21/05/2024 09:36 GMT+7

Đại biểu đề xuất điểm thắng cảnh là trạm dừng nghỉ, Thường vụ Quốc hội nói không hợp lý

Điểm thắng cảnh không thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ, không trực tiếp phục vụ hoạt động giao thông đường bộ, nên quy định thành trạm dừng nghỉ là không hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo - Ảnh: GIA HÂN

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 21-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Tới cho hay dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Chính phủ trình trước đây.

Dự luật đã chỉnh sửa nội dung 82 điều, bỏ 7 điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới và sắp xếp lại vị trí 3 điều.

Ngoài những nội dung chung, theo ông Tới, có ý kiến đề nghị quy định về trạm dừng nghỉ dưới hai hình thức: điểm thắng cảnh; điểm dừng đỗ xe, đổ xăng, nghỉ ngơi.

Theo đại biểu, hiện nay nhiều nơi có cảnh đẹp, tuy nhiên đường cao tốc đi qua sẽ không dừng lại được, nếu quy định điểm danh lam thắng cảnh, khi đi trên đường cao tốc qua các điểm danh lam thắng cảnh đó có thể rẽ vào vừa nghỉ, vừa ngắm cảnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trạm dừng nghỉ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng dọc theo các tuyến đường bộ để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và xe.

Điểm thắng cảnh không thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ, không trực tiếp phục vụ hoạt động giao thông đường bộ nên quy định trong dự thảo luật này là không phù hợp. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật Chính phủ trình.

Về hoạt động vận tải, ông Tới cho biết nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo luật về hoạt động vận tải, nhất là quy định về kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, làm rõ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, đề nghị xác định việc cung cấp dịch vụ phần mềm kết nối là dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý các quy định theo hướng rà soát, bảo đảm thống nhất với quy định của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong đó, chỉ tập trung quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải đường bộ.

Đối với các ý kiến về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng ô tô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tại điều 71 dự thảo luật đã quy định ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng ô tô là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, không phải hoạt động kinh doanh vận tải.

Mặt khác, dự thảo luật cũng đã quy định cụ thể về dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng ô tô. Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối và có tham gia một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi mới xác định là kinh doanh vận tải.

"Quy định này là phù hợp với pháp luật về đầu tư. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này và chỉnh sửa để làm rõ hơn về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô tại dự thảo luật", ông Tới nói.

Thanh tra đường bộ không được dừng xe để xử lý

Quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho hay một số ý kiến đề nghị quy định lực lượng thanh tra đường bộ được dừng xe để xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật quy định theo hướng thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông "tĩnh", qua cơ sở dữ liệu.

Việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật Chính phủ trình.

Việc này nhằm bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ.

Thứ trưởng Bộ Công an: Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị việc tách Luật giao thông đường bộThứ trưởng Bộ Công an: Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị việc tách Luật giao thông đường bộ

TTO - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết ngày 16-4, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về việc tách Luật giao thông đường bộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên