Trên blog của ông Hoàng Hữu Phước, đại biểu Quốc hội, có đăng bài “Dương Trung Quốc và bốn điều sai năm cũ (tứ đại ngu)”. Bài viết có những lời lẽ xúc phạm nặng nề ông Dương Trung Quốc, cũng là đại biểu Quốc hội. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến người trong cuộc, những người có trách nhiệm về vấn đề này.
Phóng to |
Đại biểu HOÀNG HỮU PHƯỚC:
Đã gỡ bỏ bài viết
Trong bài viết trên, ông Hoàng Hữu Phước đã công kích, thậm chí có lời lẽ thóa mạ tới ông Dương Trung Quốc. Cuối bài viết được ký tên: “Nhất Thạc Bàn Cờ, Lăng Tần Hoàng Hữu Phước, Nhà VN Cộng Hòa Học, Nhà Biểu Tình Pờ-rô-tét Đì-mông-sờ-tra-sân Học, Nhà Đa Đảng Học, Nhà Lưỡng Đảng Học, Nhà Độc Đảng Học, Nhà Tiếng Anh Học, Nhà Thánh Kinh Học, Nhà Đủ Thứ Học Học”.
Mục đích của bài viết được người viết đề cập: “Lăng Tần tôi đây theo sách thánh nhân xin góp một đường chổi quét, vừa thử nêu bật phân tích Dương Trung Quốc như một tấm gương cho giới trẻ xem qua điều dở, nghiệm lấy điều ghê, vừa thử xem đối tượng được phân tích này có nhờ vậy học được đôi điều để cải hóa mà bớt xấu đi chăng”.
Bài viết khá dài, bình luận những nội dung ông Dương Trung Quốc phát biểu tại Quốc hội, với lối hành văn và sử dụng ngôn ngữ rất nặng nề, như: “Trong bối cảnh tình hình phức tạp ở biển Đông và đất nước còn bao nỗi lo toan khác thì những phát biểu về “đĩ-biểu tình-đa đảng-văn hóa từ chức” của “nhà sử học” Dương Trung Quốc tại nghị trường lại càng trở thành một mớ hỗn độn và hỗn loạn. Lẽ ra Dương Trung Quốc nên ngậm miệng lại để các đại biểu khác có thời gian hiến kế làm đất nước hùng cường, quân đội hùng mạnh, dân tộc hùng anh, quốc gia thái bình thịnh vượng, dân chúng lạc nghiệp an cư, mới đúng là “quốc thái dân an” đẳng cấp thánh nhân chứ không phải “an dân” kiểu hàm hồ của Dương Trung Quốc”.
* Sau nhiều ngày liên hệ, mãi đến chiều 18-2 chúng tôi mới gặp được đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước. Sau vài lời chào hỏi, ông này nói lời xin lỗi vì không thể dành thời gian trao đổi với Tuổi Trẻ như lịch đã hẹn. Lý do được nêu ra là trùng lịch làm việc một cơ quan ngoại giao nước ngoài nên không thể chậm trễ, đồng thời hẹn sẽ gặp Tuổi Trẻ vào thời gian khác.
Tuy nhiên, ông Phước có xác nhận “đã gỡ bỏ bài viết khỏi blog của mình vào ngày hôm qua, tức 17-2”.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, sáng 18-2 ông Hoàng Hữu Phước đã đến trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để họp khẩn ngay trong buổi làm việc đầu tiên sau thời gian nghỉ tết với tập thể thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Tất cả nội dung của cuộc họp đều liên quan đến bài viết “bốn điều sai năm cũ (tứ đại ngu)”.
Tất cả ý kiến trong cuộc làm việc đều không đồng tình cách làm, cách ứng xử của đại biểu Phước qua bài viết nói trên, đồng thời đề nghị đại biểu này có cách xử lý, khắc phục những hậu quả đã phát sinh.
Tại cuộc làm việc, ông Hoàng Hữu Phước đã trao đổi lại, kể cả giải thích một vài lý do xuất phát từ đâu mà ông viết những nội dung như vậy. Đồng thời có thông tin cho biết đại biểu Phước nói sẽ có lời xin lỗi về những gì mình đã viết về đại biểu Dương Trung Quốc qua bài viết vừa nêu. Tuy nhiên đến chiều 18-2, ông Phước vẫn chưa liên lạc để xin lỗi ông Quốc.
Ông Hoàng Hữu Phước (sinh năm 1957) được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đơn vị bầu cử số 1: quận 1, 3, 4. Ông đã trúng cử trong kỳ bầu cử này.
Một trong hai cam kết thực hiện chương trình hành động sau khi trúng cử của ông Phước là “luôn giữ gìn danh dự quốc gia, danh dự Quốc hội và tư cách người đại biểu Quốc hội; trau dồi tu dưỡng để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nêu tại điều 3, chương I, Luật bầu cử Quốc hội; tận tụy phục vụ cử tri và nhân dân”.
Phóng to
Đại biểu DƯƠNG TRUNG QUỐC:
“Tôi thấy cũng bình thường thôi”
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại chiều 18-2, đại biểu DƯƠNG TRUNG QUỐC nói:
- Việc gỡ bỏ khỏi blog cá nhân (của đại biểu Hoàng Hữu Phước) toàn bộ nội dung bài viết “bốn điều sai năm cũ (tứ đại ngu)” cũng bình thường thôi. Anh ấy đưa lên hay gỡ bỏ là quyền của anh ấy, việc ứng xử, hành xử của anh ấy thôi. Hơn nữa sự việc đã xảy ra rồi, nếu anh ấy thấy rút đi là phải thì tôi cũng thấy bình thường.
* Thưa ông, ông có cho rằng việc gỡ bỏ nội dung bài viết nhằm vào ông với những ngôn từ nặng nề là một sự nhìn nhận sai lầm của người viết?
- Lẽ ra câu hỏi này phải hỏi anh Phước. Còn tôi thì quan điểm trước sau như một. Những vấn đề mà anh ấy nêu lên, nếu đưa ra đúng diễn đàn để trao đổi một cách đàng hoàng thì hay hơn. Còn đưa ra như thế (chuyển tải trên mạng, blog cá nhân) thì hiệu ứng thế nào, anh Phước sẽ là người hiểu hơn tôi. Đương nhiên trong lòng chả ai thích thú gì chuyện này cả. Tôi cũng hơi buồn một chút là Quốc hội đang trên tiến trình phát triển, nhân dân tin cậy, trong khi bây giờ xảy ra chuyện như vậy thì nhân dân sẽ nghĩ thế nào về Quốc hội?
Với cá nhân tôi là không có chuyện thắng thua gì ở đây cả.
* Ông có thấy những ngôn từ dùng trong bài viết xúc phạm đến cá nhân của một đại biểu Quốc hội như ông không?
- Tôi thấy không cần thiết nói vào lúc này, lúc mà mọi cái cần để nó qua đi. Mỗi người rút ra một bài học để làm tốt hơn trong quan hệ. Nghị trường là nơi vừa bảo đảm cho đại biểu thể hiện thẳng thắn quan điểm của mình, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đều đang phấn đấu cho những giá trị dân chủ và giá trị quan trọng nhất là biết tôn trọng ý kiến của nhau, kể cả ý kiến khác biệt. Còn việc đấu tranh để bảo vệ quan điểm của mình hay làm quan điểm của mình được mọi người công nhận thì đấy là một nỗ lực, một nghệ thuật của chính bản thân mỗi đại biểu.
* Từ hôm xảy ra sự việc đến nay, đến lúc bài viết được gỡ khỏi blog, đại biểu Hoàng Hữu Phước có gọi điện thoại, email hay gặp gỡ để trao đổi điều gì với ông không?
- Tôi chưa nhận được thông tin gì cả ngoài thông tin Văn phòng Quốc hội rất lưu ý việc này, đang tìm hiểu. Còn quan điểm của tôi đã phát biểu rất rõ ràng rồi và tôi thấy chỉ cần như thế là đủ.
* Ông nghĩ sao nếu có lời xin lỗi từ đại biểu Hoàng Hữu Phước?
- Nếu thấy đã làm một việc cần thiết phải xin lỗi và xin lỗi thì tôi cho là điều tốt. Đấy là một cách ứng xử tốt.
QUỐC THANHthực hiện
* Ông LÊ NHƯ TIẾN (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): Quốc hội nên có ý kiến về đề nghị bãi nhiệm đại biểu Hoàng Hữu Phước Tôi cho rằng việc các đại biểu Quốc hội tranh luận, trao đổi với nhau là chuyện bình thường, sẽ làm tăng sức hấp dẫn và tính dân chủ trong sinh hoạt nghị trường. Tuy nhiên, việc dùng blog cá nhân để đánh giá, nhận xét đại biểu khác bằng những lời lẽ thóa mạ, thiếu tôn trọng như dùng từ “ngu”, “ngậm miệng lại”... thì không thể chấp nhận được. Đây là việc chưa có tiền lệ trong sinh hoạt nghị trường ở VN. Là người theo dõi lĩnh vực văn hóa, tôi cho rằng sẽ có nhiều người không đồng tình với cách làm của đại biểu Hoàng Hữu Phước. Cách làm này không thể chấp nhận đối với một người bình thường chứ chưa nói anh Phước là một đại biểu Quốc hội. Tôi có đọc trên các diễn đàn mạng thì có những ý kiến đề nghị bãi nhiệm đại biểu Hoàng Hữu Phước. Tôi nghĩ các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội nên có ý kiến về vấn đề này. LÊ KIÊNghi * Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM): Hành vi vi phạm pháp luật dân sự Theo quy định tại điều 1 của quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành kèm theo nghị quyết số 08/2002/QH11 của Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ hai thì đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Chính vì vậy đại biểu Quốc hội phải cẩn trọng hơn trong hành vi, ngôn ngữ của mình. Điều này càng được khẳng định hơn tại điều 3 của quy chế là đại biểu Quốc hội phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có nhiệm vụ tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên nhân dân và người thân trong gia đình chấp hành pháp luật, tham gia quản lý nhà nước. Nếu đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật, không tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng cũng tức là xúc phạm danh dự, uy tín của nhân dân, của Nhà nước. Việc đại biểu Quốc hội xúc phạm một đại biểu Quốc hội khác trên một trang cá nhân và để chế độ công cộng cho mọi người cùng xem, theo tôi, là hành vi vi phạm pháp luật dân sự mà cụ thể là vi phạm vào điều 37 của Bộ luật dân sự 2005 về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Theo đó, mỗi cá nhân đều có nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của các cá nhân khác và pháp luật sẽ bảo vệ quyền này. Một công dân nói xấu một công dân khác tại nơi công cộng thì đó chỉ là sự vi phạm pháp luật dân sự, nhưng nếu là một đại biểu Quốc hội nói xấu một đại biểu Quốc hội khác thì rõ ràng bên cạnh việc vi phạm pháp luật, quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, vị đại biểu đó còn xúc phạm đến một hình tượng đại diện cho nhân dân khác, cũng như làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Quốc hội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận