![]() |
Một mẫu chiến đấu cơ F35s của Mỹ - Ảnh: US Air Force |
Hãng tin Reuters ngày 12-5 dẫn tuyên bố từ Đài Loan cho biết các khoản mua sắm quân sự của Đài Loan đã giúp Mỹ “thúc đẩy kinh tế địa phương và thuê lao động tại các bang như Alabama, Arizona, Florida, Utah, Ohio và Pennsylvania". Đây là tuyên bố gửi cho cuộc đánh giá thương mại mà Mỹ đang tiến hành.
Theo đó, các công ty của Mỹ như Raytheon Co, Lockheed Martin Co, Boeing Co, Sikorsky và BAE Systems PLC sẽ hưởng lợi từ việc bán hệ thống phòng thủ tên lửa, trực thăng, máy bay chiến đấu và các phương tiện đổ bộ khác cho Đài Loan.
Dù đang nỗ lực nội địa hóa phương tiện quốc phòng, Đài Loan khẳng định việc mua vũ khí của Mỹ không bị ảnh hưởng.
Bản tuyên bố cũng tiết lộ các chi tiết về mua sắm quân sự của Đài Loan và tác động từ yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn các đồng minh chi trả cho chi phí phòng thủ, thu hẹp khoản cách thương mại và thúc đẩy việc làm tại Mỹ.
Hồi cuối 3-2017, ông Trump đã yêu cầu triển khai đánh giá thương mại trong thời hạn 90 ngày về các khoản thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ.
Cụ thể, từ 2002 đến 2015, Đài Loan là khách hàng mua khí tài quân sự lớn thứ bảy của Mỹ với chi tiêu trung bình khoảng hai tỉ USD mỗi năm.
Đài Loan cho biết số liệu thương mại về mua sắm quân sự và các dịch vụ hậu mãi, đào tạo nhân lực kèm theo, sẽ giúp thu hẹp khoản cách thương mại song phương.
Trong một phỏng vấn hồi tháng trước, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết bà không loại bỏ khả năng mua máy bay F-35s, một trong những mẫu máy bay chiến đấu mắc tiền và tối tân bậc nhất của Mỹ. Tuyên bố của bà ngay sau đó vấp phải sự phản đối gay gắt của Trung Quốc.
Trước đó, Đài Loan thường giữ kín các khoản trao đổi quân sự với Mỹ nhằm tránh chọc giận Trung Quốc. Washington là đồng minh chính trị lớn nhất của Đài Loan, theo Reuters.
Tuy nhiên, bản tuyên bố dài 40 trang của Đài Loan công bố tối 11-5 khẳng định quan hệ với Mỹ là “ưu tiên hàng đầu” và Đài Loan luôn sẵn sàng với “bất cứ đề xuất nào củng cố quan hệ thương mại Mỹ-Đài Loan dựa trên nền tảng công bằng và lợi ích song phương”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận