Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng một số tác giả trong lễ bàn giao bản thảo bộ quốc sử ngày 12-11 - Ảnh: BTC
Bộ bản thảo gồm 25 tập thông sử, 5 tập biên niên sử thuộc bộ quốc sử Việt Nam vừa được bàn giao cho Bộ Khoa học và công nghệ ngày 12-11 trước sự chứng kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các bộ, ban ngành, nhà khoa học.
Sau lễ tiếp nhận này sẽ là quá trình nghiệm thu, chỉnh sửa, biên tập, chuẩn bị xuất bản trong thời gian tới.
Bộ bản thảo này là đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (còn gọi là Quốc sử) biên soạn gồm 25 tập thông sử (trong đó, 13 tập Lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại, 12 tập thời kỳ cận - hiện đại) và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử (trong đó, 3 tập thời kỳ cổ - trung đại, 2 tập thời kỳ cận - hiện đại).
Đề án bắt đầu thực hiện từ năm 2015, Bộ Khoa học và công nghệ là cơ quan chủ trì phê duyệt và tổ chức thực hiện, Quỹ Nafosted cấp kinh phí theo hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
Gần 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước, tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TP.HCM được huy động tham gia biên soạn bộ quốc sử đồ sộ này.
Giáo sư Phan Huy Lê mất khi bộ sách đang được biên soạn vào 2 năm trước, nhưng tên ông vẫn trân trọng được đặt vào vị trí chủ biên bộ sách.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Trần Đức Cường - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - một trong các tác giả tham gia viết bộ quốc sử - cho biết trước khi giáo sư Phan Huy Lê mất thì toàn bộ 30 tập của bộ quốc sử đã hoàn thành bản sơ thảo.
Trong đó, mỗi tập đều ghi dấu công lao to lớn của giáo sư Phan Huy Lê. Giáo sư Lê cũng là người chịu trách nhiệm chính về toàn bộ nội dung của bộ sách nên đương nhiên ông vẫn là chủ biên của bộ sách này.
Còn nhiều công việc phải làm để xuất bản được bộ sách này.
Theo Bộ Khoa học và công nghệ, ban biên soạn đã thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, coi đây là bộ quốc sử mang tính quốc gia, chính thống.
Bộ sách được biên soạn trên tinh thần "kế thừa những bộ sử trước đây, tổng kết và nâng cao được toàn bộ kết quả nghiên cứu của giới sử học cả nước, tiếp thu có chọn lọc thành tựu nghiên cứu của các nhà sử học nước ngoài về lịch sử Việt Nam từ trước tới nay".
Bộ quốc sử cũng đồng thời "có những luận giải mới, những đánh giá phù hợp về những vấn đề khoa học lịch sử đang đặt ra", "quán triệt sâu sắc quan điểm khoa học, biện chứng, khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể; tôn trọng sự thật lịch sử".
Nhà sử học Dương Trung Quốc (tham gia biên soạn tập biên niên các sự kiện lịch sử thời kỳ cận đại) không bình luận về những tiến bộ trong nghiên cứu lịch sử của bộ sách này mà cho biết tất cả những nguyên tắc biên soạn trên là yêu cầu mà cơ quan nhà nước đưa ra khi đặt hàng ban biên tập, còn các tác giả đáp ứng được đến đâu những đòi hỏi này trong bộ sử thì phải đợi cơ quan thẩm định sẽ thẩm định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận