Thông tin về việc ông Hồ Hữu Tài, giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè, TP.HCM), không biết chữ, không đọc được và chỉ học lớp 3 cách đây 50 năm được đại diện Bộ Công an công bố đã khiến dư luận xôn xao.
Nhiều người cho rằng đây là kẽ hở trong hoạt động đăng kiểm và cần được rà soát chặt chẽ, tránh những hệ lụy tiêu cực về sau.
Dịch vụ đăng kiểm công nhưng tư đang thực hiện
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho hay rất nhiều người khi đọc thông tin giám đốc trung tâm đăng kiểm 'mù chữ' đã cho rằng đây là sự cẩu thả, bất hợp lý trong công tác cán bộ.
Tuy nhiên thực tế, ông Vân nêu rõ hoạt động đăng kiểm là một loại dịch vụ công nhưng tư nhân lại đang được phép thực hiện.
Lý giải việc tại sao lại có chuyện một ông giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết đọc, không biết viết, ông Vân chỉ rõ lý do là hiện luật không quy định trình độ của chủ đầu tư đơn vị đăng kiểm, chỉ yêu cầu năng lực lãnh đạo phụ trách chuyên môn.
Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa có thể thấy là vì cơ chế quản lý trong hoạt động đăng kiểm chưa dứt mạch giữa một bên là cơ quan quản lý nhà nước với một bên là hoạt động kiểm soát dịch vụ công (mà dịch vụ công nay lại trao cho tư nhân thực hiện).
"Gần như ranh giới phân tuyến quản lý và kiểm soát trong lĩnh vực hoạt động giữa một bên là khu vực công còn một bên là khu vực tư nhân còn mập mờ.
Đặc biệt năng lực quản lý bằng pháp luật, bằng thực tiễn hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đăng kiểm còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Cho nên mới có hiện tượng móc ngoặc, cấu kết với nhau để "móc túi" người dân thông qua nhiều thủ tục", ông Vân nói.
Ông cũng khẳng định đó chính là cơ chế dẫn đến việc tư nhân tham gia hoạt động đăng kiểm có thể xây dựng cho mình "một vị giám đốc có lợi cho công ty, doanh nghiệp đó mà không nghĩ đến lợi cho Nhà nước, nhân dân".
Ông nói thêm, cần phải nhìn nhận những sai phạm trong hoạt động đăng kiểm trong thời gian qua cũng như việc phát hiện giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết đọc, không biết viết, học lớp 3 cách đây 50 năm là một bài học sâu sắc.
Trên cơ sở đó, cần đánh giá lại việc phân công sao cho hợp lý trong quản lý nhà nước về hoạt động đăng kiểm.
Ông đề nghị nên tách dịch vụ đăng kiểm ra khỏi mối liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể nghĩa là Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ nên kiểm soát hành vi, vấn đề tuân thủ pháp luật đối với các trung tâm, hoạt động đăng kiểm.
Vị ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề xuất cần kiểm soát vấn đề này bằng hai công cụ là 'còi và roi'.
"Còi là khi có dấu hiệu vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước tuýt còi, thu hồi giấy phép xử phạt, còn roi là vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự sẽ khởi tố, xét xử theo quy định pháp luật. Như vậy trật tự quản lý đăng kiểm mới được đảm bảo", ông Vân nói.
Bên cạnh đó, nam đại biểu cũng đề nghị thời gian tới nên xem xét gia hạn thời gian đăng kiểm với các loại xe mới vì những xe này đã được kiểm tra rất nghiêm ngặt trước khi xuất xưởng. Do đó, không cần phải đăng kiểm mới cho hoạt động...
Ai thông đồng, bao che đăng kiểm sai phải xử lý
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng việc cán bộ đăng kiểm tiếp tay cho chủ ô tô thực hiện hành vi sai trái là quá nguy hiểm cho lái xe và người tham gia giao thông.
Ngoài ra, việc này còn làm mất kỷ cương trong quản lý, điều hành và ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Ông đề nghị cơ quan chức năng cần phải rà soát tất cả các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc và nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm minh. Ngoài ra cũng cần xem có ai thông đồng, bao che cho các sai phạm này để xử lý nghiêm.
Trước đó, theo thông tin giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D là ông Hồ Hữu Tài được xác định mù chữ. Thực tế ông Tài được đưa vào làm giám đốc vì là chủ nợ của người lập trung tâm này.
Ông Tài cùng chín người khác tại trung tâm này đã bị khởi tố để điều tra về các hành vi "môi giới, đưa, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận