Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) trao thư của Chủ tịch Tập Cận Bình cho Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Trong khi thị trường phản ứng tích cực với thông tin mới, chúng ta phải cảnh giác trước những lời hứa và những điều tốt đẹp. Thỏa thuận này không giải quyết được những vấn đề cốt lõi còn ẩn chứa.
Nhà kinh tế Gregory Daco nhận định
Đổi lại, Washington sẽ ngừng kế hoạch tăng thuế quan từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng nhập khẩu hằng năm từ Trung Quốc dự kiến áp ngày 15-10.
Ông Trump cũng tự tin rằng diễn biến mới nhất này có thể giúp ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký "thỏa thuận giai đoạn 1" vào tháng 11 năm nay, thời điểm diễn ra Hội nghị APEC ở Chile.
Trên thực tế, ông chủ Nhà Trắng đang đối mặt với áp lực từ tăng trưởng kinh tế giảm tốc và cuộc điều tra luận tội do Hạ viện khơi mào.
Vì vậy, những tín hiệu tích cực từ mối quan hệ thương mại với Trung Quốc được cho là rất cần thiết để duy trì uy tín của ông. Tổng thống Mỹ đã tỏ ra khá bằng lòng với kết quả này. Trong bài đăng Twitter ngày 11-10, ông Trump nhận xét đây là một thỏa thuận "nhanh và gọn gàng".
Giới quan sát tạm thời còn khá ít thông tin chi tiết về đàm phán Mỹ - Trung vừa qua. Các quan chức Mỹ từ chối trả lời chi tiết nhưng khẳng định hai nước đã đạt được nhiều tiến triển trong đàm phán về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như các quy định nhằm ngăn việc thao túng tiền tệ.
Theo nhận định của Hãng tin Reuters, trong khi giọng điệu từ Washington tỏ ra khá chắc chắn về việc ký kết "thỏa thuận giai đoạn 1" vào tháng 11, truyền thông Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn.
"Cả hai bên đã cùng thảo luận chân thành, hiệu quả và có tính xây dựng về các vấn đề kinh tế và thương mại, tuân theo hướng dẫn từ người đứng đầu mỗi nước", Tân Hoa xã thông báo ngắn gọn mà không đề cập đến một thỏa thuận cụ thể hay thời điểm ký kết nào.
Trong một bài bình luận đăng tải sau đó, Tân Hoa xã thậm chí lưu ý rằng có nhiều điểm vẫn chưa chắc chắn. Tân Hoa xã nhận định quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên phức tạp hơn vì các vấn đề thương mại và kinh tế bị chính trị hóa theo ý chí của "một số người".
Theo tờ Wall Street Journal của Mỹ, Washington dường như đã đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu là khiến Trung Quốc thay đổi cách vận hành nền kinh tế. Phía Mỹ thay vào đó quyết định để dành các vấn đề cốt lõi cho những cuộc đàm phán sau.
"Nếu hóa ra đây là tất cả những gì về cuộc chiến này, chúng ta đã có thể đạt những thành quả này từ cách đây 1 năm hoặc trước đó nữa" - ông Derek Scissors, chuyên gia thương mại tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) và là cố vấn cho chính quyền Trump, nhận định về kết quả đàm phán vừa qua.
Đây cũng là quan điểm được nhiều nhà quan sát chia sẻ. Theo nhà kinh tế Gregory Daco tại Oxford Economics, bản chất nửa vời của thỏa thuận "giai đoạn 1" không thể xóa đi sự bất an về các chính sách thương mại giữa hai nước.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã trở nên dè dặt trong việc đầu tư trang thiết bị và mở rộng kinh doanh vì điều đó. Vị chuyên gia này từng dự đoán các căng thẳng thương mại sẽ khiến tăng trưởng của Mỹ giảm khoảng 0,6% trong năm 2020. Với diễn biến mới nhất, ông đã hạ con số này còn 0,5%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận