02/11/2013 03:00 GMT+7

Đưa Đại thần Phan Thanh Giản lên sân khấu

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Lần đầu tiên sân khấu “giải mã” về Phan thượng thư bằng vở Nợ non sông, vừa được Nhà hát Cải lương Hà Nội công diễn vào 20g ngày 30-10.

lFNjSJ9Z.jpgPhóng to
Dù được mật lệnh của vua giao ký hòa ước nhưng Phan thượng thư (Nhật Linh) vẫn nhận mình mắc mối nợ non sông - Ảnh: Đức Triết

Tác giả Phạm Quang Long và đạo diễn NSƯT Thanh Vân khi dựng vở cải lương này đã rất “ý nhị” gọi tên nhân vật chỉ là: Phan thượng thư hay đức vua, hoàng thái hậu. Nhưng hẳn rằng với bất kỳ người Việt Nam nào yêu sử thì khi cánh màn nhung vừa mở, ai cũng biết ngay ông Phan thượng thư trong Nợ non sông chính là thượng thư Phan Thanh Giản sống dưới thời vua Tự Đức và hoàng thái hậu Từ Dụ.

Và cuộc đời vị thượng thư này gắn liền với câu chuyện lịch sử nổi tiếng: năm 1862, Phan Thanh Giản đi sứ và ký vào bản hòa ước, dâng ba tỉnh Nam kỳ cho người Pháp. Nợ non sông đã khai thác nỗi đau của Phan Thanh Giản trong tấn bi kịch ấy. Vừa đi sứ về, Phan Thanh Giản từ một trọng thần đã trở thành tội thần. Cả gia đình ông lâm vào cảnh khốn đốn. Mối tình con trẻ tan vỡ. Bọn tham quan thừa cơ chiếm đoạt danh vị. Phan Thanh Giản thì sống trong lao tù với nỗi đau đớn vì giờ đây người đời sao có thể hiểu hết được tấm lòng trong sáng, luôn tận trung và yêu nước thương dân của ông...

Bi kịch trùm kín không khí vở diễn. Cũng có đôi tình tiết muốn chọc cười khán giả, như sự điêu ngoa của vợ chồng buôn quan bán chức hay khi anh cai ngục bảo “với dân đen việc nước thì có gì mà phải lo”... nhưng xem ra lại thành lẻ loi. Những khán giả nữ lặng lẽ lau nước mắt trước cảnh Phan gia tan tác, trước nỗi niềm của bà Phan khi trách giận chồng: “Trước lúc đi sứ ông đã nói rằng: “Nếu chuyện đi sứ bất thành thì tử tiết để lưu danh muôn thuở”, vậy mà sao khi trở về ông lại mang cái tiếng Phan gia mãi quốc...”. Người vợ trách chồng để rồi ân hận vỡ lẽ ra nhiều điều khi được chồng trao lại “mật chiếu” cầu hòa của chính bậc quân vương.

“Ở đây, dù phải sống trong tù ngục mà cụ Giản không hề có một lời nào oán thán, giãi bày. Vậy nhưng, tôi thấy được cả tấm lòng sáng trong của cụ - đặc biệt là sự hi sinh cả thể diện cá nhân mình - để giữ thể diện cho đấng quân vương. Cũng vì Nợ non sông có lớp diễn khá đắt, đấy là cuộc trò chuyện giữa hoàng thái hậu và vua. Thời phong kiến, quân bắt thần chết thì thần phải chết, vậy mà hoàng thái hậu vẫn nghiêm khắc dạy con sống đừng bạc tình bạc nghĩa và đau đớn thay mặt con quỳ xuống mà tạ tội với non sông...” - chị Kim Anh (quận Hoàn Kiếm) bình luận.

“Dàn dựng không dễ dàng”

Vở cải lương Nợ non sông sẽ được các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương tiếp tục biểu diễn vào trung tuần tháng 11. “Nợ non sông là tác phẩm sân khấu đầu tiên nói về Phan Thanh Giản. Vì thế, việc dàn dựng không dễ dàng. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng với mong muốn góp một tiếng nói, một cách nhìn của nghệ sĩ hôm nay về thượng thư Phan Thanh Giản. Để đảm bảo tính chân thực của lịch sử, chúng tôi trau chuốt kỹ càng về trang phục cho từng nhân vật. Tuy nhiên, vở diễn chưa tròn trịa vì sân khấu đôi chỗ chưa được hợp lý, một số vai diễn chưa thật sự dụng công” - đạo diễn NSƯT Thanh Vân, phó giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, chia sẻ.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên