Nhận định này của GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - cũng được các đồng nghiệp như GS.TSKH Đỗ Quang Hưng, PGS.TS Trần Đức Cường - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc… đồng tình.
Các nhà sử học cùng bày tỏ quan điểm cần phải đánh giá lại những đóng góp cũng như vị trí của Phạm Thận Duật trong tiến trình lịch sử Việt Nam tại buổi ra mắt cuốn sách Phạm Thận Duật trong dòng chảy lịch sử Việt Nam (GS Vũ Minh Giang chủ biên) ngày 29-11.
Phạm Thận Duật có thể xếp ngang hàng với Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn
Phạm Thận Duật (1825 - 1885) là người huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Dưới triều đại vua Tự Đức, ông đã lần lượt kinh qua nhiệm vụ trong các lĩnh vực đa dạng, từ chính trị, kinh tế, thủy lợi đến ngoại giao hay quốc phòng.
Năm 1885, Pháp đánh chiếm kinh thành Huế. Là một nhân vật chủ chiến, ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị.
Nhận lệnh của vua Hàm Nghi, ông thảo chiếu Cần vương kêu gọi các sĩ phu và nhân dân đứng lên chống Pháp.
Lĩnh chức khâm sai đại thần ra Bắc để chiêu tập nghĩa sĩ Cần vương, ông bị Pháp bắt đưa đi tù ở Côn Đảo.
Ngày 29-11-1885, ông đã hy sinh trên đường đi đày từ Côn Đảo đến đảo Tahiti, nấm mồ của ông là biển cả.
Trong 35 năm làm quan, ông còn sáng tác và hoàn thành nhiều tác phẩm thuộc thơ, văn, nhật ký, tấu tập và địa chí có nhiều giá trị, nổi bật là Hưng Hóa ký lược.
GS Vũ Minh Giang cho biết gần đây giới sử học trong và ngoài nước đã tổ chức những hội thảo về danh nhân Phạm Thận Duật.
Nhận thức của chính giới sử học về danh nhân này đã có một bước tiến rất dài trong mấy thập kỷ qua.
Trước đây giới sử học mới biết ông là một chí sĩ yêu nước, có đóng góp với phong trào Cần vương, một nhà yêu nước trong thời kỳ đất nước đang gặp nguy khốn.
Nhưng gần đây có thêm những nhận thức rất mới, rất quan trọng về nhân vật Phạm Thận Duật.
Ông là một nhà quản lý có tâm, liêm khiết và tài năng, đã có đóng góp trên rất nhiều phương diện.
Đặc biệt, một phát hiện bất ngờ về Phạm Thận Duật được đưa ra: ông còn là một nhà bác học.
Ông Giang cho rằng đã đến lúc phải có nhận thức tổng quát về đóng góp của Phạm Thận Duật, định vị lại vị trí của ông trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam.
Ông là một danh nhân văn hóa đáng kính trọng, có thể xếp ngang hàng với các nhà khoa bảng, nhà bác học được ngưỡng mộ như Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn…
Sẽ có chỗ cho Phạm Thận Duật trong sách chính sử
GS.TSKH Đỗ Quang Hưng, một trong những người tham gia vào cuốn sách Phạm Thận Duật trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, đưa ra băn khoăn của ông cũng như của nhiều đồng nghiệp: "Tại sao Phạm Thận Duật là một nhân vật như vậy nhưng chưa bao giờ có được vị trí trong chính sử?".
Ông Hưng cho biết đã tìm hiểu kỹ xem nhân vật lịch sử này có "vết đen" gì không thì chỉ có một "vết" đó là chữ ký "rất oan nghiệt" trong Hòa ước Giáp Thân 1884 (Hòa ước Patenotre). Ông phải đại diện cho triều đình ký vào hòa ước đưa Việt Nam thành thuộc địa của Pháp.
Và đến nay vẫn chưa có một cuốn chính sử nào dành một vài trang cho Phạm Thận Duật.
Khi được giao chủ biên tập đầu tiên của lịch sử cận đại 1858 - 1884, đúng giai đoạn của Phạm Thận Duật, trong bộ Quốc sử Việt Nam, ông Hưng, với sự động viên của các bạn đồng nghiệp, đặc biệt là của GS Vũ Minh Giang, đã dành 6,5 trang trong bộ quốc sử này để viết về Phạm Thận Duật.
Bộ quốc sử chưa biết khi nào mới in nhưng đã được Hội đồng quốc gia nghiệm thu.
"Đây không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp mà còn là tình cảm của tôi dành cho nhân vật thuộc số những người chịu sự khắc nghiệt của bi kịch lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19 khi đất nước trở thành thuộc địa của Pháp", ông Hưng nói về việc đã dành vị trí cho Phạm Thận Duật trong bộ quốc sử sắp phát hành.
Trước mắt, cuốn Phạm Thận Duật trong dòng chảy lịch sử Việt Nam giúp tổng kết những đóng góp, cống hiến của danh nhân Phạm Thận Duật trong nhiều lĩnh vực, nó còn mang đến những nhận thức khoa học rất mới về nhân vật lịch sử đặc biệt này.
Sách này còn hệ thống một bảng niên biểu về các sự kiện liên quan đến danh nhân Phạm Thận Duật, các thư mục liên quan tới các trước tác, những đóng góp của ông…
Dịp này, Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã trao Giải thưởng Phạm Thận Duật lần thứ 23 cho sáu luận án tiến sĩ sử học xuất sắc.
Luận án Hoạt động khai thác mỏ của người nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX của TS Trần Xuân Thanh (Trung tâm biển và hải đảo, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã được trao giải nhất, cùng hai giải nhì và ba giải ba.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận