Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) - Ảnh: Quochoi.vn
Hôm nay 13-6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, đa số ý kiến phát biểu trong buổi sáng khẳng định Việt Nam đã đạt được kỳ tích trong chống dịch COVID-19, được thế giới đánh giá cao.
Văn hóa tạo nên "điều kỳ diệu"
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) không ngại nhắc tới “điều kỳ diệu” trong việc chống dịch COVID-19, đặt ra vấn đề làm sao 10 năm tới ta có thể viết tiếp câu chuyện thần kỳ trong phát triển kinh tế.
Theo ông Hưng, văn hóa chính là một trong những nguồn lực chiến lược: "Trong dịch COVID-19 vừa qua, so với Nga, Mỹ và nhiều nước, trang thiết bị y tế của ta còn nhiều khó khăn nhưng ta đã chống dịch thành công, làm nên hình ảnh thương hiệu Việt Nam an toàn, thân thiện, nghĩa tình...
Điều này được tạo nên từ những nền tảng văn hóa suốt bao đời, từ tình cảm yêu thương và sức khỏe nhân dân trên hết. Từ lời kêu gọi hiệu triệu của Tổng bí thư, Thủ tướng..., những cụ già, em nhỏ đều chung tay chống dịch, đó là văn hóa tạo nên sự thành công trong chiến thắng dịch bệnh".
Do đó, đại biểu Hà Nội kiến nghị phát huy hơn nữa tinh thần văn hóa, thúc đẩy cho phát triển kinh tế văn xã (văn hóa, y tế, giáo dục), làm bệ đỡ cho nước ta thành nước công nghiệp phát triển vào 2045.
“Tôi đề nghị nghiên cứu kinh tế văn xã là trụ cột trong đầu tư những năm tiếp theo”, ông Ngyễn Quốc Hưng đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) phát biểu sáng 13-6 - Nguồn: THQH
Chưa tăng lương chỉ là giải pháp tình thế
Đề cập một trong những giải pháp để góp phần khôi phục đời sống kinh tế - xã hội sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19 - chưa tăng lương cho công chức, viên chức theo lộ trình, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đồng ý chưa tăng lương, nhưng cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế.
"Đây không thể là giải pháp căn cơ. Đa số người hưởng lương không hào hứng với giải pháp này, bởi trong điều kiện giá cả tăng cao thì việc chưa tăng lương là giảm giá trị của lương, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm cho tính dưỡng liêm bị giảm sút", bà Xuân nói.
Do đó, theo đại biểu Đắk Lắk, trong điều kiện hiện nay, giải pháp căn cơ nhất phải là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, chống thất thu, chống thất thoát trong mọi lĩnh vực.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng thời gian qua Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách tốt, kịp thời để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, cũng có vấn đề cần khắc phục, rút kinh nghiệm. Đó là trong một năm qua, thịt lợn mất cân đối cung cầu nên giá cả tăng cao. Các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực này cần chịu trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng bày tỏ lo ngại khi chỉ số giá tiêu dùng cơ bản bình quân tăng so với 2019, các nhóm hàng hóa tăng chủ yếu là lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi khiến nguồn cung giảm, đẩy giá lên cao, đến mức 100.000 đồng/kg giá heo hơi trở lên.
Đại biểu Yến nhấn mạnh Chính phủ cần có giải pháp tái đàn, kích cung, không cần nhập khẩu từ nước ngoài để tự chủ trong nước, kiểm soát giá thịt heo. Cũng như có chính sách hỗ trợ, kích cầu trong dân, doanh nghiệp chăn nuôi bởi hiện nay chưa có gói chính sách nào hỗ trợ tập trung tái đàn và kích cung.
Sau dịch, lại uống bia rượu rồi lái xe
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) thì trăn trở về tình trạng buông lỏng xử lý hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông.
"Luật phòng chống tác hại rượu bia có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Sau giãn cách xã hội chống dịch, người dân có tâm lý chủ quan, cần sớm hâm nóng, nhắc nhở thực hiện nghiêm Nghị định 100. Cần tiếp tục giáo dục, tuần tra và xử lý nghiêm, thiết lập chốt chặn gần quán nhậu, triển khai mạnh mẽ như những ngày đầu triển khai luật", đại biểu Dung nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận