam nói.

Theo Cảnh sát biển Việt Nam, buôn lậu xăng dầu diễn ra mạnh nhất khu vực giáp ranh các nước và vùng biển Tây Nam Việt Nam. Không những tàu chở hàng, hiện nhiều tàu cá cải hoán cũng tham gia buôn lậu xăng dầu khiến tình hình phức tạp.

Đặc biệt, với giá xăng dầu lậu giao dịch trên biển chỉ bằng 2/3 giá bán lẻ trong bờ. Trong khi đó, nhu cầu về dầu DO của tàu đánh bắt tăng, các đối tượng buôn lậu xăng dầu lợi dụng điều này để bán trực tiếp cho ngư dân với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho biết nếu không bắt quả tang và không chứng minh được tính liên tục trong quá trình truy đuổi thì rất khó xử lý khi tàu truy đuổi chạy sang nước ngoài. Lợi dụng điều này, các tàu thường chạy qua vùng biển giáp ranh gây ra nhiều khó khăn cho công tác phát hiện xử lý đối tượng này.

Dân buôn lậu xăng dầu trang bị cả súng trung liên chống trả lực lượng chức năng - Ảnh 2.

Cơ quan chức năng niêm phong các họng chiết xuất xăng dầu trên tàu M/T Pioneer Spirt trong vụ bắt quả tang các tàu sang chiết xăng dầu lậu trên vùng biển Quảng Ngãi vào tháng 4-2019 - Ảnh: N.C.

Ngoài ra, theo vị đại diện Cảnh sát biển Việt Nam, tội buôn lậu theo Bộ uật hình sự có yếu tố vận chuyển qua biên giới. Tuy nhiên, biên giới biển theo Luật biển Việt Nam thì đường ranh giới là đường lãnh hải. Do đó, trong vùng biển đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam nếu bắt được quả tang chỉ xử lý hành chính dù số lượng xăng, dầu có lớn.

Theo ông Nam, vấn đề này gây khó khăn trong công tác xử lý, nhiều vụ phát hiện và truy bắt nhưng xác định không cấu thành tội nên buộc chuyển sang xử lý hành chính. Cảnh sát biển đã có đề xuất có hướng tháo gỡ nhưng hiện tại trong các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Bộ luật hình sự.

Theo Cảnh sát biển Việt Nam, trong thời gian tới tình hình buôn lậu xăng dầu sẽ còn phức tạp. Hiện tình trạng một số doanh nghiệp cung ứng hậu cần chạy sang vùng biển giáp ranh mua xăng dầu lậu nước ngoài về bán lại, nhiều tàu cá có xu hướng cải hoán để tham gia vào việc buôn lậu vẫn còn tiếp diễn. Do đó, ông Nam cho rằng cần có hình phạt nghiêm khắc như xử phạt hành chính, tịch thu tang vật, có thể xem xét rút giấy phép khai thác có thời hạn đối với tàu cá nhằm tăng tính răn đe.

Ngồi ở Đài Loan điều hành bán xăng lậu tại Việt Nam Ngồi ở Đài Loan điều hành bán xăng lậu tại Việt Nam

TTO - Chiều 16-4, thiếu tướng Lương Tam Quang - chánh văn phòng Bộ Công an - cho biết đang mở rộng điều tra vụ buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Quảng Ngãi.

NGUYỄN TRÍ - NGỌC HIỂN - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên