Đại dịch bùng phát khiến việc học ở Nhật Bản của Nguyen Ngoc Nga bị dang dở - Ảnh chụp màn hình NHK
Trieu Linh Linh, một du học sinh Việt Nam ở tỉnh Niigata, đã bỏ học cách đây 3 tháng vì không thể trả nổi số tiền học phí 750.000 yen/năm, tức khoảng 7.000 USD. Linh xin làm việc bán thời gian tại một nhà máy đóng gói với hi vọng đại dịch sẽ sớm qua.
Cô sinh viên 24 tuổi từng dự định sau khi tốt nghiệp sẽ kiếm một công việc có lương ổn định tại Nhật Bản để đỡ đần cho cha mẹ ở quê nhà. Nhưng giờ Linh còn không trả nổi tiền thuê nhà và đau đáu trông về Việt Nam.
Tất cả chỉ vì COVID-19.
NHK, một đài truyền hình lớn của Nhật Bản, mới có bài viết phản ánh hoàn cảnh của các du học sinh Việt Nam bị mắc kẹt tại nước này. Khó khăn của các du học sinh như Linh, theo NHK, đến từ các quy định nghiêm của pháp luật Nhật Bản.
Theo luật, những người có thị thực du học sinh như Linh được phép làm thêm 28 tiếng mỗi tuần. Nhưng nếu những người này không còn học, bị đuổi khỏi trường hay vì lý do gì đó không còn là sinh viên, họ sẽ không được phép làm thêm bên ngoài.
Nếu không muốn phạm luật và hoàn cảnh gia đình không cho phép, những du học sinh này phải rời khỏi Nhật càng sớm càng tốt.
"Cha mẹ ở nhà sợ nếu cứ thế này chắc em sẽ chết đói ở Nhật Bản. Nhưng em không muốn gia đình gánh thêm khoản nợ nào nữa" - Linh tâm sự với đài NHK. "Em muốn tự giải quyết, nhưng có quá nhiều thứ mông lung khiến em lo lắng".
Một trường hợp khác cũng bị mắc kẹt là Nguyen Ngoc Nga ở tỉnh Okayama. Nga bị trường cho thôi học vì không đóng đủ học phí và được yêu cầu nên về nước ngay lập tức. Cô sinh viên 21 tuổi gom góp được 21.000 yen để mua vé máy bay, nhưng chuyến bay đã bị hủy vào phút chót.
Du học sinh Việt Nam chiếm tới 1/4 trong tổng số 310.000 du học sinh quốc tế tại Nhật Bản. NHK đã liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và được biết có khoảng 20.000 công dân Việt Nam đang chờ được hồi hương.
Chính phủ Việt Nam đã tổ chức các chuyến bay giải cứu công dân từ Nhật Bản, nhưng do số lượng nhiều và ưu tiên các trường hợp đặc biệt như người già, phụ nữ mang thai, người bị bệnh, nên vẫn còn nhiều người chưa thể về nước.
Trong lúc chờ đợi, một số du học sinh nói riêng và người Việt bị mắc kẹt nói chung đã nhận được sự giúp đỡ từ Hội tương trợ lẫn nhau Việt - Nhật. Bà Yoshimizu Jiho, một đại diện của hội, cho biết từ tháng 3 năm nay đã tư vấn cho hơn 1.300 người Việt tại Nhật Bản và hỗ trợ chỗ ở cho 180 người bị mất nhà trọ.
Tháng 10 vừa rồi, Cục quản lý nhập cư Nhật Bản đã nới lỏng quy định, cho phép các du học sinh bị buộc phải nghỉ học vì đại dịch được phép làm việc như thời còn đi học, tạo điều kiện để những người này tiếp tục sống tại Nhật đến khi có thể về nước.
Nhưng theo bà Yoshimizu, việc nới lỏng quy định như vậy là tốt nhưng vẫn chưa đủ.
"Nhiều sinh viên Việt Nam vẫn đang bị buộc phải bỏ học ra ngoài bươn chải. Chính phủ Nhật nên tiến hành các biện pháp quyết liệt lâu dài hơn, ví dụ cải thiện hệ thống học bổng thay vì các nới lỏng tạm thời".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận