Người Ấn Độ cầm biểu ngữ “Nói không với hàng Trung Quốc” tại chợ ở thủ đô New Delhi ngày 17-6, trong làn sóng tẩy chay và đập phá hàng “Made in China” - Ảnh: AFP
Sục sôi phẫn nộ vì cuộc đụng độ đẫm máu ở biên giới, người Ấn kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Nhưng nói thì dễ, làm mới thấy khó vì còn phải tính đến chuyện hàng bị tẩy chay có sản xuất được ở Ấn Độ hay không.
Kết quả một cuộc khảo sát online trên 32.000 người Ấn Độ của trang LocalCircles cho thấy có tới 87% tuyên bố sẵn sàng không xài và không bán hàng "Made in China" trong vòng ít nhất 1 năm, từ các loại thực phẩm, hàng tiêu dùng đến cả các ứng dụng di động.
Trong khi đó, mạng xã hội Ấn Độ tràn ngập các đoạn clip ghi lại cảnh người dân đập nát và đốt tivi, điện thoại Trung Quốc bên cạnh cờ và hình các lãnh đạo Bắc Kinh.
Ấn Độ sẽ phải khó khăn tìm nguồn cung mới thay cho Trung Quốc hơn là Trung Quốc tìm kiếm thị trường khác ngoài Ấn Độ.
Báo Times Of India bình luận
Tẩy chay có chọn lọc
Những người ủng hộ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc tin rằng tình trạng thâm hụt thương mại, tức việc Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn xuất khẩu, là thanh gươm bén sẽ khiến Bắc Kinh đau đớn. Nhưng số ít khác lại cho rằng đó thật ra là điểm yếu của Ấn Độ.
Ẩn đằng sau làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc tại Ấn Độ là một vấn đề chiến lược mà các nhà lãnh đạo New Delhi buộc phải thay đổi: sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Nói như một nhà quan sát, Ấn Độ hiện có quá ít các lựa chọn trả đũa Trung Quốc và nếu có tiến hành, các biện pháp trả đũa như tẩy chay hàng hóa hoặc nâng thuế quan cũng chỉ mang tính biểu tượng, truyền tải thông điệp chứ không thể khiến Bắc Kinh vì thiệt hại mà nhượng bộ.
Ông Ramdas Athawale, một bộ trưởng liên bang trong chính quyền Thủ tướng Narendra Modi, hôm 17-6 đã kêu gọi người dân tẩy chay đồ ăn cùng các nhà hàng Trung Quốc. Trước đó, Liên minh các thương nhân Ấn Độ (CAIT) đã công bố danh sách hơn 500 mặt hàng Trung Quốc bị tẩy chay, đồng thời kêu gọi những người nổi tiếng Ấn Độ không làm đại diện hình ảnh cho các sản phẩm này.
500 mặt hàng này đã được lựa chọn thận trọng và hầu hết đều là hàng hóa có ít chất xám, có thể sản xuất trong nước hoặc tìm kiếm nguồn thay thế từ nước khác. CAIT được cho là đại diện hơn 40.000 nhà buôn tại Ấn Độ.
Một số tờ báo Ấn Độ đang cố gắng giữ sự tỉnh táo và tìm cách đi ngược làn sóng bài Hoa mạnh mẽ. Times of India hay Economic Times đều cho rằng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, thậm chí đoạn tuyệt giao thương là chuyện "lợi bất cập hại".
Times of India lập luận rằng Trung Quốc chiếm 5% xuất khẩu và 14% nhập khẩu của Ấn Độ, trong khi đó Ấn Độ chỉ chiếm 3% trong tổng xuất khẩu của Trung Quốc và chưa tới 1% nhập khẩu. Nếu đoạn tuyệt giao thương, Ấn Độ sẽ mất nhiều hơn trong khi thiệt hại của Trung Quốc chỉ như "muỗi chích".
Chiến lược dài hơi của Trung Quốc
Chính quyền Bắc Kinh luôn phản ứng mạnh với các nước đón tiếp Đạt Lai Lạt Ma - lãnh tụ tinh thần đấu tranh quyền tự trị cho Tây Tạng. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy các nước từng tiếp đón ông đều đối mặt với tình trạng bị sụt giảm lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại không trừng phạt Ấn Độ - nước đang cho Đạt Lai Lạt Ma tị nạn. Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Ấn Độ), nhận định Bắc Kinh không muốn trừng phạt New Delhi vì "chứa chấp" Đạt Lai Lạt Ma bởi lợi ích chiến lược từ hành động đó không đáng kể.
Ngược lại, Trung Quốc còn muốn tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế với Ấn Độ và kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào thị trường này. "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi trọng mối quan hệ thương mại không cân xứng với Ấn Độ và xem nó như một vũ khí chiến lược để làm suy yếu ngành sản xuất của Ấn Độ" - ông Chellaney lập luận. Để một chiếc điện thoại thông minh được làm ra ở Ấn Độ, cần khoảng 30% hoặc 40% linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đã có vài ý kiến phản bác quan điểm của ông Chellaney rằng trong thời đại toàn cầu hóa, không một quốc gia nào có thể đứng riêng một mình. Số khác lại nhìn về cuộc đối đầu hiện tại và cho rằng có rất ít lối thoát cho cả voi và gấu trúc, khi mà cả hai quốc gia đều đang được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo có nhiều tham vọng muốn khẳng định uy thế của người khổng lồ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận