13/01/2013 09:29 GMT+7

Đàm phán quốc tế về Syria không có kết quả

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria Lakhdar Brahimi tuyên bố Nga và Mỹ đều quyết tâm chấm dứt cuộc xung đột Syria, nhưng một giải pháp chính trị trong tương lai gần là chưa thể.

hxv0m5Zu.jpgPhóng to
Trưởng phái bộ Liên Hiệp Quốc Brahimi - Ảnh: Reuters

Những bình luận được ông Brahimi đưa ra sau cuộc gặp giữa ông với Thứ trưởng ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov và Thứ trưởng ngoại giao Mỹ William Burns tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 11-1.

“Chúng tôi đều nhấn mạnh yêu cầu chấm dứt nhanh chóng cuộc đổ máu, tàn phá và mọi hình thức bạo lực ở Syria. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này”, Đài truyền hình AlJazeera dẫn lời ông Brahimi nói với các phóng viên. Nhưng ông cũng thừa nhận “nếu quý vị hỏi tôi là đã sắp có giải pháp chưa thì tôi không dám chắc”.

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga và Trung Quốc đã chặn một số nghị quyết tìm cách gây sức ép lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng Matxcơva nói họ không bảo kê cho chính quyền này.

Ông Brahimi nói nền tảng cho một giải pháp chính trị phải dựa trên thỏa thuận của các cường quốc tại Geneva hồi tháng 6-2012 kêu gọi thành lập một cơ quan quyền lực mới ở Syria sẽ “có toàn quyền hành pháp” trong một giai đoạn chuyển giao chưa xác định.

Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói với các phóng viên rằng “thật khó tưởng tượng một chính quyền chuyển giao mà Assad vẫn có mặt”.

Cũng theo Al Jazeera, đài truyền hình có trụ sở ở Doha, Qatar đã kêu gọi đưa lực lượng Ả Rập tới để kết thúc cuộc xung đột đẫm máu tại Syria nếu như những nỗ lực ngoại giao do phái bộ của ông Brahimi đang xúc tiến thất bại.

“Người Ả Rập phải suy nghĩ nghiêm túc về việc đưa quân tới để bảo đảm an ninh ở Syria nếu các nỗ lực ngoại giao không thể giải quyết cuộc khủng hoảng - Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Qatar Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani nói trên Al Jazeera - Đó không phải là vấn đề can thiệp vào Syria vì lợi ích của một bên này hay bên khác, mà là bảo đảm an ninh”.

Trước đó vào tháng 9, trong một bài phát biểu ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Quốc vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani từng nói các nước Ả Rập nên can thiệp vào Syria nếu Hội đồng Bảo an không thể chấm dứt cuộc nội chiến. Trong số các nước Ả Rập, ngoài Qatar, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ mạnh mẽ lực lượng nổi dậy.

Nga ngày 12-1 tuyên bố ủng hộ những nỗ lực của ông Brahimi nhưng khẳng định việc ông Assad ra đi không thể lấy làm điều kiện bắt buộc để chấm dứt cuộc xung đột.

Tại Syria, chiến sự tiếp tục diễn ra ác liệt khiến ít nhất 90 người thiệt mạng vì giao tranh trong ngày 12-1.

Trong bối cảnh xung đột leo thang, Thụy Sĩ nói ngày 14-1 họ sẽ trình một thỉnh nguyện đơn do 52 nước ký kêu gọi Tòa án hình sự quốc tế (ICC) mở điều tra về tội phạm chiến tranh tại Syria. “Những tội ác chiến tranh nghiêm trọng đã xảy ra ở Syria. Chúng ta phải đảm bảo những tội ác đó bị trừng phạt”, Bộ trưởng ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter nói trên truyền hình quốc gia TSR.

Liên Hiệp Quốc ước tính hơn 60.000 người đã thiệt mạng từ tháng 3-2011 khi cuộc xung đột bùng phát và hơn 600.000 người Syria đã phải trú ẩn trong các trại tị nạn ở các nước trong khu vực.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên