20/02/2013 07:55 GMT+7

Đại biểu Hoàng Hữu Phước nói gì?

Q.THANH thực hiện
Q.THANH thực hiện

TT - "Tâm trạng lúc viết bài của tôi rất là bình thường, nêu lên những vấn đề còn mắc mứu từ trước đến giờ với giọng văn khôi hài, dí dỏm, châm chọc."

Đại biểu Quốc hội xúc phạm nhau: Luật chưa đề cậpKiểu tranh luận làm bạn đọc choáng váng!

sVhXW80N.jpgPhóng to
Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước trong buổi trả lời phỏng vấn chiều 19-2 - Ảnh: T.T.D.

Đại biểu Quốc hội HOÀNG HỮU PHƯỚC nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ chiều tối 19-2, xung quanh bài viết của ông về đại biểu Dương Trung Quốc.

* Thưa ông, qua bài viết của ông về đại biểu Dương Trung Quốc, nhiều người có cảm nhận hình như cá nhân ông có vấn đề gì đó với đại biểu Quốc?

- Thật ra những vấn đề có sự tích lũy từ rất nhiều, ví dụ như việc liên quan đến các tranh luận về biểu tình từ năm 2011. Những thù ghét, bới móc cá nhân thì không. Còn sự không hài lòng về quan điểm, chính kiến, về từng vấn đề thì có.

* Nhưng vì sao trong bài viết ông lại dùng những ngôn từ rất xa lạ với sinh hoạt của nghị trường?

- Nếu tranh luận về từ ngữ thì những chữ như hồ đồ, xằng bậy... hoàn toàn không có ý nghĩa gì tục tĩu, nhưng những chữ đấy là nặng, xúc phạm đến một đồng nghiệp là đúng. Còn tâm trạng lúc đấy (khi viết bài) của tôi rất là bình thường, nêu lên những vấn đề còn mắc mứu từ trước đến giờ với giọng văn khôi hài, dí dỏm, châm chọc.

* Tại sao ông xưng mình là nhiều loại “nhà” như nhà VN cộng hòa học, nhà đủ thứ học...?

Sẽ góp ý trực tiếp với đại biểu Hoàng Hữu Phước

Đây là thông tin được ông Dương Quan Hà - chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM - trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 19-2. Ông Hà cho rằng không chỉ đại biểu Phước mà tất cả các đại biểu Quốc hội khác được MTTQ giới thiệu ra ứng cử, khi có vấn đề liên quan đến cá nhân đại biểu thì MTTQ sẽ có ý kiến góp ý cho đại biểu hoặc kiến nghị đến các cơ quan chức năng nếu thấy cần thiết. Trong sự việc của đại biểu Hoàng Hữu Phước, đến nay MTTQ VN TP.HCM chưa có ý kiến gì nhưng sắp tới sẽ gặp trực tiếp để góp ý cho đại biểu Phước về nội dung mà đại biểu viết về đại biểu Dương Trung Quốc.

Về việc kiến nghị Quốc hội xem xét lại tư cách đại biểu của ông Hoàng Hữu Phước như ý kiến của một số cử tri, ông Dương Quan Hà nói MTTQ TP.HCM chưa nghĩ tới điều này.

VIỄN SỰ ghi

- Tất cả những thứ đó là giọng văn của một người đang viết thể châm biếm, chứ không phải là gì cả. Làm gì có mấy cái nhà này. Đây là cách để châm biếm tại sao có danh xưng nhà sử học. Tuy nhiên, như tôi đã nói vấn đề là sự thể hiện không đúng.

* Ông xem việc viết bài trên blog như thùng nước đá để ở ngoài đường, ai muốn xem thì xem, không lường trước những vấn đề phát sinh... Ông có nghĩ nói như vậy là không xứng tầm của một đại biểu Quốc hội? Liệu cử tri có chấp nhận?

- Tùy vào cách đặt vấn đề, cử tri có quyền mong người đại biểu mình là người tuyệt vời, trên cả lý tưởng. Một người gây ra một sự việc, người đó nhìn nhận sự việc như thế nào, có phục thiện hay không, chứ không phải đại biểu là một người sẽ không bao giờ phạm bất kỳ một lỗi nào. Luật pháp được đặt ra là để điều chỉnh hành vi nếu như nó quá đà, còn nếu nói đại biểu Quốc hội là những người cực kỳ lý tưởng thì cũng chẳng cần quy định sinh hoạt Quốc hội thế nào cả.

Cử tri hiểu biết, có tâm Phật... thì một ông như Hoàng Hữu Phước hồi nào tới giờ chưa phạm phải cái gì, viết bài nói nặng Dương Trung Quốc quá mà bây giờ vẫn cố rống họng mắng tiếp ông Quốc nữa thì không thể tha thứ được. Nhưng ông Phước đã thành khẩn nhận lỗi thì thôi cho qua. Tôi tin đấy là đa số cử tri. Còn những cử tri nói không được, không chấp nhận được... thì họ có quyền của họ. Họ có quyền phát biểu như vậy và hoàn toàn đúng khi nói như vậy.

* Ông có thể cho biết tới đây ông sẽ hành động ra sao để tỏ rõ sự phục thiện?

- Cái phục thiện cụ thể trước tiên anh phải biết đấy là cái lỗi của anh, biết cái sai, cái tội. Sai thì phải sửa sai, lỗi thì khắc phục, tội thì phải đền. Nếu xử lý tội, chẳng hạn như bãi miễn, thì cung cách phục thiện của anh là đừng có giơ nắm đấm lên thách đố các vị bãi miễn tôi, rồi nói tôi có lỗi gì đâu, đặt vấn đề luật có chưa... Phục thiện phải bằng nhiều cách, có khi diễn ra suốt phần đời còn lại, chứ không phải là xử lý sự cố. Riêng việc xin lỗi đại biểu Dương Trung Quốc, tôi sẽ viết một lá thư trong 1-2 ngày tới và gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhờ chuyển đến ông Quốc.

Trước hết là chuyện giữa hai cá nhân

Ngày 19-2, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho biết: “Tôi biết có chuyện đó trên mạng Internet, là một đại biểu Quốc hội thì tôi cũng quan tâm, nhưng Ban Công tác đại biểu chúng tôi làm việc căn cứ trên những quy định của pháp luật. Tôi cho rằng đây trước hết là sự việc giữa hai đại biểu với nhau, cụ thể là chuyện một đại biểu nhận xét về một đại biểu khác. Đến nay chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một ý kiến hay báo cáo nào đề nghị về vấn đề này, nên trước mắt chúng tôi chỉ theo dõi sự việc mà không đưa ra quan điểm của mình. Chúng tôi cũng được biết trên diễn đàn thì có ý kiến nói rằng cần xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu, nhưng chúng tôi nghĩ rằng sự việc chưa đến mức như vậy, về mặt văn hóa ứng xử thì cứ để cho dư luận, cử tri nhận xét thì sẽ khách quan hơn”.

* Ông đánh giá như thế nào về mức độ tín nhiệm của cử tri đối với ông qua lần sai lầm này?

- Tôi đã nói nhiều lần, nói đến cử tri thì cần nói đến nhóm cử tri nào và kỳ vọng tôi ở lĩnh vực nào. Còn chỉ vì ngôn từ mà mất tín nhiệm thì không phải. Nếu cử tri là những người hiểu biết thì người ta sẽ nhìn nhận vấn đề khác và sự trách móc sẽ nặng nề nhưng cái nhìn sẽ khác. Tôi không bao giờ nói đây là chuyện nhỏ.

Tôi nghĩ sự sụt giảm tín nhiệm đối với tôi là đương nhiên, dù cho sụt giảm một phiếu cũng là sụt giảm. Còn uy tín của tôi đối với cử tri, trên bình diện chung, chắc có sự sút giảm và dù giảm 1% cũng là giảm. Chứ không có chuyện mình phát biểu như thế thì tăng uy tín, sẽ không bao giờ có.

* Khi ông ra ứng cử, một trong những lời hứa của ông là giữ gìn tư cách đại biểu Quốc hội, danh dự Quốc hội... Qua việc viết bài vừa qua dẫn đến sai lầm, có phải ông đã không thực hiện lời hứa?

- Tôi không theo khuynh hướng cực đoan. Tôi xử sự với mọi người bao giờ cũng cho họ cơ hội để phục thiện. Đối với tôi là phải tuân thủ luật pháp quốc gia, nếu phạm pháp thì chấp nhận hình phạt, chứ không phải là anh không bao giờ vi phạm các quy định. Vấn đề là khi vi phạm quy định thì anh hãy khoanh tay, chấp nhận hình thức xử lý. Cái đấy mới là đúng. Còn nếu nói không được làm sai là tuyệt đối hóa, lý tưởng hóa trong khi đời sống thì rất khó có được những con người như vậy.

* Có bao giờ ông nghĩ rằng mình không còn xứng đáng đại diện cho cử tri nữa?

- Không bao giờ. Đối với tôi rất rạch ròi và thích hợp với những cử tri rạch ròi. Uy tín là dựa trên cái làm đúng và khi làm sai thì biết cái sai rồi sửa. Đã là người Việt thì không bao giờ không tha thứ cho người biết phục thiện.

* Ông có xem blog cá nhân là nơi bày tỏ tất cả những gì không thể nói ở bất kỳ đâu?

- Những gì anh viết ra, anh giấu trong ngăn kéo thì không sao. Nhưng nếu anh in ấn, mở bung trên blog cho thiên hạ xem thì hãy nhớ một điều là nó có những quy luật của nó.

---------------------------------------

Ý kiến cử tri:

Đề nghị Quốc hội xem xét tư cách đại biểu

* Cử tri PHẠM ĐÌNH TOÀN (nguyên phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, 89M Tôn Thất Tuyết, Q.4, TP.HCM):

- Cử tri chúng tôi rất buồn trước những lời lẽ mà đại biểu Hoàng Hữu Phước nói về đại biểu Dương Trung Quốc. Đó là sự xúc phạm chứ không phải trao đổi. Thay vì đưa ra diễn đàn Quốc hội, đại biểu Phước lại chọn (hay đúng hơn là lợi dụng) Internet đưa quan điểm. Đây là hành vi mà một công dân bình thường cũng không nên làm, huống chi lại là đại biểu Quốc hội.

Cách đây chưa lâu khi đại biểu Hoàng Hữu Phước phát biểu trước Quốc hội về việc chưa nên có luật biểu tình vì dân trí thấp, cử tri Q.4 đã chất vấn lại đại biểu tại kỳ tiếp xúc cử tri, cho rằng đại biểu Phước đã đánh giá quá thấp trình độ của cử tri. Tiếc là câu trả lời của đại biểu Phước cũng không làm cử tri chấp nhận khi đưa ví dụ rằng nhiều người dân cũng như mẹ đại biểu này, không đủ trình độ, không đủ hiểu biết để thực hiện quyền biểu tình. Cử tri chúng tôi cho rằng cách nói ấy vừa không đúng vừa không giữ được đạo hiếu.

Không chỉ trong vai trò một đại biểu, cách thể hiện tư cách như vậy của ông Hoàng Hữu Phước thể hiện sự thiếu chững chạc của một công dân. Tôi đề nghị Quốc hội nên có ý kiến trước cử tri cả nước về thái độ ứng xử của một đại biểu Quốc hội như vậy liệu có đúng mực. Và phải xem xét tư cách đại biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước.

* Cử tri NGUYỄN VĂN BÌNH (Q.1):

Ông Hoàng Hữu Phước là đại biểu đại diện cho người dân TP lớn nhất cả nước, kinh tế cũng dẫn đầu cả nước. Nhưng cách phát biểu xúc phạm một đại biểu Quốc hội khác như bài viết trên blog, một nghĩa nào đó đã làm xấu đi hình ảnh của TP mà ông đang là đại diện cho người dân trước Quốc hội.

Đại biểu Dương Trung Quốc khi phát biểu bốn vấn đề mà ông Phước nêu có thể đúng, có thể còn thiếu sót, nhưng đó là phát biểu công khai trước Quốc hội, có văn hóa và trên tinh thần đóng góp cho đất nước. Còn đại biểu Hoàng Hữu Phước lại dùng blog để đả phá đại biểu Dương Trung Quốc. Là một người từng công tác trong ngành sư phạm, hơn ai hết đại biểu Phước phải hiểu cách cư xử cho trọn vẹn lễ nghĩa.

Trong chương trình hành động của mình sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hoàng Hữu Phước hứa “sẽ luôn giữ gìn danh dự quốc gia, danh dự Quốc hội và tư cách đại biểu...”. Nhưng với cách thể hiện như vừa qua, đại biểu Phước đã không thể hiện được điều này, không giữ được lời hứa với những cử tri TP.

* Cử tri LÊ PHÚC YÊN (Q.3):

Luật tổ chức Quốc hội quy định đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân (điều 43) và phải là người gương mẫu trong chấp hành pháp luật, tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng (điều 46).

Nhưng việc đại biểu Hoàng Hữu Phước trước đây cho rằng dân trí người VN còn thấp, và nay xúc phạm cá nhân và gia đình đồng nghiệp của mình trên Internet là không tuân thủ hai điều luật này. Tôi nghĩ rằng ông Phước đã không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của người dân, đề nghị Quốc hội xem xét bãi miễn tư cách đại biểu của ông theo điều 56 của Luật tổ chức Quốc hội.

Nếu Quốc hội cho rằng hành vi của đại biểu Hoàng Hữu Phước chưa có tiền lệ, chưa có quy định thì thiết nghĩ đây là tiền lệ để Quốc hội xem xét sửa đổi lại quy định bãi miễn tư cách đại biểu.

THẠCH HÀ ghi

Q.THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên