Lực lượng Công an TP.HCM và các đơn vị liên quan khám xét Trung tâm Đăng kiểm 50-17D sáng 20-12-2022 - Ảnh: MINH HÒA
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, điều 24 nghị định 139/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có quy định, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị đăng kiểm và ký giấy chứng nhận kiểm định.
Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng được bổ nhiệm theo quy định.
Theo quy định trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ quản lý những lãnh đạo (giám đốc, các phó giám đốc) là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định.
Trường hợp lãnh đạo đơn vị không phải đăng kiểm viên, không chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và không ký giấy chứng nhận kiểm định, cục không có thẩm quyền và trách nhiệm quản lý.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định điều kiện về trình độ với chủ đầu tư đơn vị đăng kiểm. Tại nghị định 139, chỉ quy định điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực của đơn vị đăng kiểm.
Điều kiện về trình độ nhân lực ở đây chỉ áp dụng với các đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ và lãnh đạo chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại các trung tâm đăng kiểm.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, với chủ trương xã hội hóa lĩnh vực đăng kiểm, thực tế đang có nhiều trường hợp giám đốc trung tâm đăng kiểm tư nhân không phải đăng kiểm viên, không có chuyên môn nghiệp vụ về đăng kiểm, chỉ điều hành các hoạt động chung.
Người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận ở những trung tâm này là phó giám đốc, đủ điều kiện theo quy định tại điều 24 nghị định 139.
Trường hợp Trung tâm Đăng kiểm tư nhân 50-17D, ông Hồ Hữu Tài - giám đốc - chỉ đóng vai trò chủ doanh nghiệp, không phải đăng kiểm viên, không phải là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định tại trung tâm này.
Ông Tài cũng không có vai trò trong công tác kiểm định tại trung tâm.
Để đủ điều kiện hoạt động kiểm định, trung tâm này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định tại nghị định 139, cụ thể là có một dây chuyền loại II với 6 đăng kiểm viên gồm: Phạm Công Danh, Dương Minh Khánh, Phan Hữu Minh, Lê Tấn Thiện, Nguyễn Trung Tín và Trần Thanh Vinh.
Trong đó, ông Trần Thanh Vinh là phó giám đốc trung tâm đăng kiểm, là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định.
Ông Vinh tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí động lực, năm 2018 đã được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
Từng được đề nghị làm rõ
Hiện TP có 17 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (với 19 địa điểm tổ chức kiểm định xe cơ giới) đang hoạt động. Trong đó, 9 đơn vị do các thành phần kinh tế khác thành lập theo hình thức xã hội hóa. Về tổ chức, nhân sự do các đơn vị kinh tế thành lập, quản lý trực tiếp.
Theo tìm hiểu, tháng 8-2022, Sở Giao thông vận tải cũng đã có báo cáo về kết quả kiểm tra các đơn vị đăng kiểm hoạt động trên địa bàn, bao gồm các đơn vị thuộc sở, tư nhân và Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Thời điểm đó, hai trung tâm đăng kiểm do tư nhân thành lập gồm 50-12D và 50-19D có chức danh giám đốc nhưng không phải là đăng kiểm viên theo quy định nghị định 139/2018. Sở đã đề nghị các đơn vị trên khắc phục ngay nhằm đảm bảo phù hợp theo quy định.
Qua báo cáo của đoàn kiểm tra, các phó giám đốc tại các đơn vị đăng kiểm nêu trên được tuyển dụng đa số chỉ đảm nhận tham gia trực tiếp kiểm định (tại các chuyền) và thực hiện ký giấy chứng nhận kiểm định, còn nhiệm vụ trực tiếp quản lý, điều hành đơn vị đăng kiểm chưa rõ ràng.
Sở Giao thông vận tải TP đã có báo cáo và đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn, làm rõ thêm một số quy định tại nghị định 39/2018 như lãnh đạo đơn vị đăng kiểm có bắt buộc phải có chức danh giám đốc hay không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận