29/11/2023 07:40 GMT+7

Đã có vắc xin, tại sao dịch bệnh ở heo vẫn bùng phát?

Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin thương mại dịch tả heo châu Phi (ASF) đầu tiên trên thế giới và đưa vào sử dụng đại trà. Thế nhưng vì sao những tháng gần đây, dịch tả heo châu Phi bùng phát nhiều nơi ở Việt Nam?

Tiêm vắc xin dịch tả heo châu Phi cho đàn heo của một hộ nuôi ở Đồng Nai - Ảnh: K.Đ.

Tiêm vắc xin dịch tả heo châu Phi cho đàn heo của một hộ nuôi ở Đồng Nai - Ảnh: K.Đ.

Do hiệu quả của vắc xin thấp hay người dân e ngại, chưa tin tưởng vào loại vắc xin mới này?

Dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 570 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 27.000 con heo, dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất là tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Đắk Lắk, Tiền Giang...

"Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi heo và bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm", bộ này nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Long, cục trưởng Cục Thú y, cho biết nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát trong thời gian tới là rất cao do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, điều kiện chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chính quyền và chủ gia súc tại một số địa phương chủ quan, lơ là, chưa chỉ đạo, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh...

Việc buôn bán, vận chuyển heo, giết mổ heo bệnh, cũng như tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi; thời tiết thay đổi, mưa, rét, tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán, lây lan dịch bệnh.

Lo ngại hơn, có tình trạng một số doanh nghiệp, người dân lấy mẫu gửi các phòng thí nghiệm tư nhân, phòng thí nghiệm của doanh nghiệp để xét nghiệm bệnh, nhưng không báo cáo, không thực hiện các biện pháp phòng chống theo quy định.

Ông Long cũng cho biết từ tháng 7-2023, Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi trên phạm vi toàn quốc, đến nay đạt khoảng 500.000 liều vắc xin, nhưng số lượng sử dụng như vậy còn hạn chế trong bối cảnh dịch bệnh.

Nguyên nhân do một số địa phương, chủ nuôi heo chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm vắc xin cho đàn heo.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp và địa phương, số lượng vắc xin dịch tả heo châu Phi cung ứng, sử dụng sau khi bộ cho phép sử dụng từ tháng 7 đến nay là 1,68 triệu liều tại hơn 40 tỉnh, thành phố.

Nhiều nông dân và doanh nghiệp chưa tin vắc xin

Chăn nuôi quy mô lớn với mỗi tháng xuất bán 500 - 1.000 con heo hơi nên ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trại heo Hoa Phượng (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), cho biết đang chịu áp lực lớn với tình hình dịch bệnh. Tuy vậy, ông vẫn chưa chọn tiêm vắc xin dịch tả heo châu Phi cho đàn heo.

"Dù được doanh nghiệp bán vắc xin, hiệp hội tư vấn và vận động tiêm vắc xin nhưng đến giờ tôi vẫn chưa có niềm tin. Nếu vắc xin hiệu quả thì sao dịch lại bùng phát nhiều vậy? Với giá mỗi liều vắc xin trên dưới 30.000 đồng (chỉ bằng nửa kg heo hơi), nhiều người nuôi sẵn sàng chi tiền mua vắc xin, nhưng cái chính là tính hiệu quả đến đâu, phải nhìn vào thực tế mới dám áp dụng", ông Thắng giải thích.

Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, xác nhận tình trạng dịch tả heo châu Phi xảy ra tại Đồng Nai đang diễn biến khá phức tạp khi nhiều hộ dân cho đến các doanh nghiệp chăn nuôi đều có heo nhiễm bệnh với những quy mô khác nhau.

Theo ông Đoán, khoảng ba tháng trở lại đây dịch bệnh bùng phát ở nhiều khu vực với tốc độ lây lan nhanh, nhiều người dân không kịp trở tay nên lỗ chồng lỗ.

"Giá heo hơi bán ra hiện phổ biến từ 46.000 - 51.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 55.000 - 58.000 đồng/kg, trường hợp hộ nuôi có heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi có thể lên 60.000 - 65.000 đồng/kg, thậm chí người nuôi gần như mất trắng nếu dịch lan rộng", ông Đoán tính toán.

Theo ông Đoán, khó khăn hiện nay là dịch bệnh bùng phát nhưng nhiều người nuôi, thậm chí cả doanh nghiệp vẫn có tâm lý không dám tiêm vắc xin phòng chống loại bệnh này cho đàn heo.

"Dù được ngành nông nghiệp cho lưu hành sau nhiều lần khảo nghiệm nhưng hiện nhiều người nuôi chưa tin tưởng vào sự hiệu quả của vắc xin, thậm chí có tâm lý lo ngại việc tiêm vắc xin không những giúp heo không nhiễm bệnh, mà còn khiến heo chết nhanh hơn", ông Đoán thông tin thêm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực thú y phía Nam cho rằng với việc Bộ NN&PTNT cho vắc xin dịch tả heo châu Phi lưu hành sau nhiều lần khảo nghiệm, đồng nghĩa việc vắc xin phải ít nhiều mang lại hiệu quả phòng bệnh.

Tuy nhiên, vấn đề là tiêm như thế nào, thời gian tiêm, tiêm cho những loại heo nào... để tránh phản tác dụng, mang đến hiệu quả cao thì nhiều người nuôi lại chưa rõ. Điều này dẫn đến tâm lý không tin tưởng vào vắc xin, lo sợ tiền mất tật mang.

Kiến nghị tiêm vắc xin bắt buộc

Ông Trần Xuân Hạnh, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương Navetco, cho biết tháng 7-2023 vắc xin dịch tả heo châu Phi đã được chính thức cho phép sử dụng trên diện rộng. Tuy nhiên thời gian triển khai tiêm phòng vừa qua cho thấy vẫn gặp khó khăn bởi người dân còn e dè.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi vẫn còn tư tưởng khi có bệnh mới tiêm, còn khi có dấu hiệu có bệnh mới tiêm thì không cẩn thận lại bị đổ do tiêm vắc xin. Ngay cả nhiều lãnh đạo địa phương chưa quyết liệt, còn e dè khi tiếp cận vắc xin mới.

Ông Nguyễn Văn Long cho hay cuối tháng 7-2023, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc xem xét chỉ đạo sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi để phòng chống dịch bệnh ASF.

"Để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát tán phức tạp và phòng bệnh ASF hiệu quả thì cần phải áp dụng nghiêm ngặt, tuân thủ triệt để quy trình an toàn sinh học khu vực chăn nuôi, định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng. Vắc xin ASF là một trong các biện pháp phòng bệnh ASF rất quan trọng, cần được sử dụng đúng và cần được kết hợp song hành với các biện pháp nêu trên. Việc triển khai tiêm phòng vắc xin ASF cần tuân thủ tuyệt đối theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất", ông Long nói.

Theo ông Long, để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát tán phức tạp và phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, các địa phương cần thực hiện nghiêm các nội dung công điện số 1097 ngày 16-11-2023 của Thủ tướng về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Hiện nay các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu phát triển vắc xin thế hệ mới để có thể sớm nhất có vắc xin dịch tả heo châu Phi sử dụng trên đàn heo ở các lứa tuổi khác như heo nái, heo đực giống.

Giá heo Trung Quốc giảm mạnh do thừa cung và dịch bệnh

Theo Hãng tin Reuters, Trung Quốc ghi nhận thịt heo rớt giá từ tháng 8-2023, trong bối cảnh thị trường thừa cung. Giá thịt heo cho các hợp đồng trong tháng 1-2024 giảm còn 2.032 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 6-2023.

"Các doanh nghiệp lớn đang giảm đàn do áp lực tài chính sau một năm thua lỗ nặng. Cùng lúc đó, các hộ chăn nuôi nhỏ hơn cũng đang phải bán tháo đàn heo do sự gia tăng của dịch tả heo châu Phi" - ông Darin Friedrichs, đồng sáng lập Hãng tư vấn Sitonia Consulting chuyên nghiên cứu thị trường nông nghiệp Trung Quốc, nói.

Dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh tại Tiền Giang, tiêu hủy hơn 80 tấn heo bệnhDịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh tại Tiền Giang, tiêu hủy hơn 80 tấn heo bệnh

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận heo của 76 hộ chăn nuôi tại 12 xã thuộc 8 huyện bị dịch tả heo châu Phi. Tổng số heo bệnh là 1.125 con/tổng đàn 3.069 con, đã tiêu hủy 1.752 con với khối lượng hơn 80 tấn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên