Khô các loại được những cửa hàng đặc sản miền Tây bán ra dịp tết tăng mạnh - Ảnh: N.Trí |
Không chỉ có các cửa hàng, đặc sản tết năm nay còn một kênh bán lẻ rất sôi động khác là bán hàng qua mạng xã hội, website...
Hàng đầy ắp quầy kệ, giá tăng
Những ngày giáp tết, các con đường dẫn vào chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình) nhộn nhịp hơn hẳn bởi hàng trăm chủng loại bánh trái đặc sản miền Trung đã được người bán chất đầy kho kệ.
Chị Nguyễn Thị Bông, chủ cửa hàng Tân Hội An, cho biết đã nhập hơn 150 loại bánh từ miền Trung cách đây nửa tháng để phục vụ thị trường tết. Trong đó những loại bánh tết quen thuộc của người miền Trung như bánh in, bánh thuẫn, bánh tổ, bánh tét... được nhiều khách hàng đặt mua với số lượng lớn.
Theo chị Nguyễn Thị Tường Vy - chủ sạp 54 chuyên bán đặc sản Quảng Nam, Đà Nẵng tại chợ Bà Hoa, đến thời điểm này lượng mua chưa nhiều nhưng giá đã rục rịch tăng 10-15% so với ngày thường như bánh thuẫn 30.000 đồng/chục, bánh tét 50.000 đồng/đòn, bánh chưng 60.000-70.000 đồng/cái loại 1kg...
Tương tự, các loại đặc sản miền Bắc gắn với những địa danh nổi tiếng như miến dong Bình Liêu (Quảng Ninh), măng Nam Định, nấm hương rừng Sa Pa, giò chả, bánh chưng Hà Nội, gà muối, giò heo đen Hà Giang... đến các loại trái cây chưng tết như phật thủ, bưởi Diễn cũng được các cơ sở nhập về nhiều để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Thảo, cửa hàng Thanh Hảo - chuyên bán đặc sản Hà Nội tại vòng xoay Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), cho biết đã nhập về gần chục tấn đặc sản gồm bánh chưng, giò chả các loại, tăng gấp nhiều lần so với ngày thường.
Theo bà Thảo, giá bán tại cửa hàng cũng tăng lên mức 10-20% so với ngày thường, trong đó bánh chưng tăng từ 90.000 đồng lên 110.000-120.000 đồng/cái 1,5kg, măng lưỡi lợn 210.000 đồng lên 230.000-240.000 đồng/kg, phật thủ 200.000-250.000 đồng/trái, bưởi Diễn 100.000 đồng/kg...
Tuy nhiên, dồi dào nhất mùa tết năm nay là các loại đặc sản miền Tây. Từ bánh chưng, bánh tét có chữ đến những loại khô đều được các cửa hàng nhập về lượng tăng gấp cả chục lần.
Tại cửa hàng Đặc Sản Miền Tây (đường Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh), dù buổi trưa nhưng hàng chục khách hàng vẫn chen nhau lựa từng món đặc sản.
Theo đại diện cửa hàng này, năm nay đơn vị bán ra hơn 200 chủng loại đặc sản, tăng hơn năm ngoái 30%, do chủ yếu bỏ sỉ nên đến thời điểm này lượng hàng bán ra tăng gấp ba ngày thường.
Đặc sản miền Trung được bán ở chợ Bà Hoa, quận Tân Bình, TP.HCM dịp tết - Ảnh: Hoài Linh |
Nhiều loại đặc sản “cháy hàng”
Lướt qua một vòng mạng xã hội phổ biến nhất là Facebook, không khó nhận ra hàng trăm tài khoản cá nhân lẫn tổ chức (fanpage) đang quảng cáo các món ăn đặc sản địa phương nổi tiếng với giá phải chăng.
Đa số tài khoản này cho rằng họ là người tại vùng có các loại đặc sản đó nên có nguồn lấy đảm bảo, tươi ngon và không sử dụng các loại hóa chất độc hại. Giá bán từ các tài khoản Facebook cũng mềm hơn so với giá bán tại cửa hàng.
Chị Trần Lan Yến (ở Q.Gò Vấp) cho hay do có quê ở Bình Định nên từ lâu đã đưa các loại đặc sản của quê nhà như rượu Bầu Đá, tré, nem... và các loại hải sản tươi vào bán.
Gần tết, lượng khách hàng đặt qua Facebook tăng đột biến vì ai cũng muốn mua được các loại thực phẩm an toàn rõ ràng nguồn gốc để nấu ăn những ngày nghỉ. Khách hàng nhiều và mua nhiều hơn thường ngày để trữ những ngày các siêu thị và cửa hàng thực phẩm đóng cửa nên nhiều lúc không đủ hàng giao cho khách, đành phải từ chối.
Anh Mai Gia Tấn, chủ cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Trần Não, Q.2, cho hay nếu như cách đây hai tuần anh chỉ phải đặt hàng cá tươi từ Phú Quốc và Nha Trang về bán một lần (gần 100kg mỗi lần) thì đến nay đã tăng lên 3 đợt/tuần mà vẫn không đủ hàng giao cho khách.
Do nhu cầu tăng nhanh nên các nhà cung cấp tại Phú Quốc cũng đẩy giá thêm 20.000-30.000 đồng/kg. Khách hàng đặt mua nhiều nhất là các loại cá thu, cá mực và cá chim trắng vì thích hợp với ngày tết.
Dù còn gần mười ngày nữa đến tết nhưng nhiều loại đặc sản đã cháy hàng. Trong đó miến, măng Bắc, các loại khô miền Tây như khô nhái, bò, cá sặt nhiều nơi không còn để bán.
Theo anh Nguyễn Quốc Dũng - chủ cửa hàng đặc sản Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), lượng khô bò Trà Vinh một nắng, khô bò và khô trâu Campuchia... tăng gấp 5 lần ngày thường, dù đã chuẩn bị hơn 200kg nhưng cửa hàng phải nhập thêm do lượng khô sắp hết.
Tương tự, theo bà Thảo, chỉ trong một tuần hàng trăm ký măng lưỡi lợn Hà Nội đã được tiêu thụ sạch, trong đó nhiều khách mua sỉ với số lượng lớn. Khô cá dứa Cần Giờ cũng lần đầu được đưa ra tận miền Bắc.
Theo cửa hàng khô đặc sản Cần Giờ (Q.7), ngoài lượng hàng cung cấp cho thị trường tết phía Nam tăng gấp 3 lần ngày thường với khoảng 300kg, đơn vị này vừa chuyển ra miền Bắc 50kg khô cá dứa một nắng với giá 450.000 đồng/kg.
Nhiều loại mứt mới, cá kho lên kệ Theo một số cơ sở kinh doanh hàng đặc sản, ngoài những loại mứt truyền thống, năm nay lần đầu tiên cửa hàng có mứt rong biển Phan Rang 200.000-220.000 đồng/kg, mứt nho khô 60.000 đồng/bịch, mứt bưởi 220.000 đồng/kg. Hiện mỗi ngày anh bán ra khoảng 30kg các loại mứt này. Tương tự, cá chép kho theo hương vị miền Bắc giá 200.000-220.000 đồng/kg, cá diếc kho 200.000 đồng/kg đã được cửa hàng Thanh Hảo lần đầu tiên cho lên quầy kệ phục vụ tết. |
Hoa tươi “tập kết” sớm về thành phố Ngày 29-1, công viên Gia Định (Q.Gò Vấp) đã đón những chậu hoa đầu tiên từ các địa phương đưa về bán. Theo ghi nhận, giá hoa cúc đại đóa từ Nha Trang (Khánh Hòa) vào đầu tiên và đang được rao bán với giá 650.000 đồng/cặp. Nhưng theo người bán, khách chủ yếu đến xem qua rồi khảo sát giá nhưng không mua vì còn đợi thêm những vựa hoa khác đem về để có thêm lựa chọn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận