06/01/2023 11:20 GMT+7

Đặc sản của xứ 'đất võ, trời văn' Bình Định

Bình Định, nơi được mệnh danh là “đất võ, trời văn” đã chọn du lịch là trụ cột thứ hai trong năm trụ cột phát triển đến năm 2030. Bằng những “đặc sản” không nơi nào có được, Bình Định đang hấp dẫn du khách khắp nơi.

Đặc sản của xứ “đất võ, trời văn” - Ảnh 1.

Hát bội Bình Định - Ảnh: ĐÀO PHAN MINH CẦN

Một tối cuối năm 2022, trong tiết trời se lạnh ngọt ngào mùa đông xứ Nẫu, đông đảo du khách hào hứng đến quảng trường Nguyễn Tất Thành ở trung tâm TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) để thưởng thức các hoạt động văn hóa, võ thuật và các show khám phá khoa học.

Bình Định say lòng du khách 

Trong khi người chồng và cậu con trai mê mẩn với màn so tài của các võ sĩ trên sàn đấu "Đêm võ đài xứ Nẫu" thì chị Nguyễn Thị Bích Vân, du khách đến từ TP.HCM, cùng cô con gái hào hứng với trò chơi đánh bài chòi được tổ chức ở khu vực quảng trường. 

"Thật thú vị khi đến với Quy Nhơn, Bình Định và tham gia vào những hoạt động đậm nét văn hóa như thế này. Con gái tôi học lớp 11, ở TP lâu nay đâu biết trò chơi đánh bài chòi, nên cháu mê mẩn, chơi liền mấy ván mà chưa muốn về. Còn đứa con trai 12 tuổi thì nằng nặc đòi sáng sớm mai đưa ra quảng trường này để được các võ sư hướng dẫn miễn phí những đòn, thế căn bản của võ cổ truyền", chị Vân bộc bạch.

Nhiều du khách trẻ đến từ các tỉnh phía Bắc lại bị thu hút bởi các trò chơi trải nghiệm khoa học vui, chờ đến lượt ghé mắt vào kính viễn vọng được các nhân viên của Trung tâm Khám phá khoa học Bình Định đưa đến đây phục vụ du khách. 

"Chúng tôi đã có cuộc tham quan, trải nghiệm đầy ngạc nhiên và thú vị ở Trung tâm Khám phá khoa học tại thung lũng Quy Hòa vào buổi sáng rồi, nhưng buổi tối đến đây lại bị cuốn hút bởi những trò chơi khoa học thường thức và khám phá thiên văn học trong một không khí và khung cảnh độc đáo như thế này. Chỉ ở Quy Nhơn mới có được những điều này mà thôi", bạn Nguyễn Minh Tâm đến từ tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.

Biểu diễn và dạy võ cổ truyền miễn phí cho du khách, mở các hoạt động trải nghiệm khoa học, tổ chức biểu diễn hát bội, trò chơi đánh bài chòi... được lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo cho ngành du lịch và các ngành liên quan đẩy mạnh trong quý 4-2022 như là những đặc sản để hấp dẫn du khách. 

Ông Trần Văn Thanh, giám đốc Sở Du lịch Bình Định, cho hay những hoạt động mới mẻ này cùng một số biện pháp kích cầu khác đã giúp Bình Định thu hút lượng du khách khá lớn trong mùa thấp điểm du lịch. 

Nhờ đó, đưa tổng lượng khách du lịch đến Bình Định trong năm 2022 đạt hơn 4,12 triệu lượt, tăng hơn 185% và doanh thu du lịch đạt 13.119 tỉ đồng, tăng gần 660% so với cùng kỳ năm 2021.

Để Bình Định thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực

Đặc sản của xứ “đất võ, trời văn” - Ảnh 2.

Các bạn trẻ biểu diễn quyền thuật võ cổ truyền dưới chân tháp Dương Long - Ảnh: DŨNG NHÂN

Cuối năm 2022, kỳ họp thứ chín HĐND tỉnh Bình Định ra nghị quyết "Về việc thông qua các nội dung cơ bản quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". 

Nghị quyết này xác định trong năm trụ cột để đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vào năm 2030, thì du lịch là trụ cột thứ hai.

Nghị quyết nêu: "Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng riêng: du lịch biển thanh bình, du lịch văn hóa đặc sắc và các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh như du lịch khám phá khoa học, du lịch gắn với võ cổ truyền, bài chòi dân gian Bình Định, ẩm thực... 

Tập trung phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch, lấy điểm nhấn là "Quy Nhơn - điểm đến hàng đầu của châu Á, trung tâm văn hóa của vùng"; hình thành, phát triển các tuyến du lịch mới trong tỉnh; kết nối hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh lân cận, trong vùng và liên vùng". 

Mục tiêu của Bình Định là đến năm 2030, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 12 triệu lượt, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Ông Phạm Anh Tuấn - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - nói rằng năm 2022, chỉ số phát triển thương mại và du lịch của Bình Định tăng trưởng ấn tượng, đạt 12,06%. Năm 2023, tỉnh tiếp tục đặt chỉ số của lĩnh vực này tăng cao để tạo đà bứt phá trong những năm tới. 

"Làm sao để thu hút du khách mới đến và cuốn hút du khách cũ quay lại Bình Định? Chúng tôi làm phương án, kịch bản phát triển du lịch đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 để trả lời cho câu hỏi này", ông Tuấn nói.

Theo chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh tập trung phát triển sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế riêng và một số sáng tạo mới. 

"Bình Định có nhiều di tích lịch sử rất khác biệt, văn hóa có nhiều cái mới mà chúng tôi tin là nhiều người muốn đến khám phá; ngoài ra tỉnh còn sẽ tạo các điểm vui chơi ấn tượng, đẳng cấp để thu hút du khách. Những việc này trong kế hoạch đã có, chuẩn bị triển khai, là điều kiện cần cho phát triển du lịch. Còn điều kiện đủ là hậu cần du lịch phải tốt, chất lượng và thái độ phục vụ nâng cao, đội ngũ hướng dẫn viên phải chuyên nghiệp", ông Tuấn nói.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Trần Văn Thanh, Bình Định sẽ hình thành một số sản phẩm mới về du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và cộng đồng, du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện và du lịch mua sắm. 

"Năm 2023, du lịch Bình Định phấn đấu thu hút 5 triệu lượt khách, doanh thu 16.000 tỉ đồng, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh", ông Thanh cho hay.

Trung tâm văn hóa phía nam của vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ

Ông Hồ Quốc Dũng - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định - nói rằng trong nghị quyết 26 ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị xác định xây dựng Bình Định trở thành trung tâm văn hóa phía nam của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Quy Nhơn, Bình Định được Bộ Chính trị chọn để phát triển như vậy vì có văn hóa, lịch sử truyền thống đặc sắc ít nơi nào có được. Đây là cố đô của vương quốc Champa với di tích còn lại là hệ thống tháp Chăm khá hoàn chỉnh, là quê hương của anh em nhà Quang Trung - Nguyễn Huệ, là cái nôi của nghệ thuật tuồng và bài chòi, võ cổ truyền.

Bình Định cũng là một trong những nơi đầu tiên phát xuất chữ quốc ngữ, nơi sinh ra hoặc nuôi dưỡng tâm hồn các văn nghệ sĩ nổi tiếng: Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Trịnh Công Sơn... Chúng tôi rất tự hào về điều đó và khát khao vươn lên bằng những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống ấy", ông Dũng cho biết.


Xây dựng hồ sơ đề nghị võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loạiXây dựng hồ sơ đề nghị võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tỉnh Bình Định đã thành lập Ban xây dựng bộ hồ sơ quốc gia "Võ cổ truyền Bình Định" để trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên