05/06/2019 06:00 GMT+7

Đại biểu Quốc hội 'để dành' chất vấn gì cho bộ trưởng giao thông, văn hóa?

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Nhiều vấn đề bức xúc trong hai lĩnh vực quản lý của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch được các đại biểu Quốc hội gửi gắm trong các câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Quốc hội để dành chất vấn gì cho bộ trưởng giao thông, văn hóa? - Ảnh 1.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) - Ảnh: B.D.

Hôm nay 5-6, ngồi "ghế nóng" chất vấn ở Quốc hội sẽ là tư lệnh hai ngành giao thông vận tải và văn hóa - thể thao và du lịch. Tuổi Trẻ Online hỏi xem các đại biểu "ấp ủ" chất vấn gì cho hai vị bộ trưởng này.

"Phân bổ vốn như hiện tại thì ĐBSCL mãi tụt hậu"

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho biết hiện nay câu chuyện đường sá, hạ tầng giao thông cho các tỉnh ĐBSCL đang là một điểm nghẽn, bóp nghẹt sự phát triển của vựa nông sản, trái cây, lương thực lớn nhất nước.

"Hiện Chính phủ đã dự kiến đưa vào kế hoạch xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ đi Cà Mau sau năm 2021 nhưng các dự án quy mô nhỏ hơn, mang tính bức thiết thì tới nay chưa có. Trong khi đó rất nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL đều kêu ca câu chuyện hạ tầng vừa thiếu lại vừa yếu", đại biểu Cà Mau chia sẻ.

Ông Giang lưu ý Cà Mau hiện là tỉnh duy nhất chưa có đường tránh qua thành phố. Trong khi tuyến đường từ Cần Thơ đi Cà Mau, ở kỳ họp trước Quốc hội đã nhắc đến, thống nhất bố trí khoản đầu tư gần 1.000 tỉ đồng phục vụ nâng cấp sửa chữa, nhưng tới nay vẫn giậm chân tại chỗ.

Đường thủy - tuyến giao thông quan trọng vận chuyển hàng hóa rất tấp nập của người dân miền Tây cũng chưa được đầu tư nạo vét, khơi thông mở rộng dẫn đến việc nông sản ùn ứ, chi phí phát sinh lớn.

"Điều này không chỉ gây thiệt thòi cho chuyện đi lại mà việc vận chuyển nông sản rất khó khăn, các tỉnh thành rất khó kêu gọi đầu tư vì đường sá kết nối quá yếu. Đây thực sự là một điểm nghẽn của các tỉnh ĐBSCL.

Các dự án giao thông mang tính liên vùng, liên tỉnh hiện nay chưa đạt yêu cầu, tất nhiên nguồn lực chúng ta còn yếu nhưng nếu cứ duy trì cách phân bổ đầu tư như hiện nay thì ĐBSCL sẽ mãi tụt hậu", ông Thái Trường Giang nói.

Để cải thiện tình hình, đại biểu Cà Mau cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần thay đổi hình thức bố trí, thay vì dàn trải như hiện nay thì tập trung cho từng địa phương bức thiết, hoàn thiện từng khúc, vừa phát huy được đồng vốn, vừa không đội chi phí và cũng giải quyết rốt ráo sự mong ước của người dân.

Cũng định trao đổi về "điểm nghẽn giao thông ĐBSCL" với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nêu bức xúc: "Trước đây trong giai đoạn khó khăn không đủ lương thực để ăn thì nhân dân ĐBSCL sẵn sàng ăn cơm độn cao lương, bo bo để dành một phần lúa gạo san sẻ cho cả nước, hôm nay cả nước san sẻ một phần kinh tế cho vùng này để khỏi tụt hậu thêm thì không phải điều gì quá đáng".

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu): Thời gian qua ở một số tỉnh miền Tây xảy ra nhiều vụ việc tài xế bức xúc với các dự án BOT. Khi hạ tầng còn yếu, thiếu, Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ và Chính phủ cần hết sức cân nhắc trước khi quyết định đầu tư các dự án BOT.

Đường sá cần nhưng việc đặt trạm, đầu tư phải hợp lý, tránh các dự án đầu tư theo hình thức kế thừa nâng cấp trên nền đường cũ. Phải đầu tư các dự án mới, tạo ra hạ tầng giao thông tốt để người dân có thêm lựa chọn.

Khi phát sinh những vụ việc như ở trạm thu phí BOT T2 ở An Giang, Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị có trách nhiệm phải lên tiếng dứt điểm để trả lời cho người dân, nếu thấy sai thì phải sửa.

Đại biểu Quốc hội để dành chất vấn gì cho bộ trưởng giao thông, văn hóa? - Ảnh 3.

Đại biểu Lâm Đình Thắng (TP.HCM) - Ảnh: B.D.

"Du lịch tâm linh núp bóng để trục lợi"

Với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Lâm Đình Thắng (TP.HCM) chia sẻ lo lắng trước những vụ việc ồn ào, lình xình xung quanh một số cơ sở thờ tự, chùa chiền thời gian qua.

"Hiện nay có một số khu du lịch tâm linh được khánh thành đưa vào sử dụng nhưng người dân nghi ngờ liệu có phải sở hữu của tổ chức tôn giáo hay đứng sau đó là các doanh nghiệp? Thực tế là có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng vấn đề tâm linh để kinh doanh, thu lợi nhuận, làm méo mó nhu cầu tâm linh của người dân.

Người tới đền, chùa như thế cứ nghĩ rằng mình ủng hộ, cúng công đức nhưng thực tế ai quản lý quỹ công đức? Tiền thu được  vào tay của ai?", đại biểu Thắng đặt câu hỏi.

Một vấn đề khác mà đại biểu TP.HCM trăn trở là công tác quản lý biểu diễn nghệ thuật với rất nhiều vụ việc ầm ĩ, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, làm lệch lạc nhận thức của giới trẻ. 

"Như vừa qua có vụ việc một cô người mẫu đi ra nước ngoài tạo hình ảnh phản cảm, hoạt động, thái độ, phát ngôn không đúng chuẩn mực văn hóa người Việt nhưng không bị xử lý gì. Bộ VH-TT&DL quản lý vấn đề này như thế nào?", ông Lâm Đình Thắng đặt vấn đề.

Quốc hội chất vấn: Đại biểu Quốc hội chất vấn: Đại biểu 'canh' bấm nút hỏi bộ trưởng nào?

TTO - Rất nhiều đại biểu Quốc hội nói rằng họ "nóng lòng, hồi hộp" chờ giành quyền bấm nút để chất vấn các thành viên Chính phủ trong chương trình chất vấn diễn ra từ ngày 4 đến 6-6.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên