13/12/2024 14:52 GMT+7

Xét xử nhóm Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang về tội ‘nhận hối lộ’

Ngày 13-12, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức xét xử vụ án hình sự liên quan đến giám đốc và các đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang về tội 'nhận hối lộ'.

Xét xử nhóm Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang về tội ‘nhận hối lộ’ - Ảnh 1.

Bị cáo Đặng Phi Long được xem là chủ mưu trong vụ án nhận hối lộ của Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Các bị cáo đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Quốc Sử (giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang), Đặng Phi Long, Đặng Văn Công và Nguyễn Văn Lộc (đăng kiểm viên, nhân viên).

Cấp khống 24 giấy chứng nhận an toàn

Theo cáo trạng, từ năm 2020-2022, Nguyễn Quốc Sử, Đặng Phi Long vì mục đích vụ lợi đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, bàn bạc với Nguyễn Văn Lộc và Đặng Văn Công thực hiện hành vi nhận hối lộ của chủ xe cơ giới để kiểm tra, nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới cải tạo. 

Nhóm đăng kiểm Kiên Giang đã cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới cải tạo đối với 56 phương tiện có hồ sơ thiết kế và miễn thiết kế để nhận hối lộ với tổng số tiền trên 334 triệu đồng.

Cụ thể, về hành vi phạm tội trong nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới cải tạo đối với 24 phương tiện có hồ sơ thiết kế để nhận hối lộ 298 triệu đồng.

Giám đốc và các đăng kiểm viên ở Kiên Giang bị xét xử tội 'nhận hối lộ'

Từ năm 2020-2022, chủ phương tiện xe ô tô (xe tải và xe cẩu) có nhu cầu cải tạo xe (gắn thêm phanh phụ đối với xe tập lái, thay đổi kết cấu thùng hàng...) thì những người này thông qua người quen hoặc trực tiếp liên hệ với Đặng Phi Long là đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang để trao đổi cách thức cải tạo xe, hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới. 

Long đưa ra giá tiền thấp nhất từ 8 - 20 triệu đồng/bộ hồ sơ thiết kế. Sau khi hai bên thống nhất giá tiền và cách cải tạo xe, Long sẽ hướng dẫn cho chủ phương tiện tự đi cải tạo hoặc đến nơi Long chỉ dẫn để cải tạo xe.

Trước đó trong quá trình công tác, Long biết được Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật ô tô An Bình (Công ty An Bình) ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội do Lã Thu Chiền (giám đốc) và Đặng Minh Phong (phó giám đốc) có nhận làm hồ sơ thiết kế, cải tạo xe và chịu trách nhiệm gửi thiết kế đi thẩm định tại Cục Đăng kiểm Việt Nam để được cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế.

Long liên hệ Phong để làm hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công của Công ty An Bình nhằm hợp thức hóa hồ sơ đăng kiểm cho xe cải tạo. Long đề nghị chủ phương tiện gửi thông tin đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định lưu hành và hình ảnh xe. Sau đó, Long gửi thông tin đăng ký xe, hình ảnh xe cho Phong để làm hồ sơ cải tạo, với giá 5 triệu đồng/hồ sơ thiết kế.

Xét xử nhóm Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang về tội ‘nhận hối lộ’ - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Quốc Sử - nguyên giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang tại phiên tòa - Ảnh: BỬU ĐẤU

Sau khi được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo thì Long trao đổi, thỏa thuận với Đặng Văn Công (anh ruột của Long, chủ garage xe Phú Điền) và Nguyễn Văn Lộc, giám đốc Công ty TNHH Một thành viên sửa chữa ô tô Nguyễn Lộc làm và ký tên vào hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới để được hưởng lợi.

Long đã lập, ký vào biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo, rồi tiếp tục đưa cho đăng kiểm viên và Nguyễn Quốc Bảo (phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang) ký kiểm tra, nghiệm thu. 

Hồ sơ tiếp đó sẽ trình cho Nguyễn Quốc Sử ký giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo. Sau khi hoàn thành, Long giao toàn bộ hồ sơ cho chủ phương tiện để nộp hồ sơ đi đăng kiểm theo quy trình.

Đăng kiểm viên nhận hối lộ 199 triệu đồng

Xét xử nhóm Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang về tội ‘nhận hối lộ’ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - cựu phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm Kiên Giang - không thừa nhận được lính đưa hối lộ - Ảnh: BỬU ĐẤU

Với thủ đoạn như trên, Đặng Phi Long đã nhận hối lộ tiền của 24 chủ phương tiện làm hồ sơ thiết kế với tổng số tiền 298 triệu đồng. Long đã chuyển tiền vào tài khoản của bà Lã Thu Chiền (giám đốc Công ty An Bình) để thanh toán tiền 24 hồ sơ thiết kế 9 lần với tổng số tiền hơn 87 triệu đồng; Long chia cho Nguyễn Văn Lộc 12 triệu đồng, còn lại số tiền gần 199 triệu đồng Long sử dụng cá nhân.

Trong thời gian từ năm 2020-2022, Nguyễn Quốc Sử, giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang trao đổi với bà Võ Thị Trúc Lan, giám đốc Công ty ô tô Kiên Giang về việc làm hồ sơ cải tạo miễn thiết kế của 32 phương tiện xe tập lái của Công ty Trường Phát, với mức giá cải tạo 1.150.000 đồng/hồ sơ. Sau đó, Sử yêu cầu Long (đăng kiểm viên) liên hệ với nhân viên Công ty ô tô Kiên Giang làm 32 hồ sơ cải tạo xe tập lái để được nghiệm thu, chứng nhận cải tạo.

Sau khi làm hồ sơ xong, Long giao cho Lưu Thành Vũ hồ sơ cải tạo phương tiện gồm: Văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo, biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo do Công ty ô tô Nguyễn Lộc ký để tiếp tục đem đến Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang đưa nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, Vũ đã chuyển vào tài khoản của Đặng Phi Long nhiều lần với tổng số tiền 36,8 triệu đồng. Nhận tiền xong, Long đã chuyển khoản và đưa trực tiếp cho Nguyễn Quốc Sử nhiều lần với tổng số tiền 28,5 triệu đồng, đưa cho Nguyễn Văn Lộc 8 triệu đồng, còn lại Long hưởng lợi 300.000 đồng.

Dự kiến phiên tòa sẽ tuyên án nhóm cán bộ Trung tâm Đăng kiểm Kiên Giang vào ngày mai 14-12. Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục thông tin.

Xét xử nhóm Trung tâm đăng kiểm Kiên Giang về tội ‘nhận hối lộ’ - Ảnh 4.Cựu bí thư Lâm Đồng nhận hối lộ giúp sức cho đại gia Nguyễn Cao Trí như thế nào?

Cựu bí thư, cựu chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị cáo buộc nhận hối lộ, tạo điều kiện cho đại gia Nguyễn Cao Trí trong thương vụ thâu tóm siêu dự án Đại Ninh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên