Ông Furusawa Yasuyuki - tổng giám đốc AEON Việt Nam, cho biết năm 2024, AEON Việt Nam có kế hoạch mở mới đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau.
"Không chỉ nằm trong các trung tâm mua sắm của AEON, chúng tôi đồng thời cũng sẽ mở rộng và phát triển thêm tại các trung tâm thương mại của các đối tác khác. Về diện tích mặc dù khác nhau nhưng tất cả các điểm bán lẻ của hãng đều đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng từ thực phẩm, gia dụng, mẹ và bé, thời trang...", ông Furusawa Yasuyuki nói.
Mới đây, mô hình bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn (Super Supermarket, gọi tắt là SSM), có diện tích 5.000m2 vừa được nhà bán lẻ Nhật Bản mở trong trung tâm mua sắm Crescent Mall tại quận 7.
Đây là siêu thị tinh gọn đầu tiên của nhà bán lẻ này ở TP.HCM, nằm trong chiến lược phát triển đa dạng mô hình bán lẻ của AEON Việt Nam.
Thông qua việc tăng tốc mở mới địa điểm kinh doanh để gia tăng "điểm chạm" với khách hàng, nhà bán lẻ Nhật Bản cho biết họ đang hướng đến phục vụ người dân đô thị và tăng độ phủ nội thành.
Theo ông Furusawa Yasuyuki, Việt Nam là một trong hai thị trường trọng điểm bên cạnh Nhật Bản trong chiến lược đẩy mạnh đầu tư, với nhiều lợi thế và các điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng.
Trong năm 2024, bên cạnh việc khai trương các trung tâm mua sắm lớn, nhà bán lẻ này tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển đa dạng về mô hình và linh hoạt về quy mô phù hợp với nhu cầu của cộng đồng địa phương và điều kiện thực tế của từng khu vực.
Hiện AEON cũng đang gấp rút tìm kiếm thị phần ở khu vực miền Trung với kế hoạch khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại Huế thời gian tới, đồng thời lên kế hoạch khai trương khoảng hai trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị trong năm nay.
Năm ngoái dù phải không là thời điểm sức mua sôi động nhưng các nhà bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam vẫn không ngừng tăng tốc, mở mới.
Kết thúc năm 2023, Uniplo mở được 22 điểm bán, Muji có 8 cửa hàng, ngay chuỗi bán lẻ dược, mỹ phẩm Matsumoto Kiyoshi khai trương trong dịch COVID-19 cũng kịp có 8 điểm tính đến tháng 4-2024.
Khảo sát của JETRO thực hiện từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2023, cho biết hầu hết các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam đều cho "quy mô thị trường/tiềm năng tăng trưởng" là một lợi thế trong môi trường đầu tư của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Nhật kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2024 cao so với năm 2023, trong đó số doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi cải thiện là 50,4%.
JETRO thống kê năm 2023 có 56,7% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có phương hướng mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. Xét về mong muốn mở rộng, Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN sau Lào và đứng đầu trong 6 nước lớn của ASEAN.
Ông Nguyễn Anh Đức - chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam - cho biết năm 2023 chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ, diễn ra giữa các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa.
"Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang cho thấy họ ngày càng am hiểu địa phương hơn và có những chính sách linh hoạt về giá, dịch vụ.
Áp lực cạnh tranh này buộc các nhà bán lẻ nội địa phải đẩy nhanh quá trình số hóa và tăng tính liên kết", ông Nguyễn Anh Đức nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận