Ngư dân Quảng Bình cần sinh kế lâu dài sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra |
Đó là vấn đề sinh kế lâu dài và dân sinh cho người dân vùng ven biển, môi trường ô nhiễm chất độc, các chính sách bồi thường cần được xem xét thêm...
Đại biểu Phạm Văn Mạc phát biểu: “Trung ương và tỉnh cần có chính sách lâu dài cho người dân vùng biển vì bao đời nay họ sống gắn liền với biển, không có nhiều việc khác để làm thêm. Quan trọng nhất bây giờ là vấn đề biển sạch như thế nào để người dân làm ăn trở lại chứ không chỉ là chuyện tiền bồi thường. Dân chúng lo ngại nhất là liệu có một sự cố Formosa nữa xảy ra hay không nếu chúng ta quản lý xả thải của Formosa không tốt?”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hùng nói: “Cần dành lại một phần tiền đền bù từ Formosa để theo dõi, giám sát việc ô nhiễm môi trường và an toàn nước biển, sông hồ, khám chữa bệnh cho dân vùng biển. Người dân nhận tiền đền bù rồi, nhưng không bảo đảm được vấn đề sinh kế lâu dài bằng việc làm ổn định”.
Theo đại biểu Phan Thanh Sơn, một số đối tượng khác bị thiệt hại do sự cố cũng cần phải xem xét lại để họ được đền bù.
Ví dụ như người nuôi trồng thủy sản có thủy sản bị chết trước thời điểm phát hiện cá chết một thời gian ngắn thì sao. Khi đó và đến bây giờ vẫn chưa ai khẳng định được là thủy sản nuôi của họ có phải chết vì chất độc của Formosa hay do bệnh thông thường để loại họ ra khỏi các nhóm được bồi thường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình kết luận: "Sự cố môi trường biển do Formosa gây ra làm thiệt hại nặng nề cho tỉnh. Đại biểu quan tâm về vấn đề này là đúng, vì nó ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người dân và môi trường".
Theo bà Hương, những điều đại biểu quan tâm sẽ được HĐND và UBND tỉnh xem xét thấu đáo. Cái nào đề nghị lên trung ương sẽ đề nghị, cái nào tỉnh giải quyết được sẽ giải quyết, như chính sách giãn nợ, khoanh nợ, hỗ trợ và giải quyết hải sản tồn đọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận