10/12/2018 18:04 GMT+7

'Đại biểu ngồi đây, bao nhiêu người biết sử dụng bao cao su?'

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU

TTO - Nhắc lại trào lưu nguy hiểm trong giới trẻ là "thử thách cá voi xanh", đại biểu trăn trở làm thế nào để sinh viên sống sót trong những trào lưu đó, bảo vệ bản thân trước những cám dỗ, tệ nạn xã hội.

Đại biểu ngồi đây, bao nhiêu người biết sử dụng bao cao su? - Ảnh 1.

Câu hỏi của đại biểu Thuận gây hứng thú tại phiên thảo luận: '"Đại biểu ngồi đây, có bao nhiêu người biết sử dụng bao cao su?" - Ảnh: HÀ THANH

Chiều 10-12, gần 700 đại biểu tập trung về 6 trung tâm thảo luận để đề đạt ý kiến, chia sẻ nguyện vọng với Hội Sinh viên Việt Nam xoay quanh các chủ đề: "Tư vấn hỗ trợ sinh viên"; "Vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên - Vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội"; "Sinh viên với học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học"; "Sinh viên tình nguyện vì cộng đồng"; "Hành trang hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam"; "Xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh".

Giúp sinh viên bảo vệ bản thân trước cám dỗ

Tại trung tâm thảo luận số 1 ở Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, hơn 100 đại biểu cùng thảo luận về nội dung tư vấn, hỗ trợ sinh viên. Đây là nội dung được đưa vào chương trình mới trong nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Một trong những ý kiến gây chú ý tại phiên thảo luận là vấn đề sinh viên làm thế nào để tránh tệ nạn xã hội, bảo vệ bản thân. Đại biểu Nguyễn Đức Thuận (ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) đặt câu hỏi: "Đại biểu ngồi đây, có bao nhiêu người biết sử dụng bao cao su?", chỉ có rất ít cánh tay giơ lên.

Theo đại biểu này, sinh viên, Hội Sinh viên hiện nay chỉ quan tâm đến việc cải thiện kỹ năng, công việc, khởi nghiệp, làm sao có một CV đẹp trước khi ra trường mà rất ít quan tâm đến việc bảo vệ bản thân trước cám dỗ, tệ nạn xã hội.

"Tôi mong muốn sinh viên, đặc biệt năm nhất, năm hai nhận thức rõ về tệ nạn xã hội, bảo vệ bản thân mình. Vai trò của cán bộ hội là tuyên truyền cho sinh viên biết bảo vệ bản thân trước tệ nạn xã hội, tạo ra sân chơi, cuộc thi tìm hiểu về tệ nạn xã hội", đại biểu Thuận phát biểu.

Đại biểu ngồi đây, bao nhiêu người biết sử dụng bao cao su? - Ảnh 2.

Phiên thảo luận số 1 về nội dung tư vấn, hỗ trợ sinh viên tại Trường ĐH Xây dựng - Ảnh: HÀ THANH

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Phan Thị Hồng Diễm (Đoàn khối các cơ quan doanh nghiệp trung ương) cho rằng việc tìm hiểu về bao cao su nói riêng và kiến thức giới tính nói chung, không chỉ nam giới mà nữ giới cũng cần biết.

Đại biểu này đề xuất hội nghiên cứu cách làm của các tổ chức khác ở Việt Nam hiện nay trong hỗ trợ bạn trẻ về kiến thức giới tính, bảo vệ sức khỏe sinh sản, để sinh viên trang bị kiến thức đầy đủ, "đơn giản là biết đeo bao cao su như thế nào để bảo vệ bản thân" hay giúp đỡ sinh viên tránh xa cám dỗ.

Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ nhu cầu học tập, việc làm của sinh viên, đại biểu Đặng Hoàng Song Phương đến từ Hội Sinh viên TP.HCM góp ý hội cần quan tâm tư vấn hỗ trợ tâm lý cho sinh viên.

"Mới đây có trào lưu nguy hiểm là 'thử thách cá voi xanh'. Làm thế nào để sinh viên 'sống sót' trong những trào lưu đó, cách giải quyết ra sao và hội có vai trò như thế nào?", đại biểu Phương đặt câu hỏi.

Đại biểu này chia sẻ một số cách làm mà Hội sinh viên TP.HCM đã triển khai là đề án hỗ trợ sinh viên, tổ chức các lớp tâm lý giải quyết thắc mắc, khó khăn cho sinh viên, thành lập đường dây nóng hỗ trợ sinh viên…

"Sinh viên 5 tốt", có chỗ đứng cho sinh viên cao đẳng không?

Tại trung tâm thảo luận số 3 ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều đại biểu trăn trở với nội dung "Sinh viên với học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học".

Đại biểu Cao Hoàng Minh, giảng viên Trường cao đẳng kinh tế đối ngoại TP.HCM, trăn trở rằng phong trào "Sinh viên 5 tốt" gần như chỉ dành cho sinh viên đại học và không có chỗ cho sinh viên cao đẳng. 

"Có thể nói sinh viên cao đẳng không có chỗ đứng trong các 'sân chơi'. Các bạn sinh viên đại học cũng học tập và sáng tạo, các bạn sinh viên cao đẳng cũng như vậy. Tuy nhiên, những tiêu chí "Sinh viên 5 tốt" để các sinh viên cao đẳng đạt được rất khó", đại biểu Minh nói.

"Các bạn chỉ học 3 năm cao đẳng, thời gian rất ngắn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế rất khó. Trường có hơn 10.000 sinh viên, mỗi năm chỉ có 1 đề tài nghiên cứu khoa học đã là sự nỗ lực rất lớn. Tôi đề xuất khi xây dựng bộ tiêu chí nên có sự quan tâm khối ngành cao đẳng, đặc biệt là cao đẳng và trung cấp nghề".

Đại biểu ngồi đây, bao nhiêu người biết sử dụng bao cao su? - Ảnh 3.

Đại biểu Điều Minh Châu phát biểu tại trung tâm thảo luận số 3 - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Một số đại biểu đề xuất việc nghiên cứu khoa học cần đặt tính ứng dụng lên trước sau đó mới đi vào nghiên cứu để có tính ứng dụng cao hơn.

"Gặp hỏi các doanh nghiệp xem có những bài toán nào cần giải quyết, sau đó tổ chức cuộc thi để các bạn sinh viên giải bài toán đó", một đại biểu đến từ TP.HCM đề xuất.

Đại biểu Điều Minh Châu (Trường ĐH Dược Hà Nội) chia sẻ: Việc nghiên cứu khoa học trong ngành dược rất khó khăn như cần phát triển loại thuốc mới, bài thuốc cổ truyền… nhưng sinh viên gặp khó trong kinh phí.

Đại biểu này đề xuất tạo ra quỹ dành cho các sinh viên nghiên cứu khoa học từ chính nhà trường. Bên cạnh đó, đại biểu Châu đề xuất Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức một kho dữ liệu, là "thư viện" để sinh viên nghiên cứu có thể tìm kiếm các nội dung cần thiết.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần X Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần X

TTO - Sáng 10-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu tại phiên trọng thể Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X tại Hà Nội. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng.

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên