Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn - Ảnh: REUTERS
"Chừng nào Đài Loan còn đủ mạnh, nơi đây sẽ là nhà của dân chủ và tự do trên toàn thế giới, và hòn đảo sẽ không trở thành chiến trường", bà Thái Anh Văn nói trong cuộc họp báo ngày 27-12. "Không ai muốn chiến tranh... nhưng hỡi đồng bào, hòa bình sẽ không từ trên trời rơi xuống".
Bài Thái cho rằng hệ thống quân sự hiện tại, bao gồm cả quân dự bị huấn luyện, không hiệu quả và không đủ để đối phó với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt nếu nước này tiến hành một cuộc tấn công nhanh vào hòn đảo.
Trước khi tổ chức họp báo công bố quyết định mới, bà Thái Anh Văn đã triệu tập cuộc họp an ninh để thảo luận về việc tăng cường phòng thủ dân sự cho hòn đảo.
"Các hành vi đơn phương khác nhau của Trung Quốc đã trở thành mối lo ngại lớn đối với an ninh khu vực", một quan chức Đài Loan nói với Hãng tin Reuters.
Quan chức này nói quyết định mới sẽ có hiệu lực vào năm 2024. Theo đó, lính nghĩa vụ sẽ trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt hơn, bao gồm các bài tập bắn súng và hướng dẫn chiến đấu do lực lượng Mỹ áp dụng.
Ngoài ra, lính nghĩa vụ sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, cho phép các lực lượng chính quy phản ứng nhanh hơn trong trường hợp có bất kỳ nỗ lực can thiệp nào của Trung Quốc.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và không loại trừ dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo này nếu cần thiết.
Ngày 26-12, chính quyền Đài Loan thông báo trong vòng 24 giờ, tổng cộng 71 chiến đấu cơ và máy bay không người lái Trung Quốc đi vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Đài Loan tuyên bố, trong đó 43 máy bay vượt qua "đường trung tuyến" phân cách hai bờ eo biển.
Trung Quốc tuyên bố việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan từ ngày 25-12 để đáp trả "sự khiêu khích" và "sự thông đồng" giữa Mỹ và Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc khẳng định không thể tách rời của nước này và sẵn sàng thống nhất bằng vũ lực.
Trước đó một ngày, hôm 24-12, Bắc Kinh đã chỉ trích Washington về dự luật chi tiêu quốc phòng mới, trong đó có hỗ trợ quân sự dành cho Đài Loan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết dự luật quốc phòng của Mỹ "ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan".
Trung Quốc cũng tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn gần hòn đảo này vào tháng 8 năm nay, sau chuyến thăm gây tranh cãi tới Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đối với hòn đảo cũng như việc Nga tấn công Ukraine đã thúc đẩy cuộc tranh luận ở Đài Loan về cách tăng cường hệ thống phòng thủ.
Hiện bà Thái Anh Văn đang theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân sự, ủng hộ ý tưởng "chiến tranh phi đối xứng" để làm cho các lực lượng của hòn đảo trở nên cơ động hơn, nhanh nhẹn hơn và khó bị tấn công hơn.
Nhà lãnh đạo Đài Loan khẳng định "không có áp lực" từ phía Mỹ đối với việc cải cách quân sự, bao gồm việc gia hạn nghĩa vụ.
Người dân ủng hộ tăng thời hạn nghĩa vụ quân sự
Đài Loan từng không ủng hộ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Các chính quyền trước đây đã cắt giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ đối với nam giới từ hơn hai năm xuống còn bốn tháng để lấy lòng các cử tri trẻ tuổi. Vào thời điểm đó, căng thẳng giữa hai bờ eo biển đã giảm bớt.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường áp lực ngoại giao, quân sự và kinh tế đối với hòn đảo này. Trong bối cảnh quan hệ ngày càng căng thẳng, các cuộc thăm dò cho thấy hơn 3/4 công chúng Đài Loan hiện tin rằng 4 tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự là quá ngắn.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi gia hạn, thời gian nghĩa vụ ở Đài Loan vẫn ngắn hơn so với 18 tháng bắt buộc ở Hàn Quốc, nơi phải đối mặt với một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận