25/03/2013 07:10 GMT+7

Cyprus "tịch thu" tiền gửi ngân hàng

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Chính quyền Cyprus vẫn quyết đánh thuế tiền gửi ngân hàng của người dân để được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giải cứu. Hôm nay 25-3 là hạn chót để Cyprus đạt một thỏa thuận nhằm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ tài chính.

Cyprus: Dân phản đối đánh thuế tiền tiết kiệmDân Cyprus bức xúc vì tiền tiết kiệm bị đánh thuếQuốc hội Cyprus bác kế hoạch đánh thuế tiền gửi ngân hàng

EQRousLb.jpgPhóng to
Người dân Cyprus biểu tình phản đối kế hoạch đánh thuế lên tiền tiết kiệm của chính phủ hôm 23-3 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ngày 24-3 Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades đã đến Brussels (Bỉ) để đàm phán với các nhà lãnh đạo EU và IMF. Bộ trưởng tài chính các nước khối đồng euro cũng nhóm họp cùng ngày để thảo luận về tình hình Cyprus. EU và IMF đòi Cyprus phải tự huy động 5,8 tỉ euro nếu muốn nhận được khoản cứu trợ 10 tỉ euro.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tuyên bố nếu Cyprus không thể đạt được một thỏa thuận với EU và IMF trong hôm nay 25-3, thì ECB sẽ dừng cấp vốn khẩn cấp cho các ngân hàng Cyprus. Khi đó, gần như chắc chắn hệ thống ngân hàng đảo quốc Địa Trung Hải này sẽ sụp đổ và quốc gia này có khả năng phải rời khỏi khối đồng euro.

Tìm 5,8 tỉ euro từ tiền gửi ngân hàng!

Báo New York Times cho biết chính quyền Cyprus đã đề xuất một kế hoạch “mới mà cũ” để huy động 5,8 tỉ euro. Đó là áp thuế 20% một lần duy nhất đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro không có bảo hiểm ở Ngân hàng Cyprus, ngân hàng lớn nhất nước này. Chính quyền cũng sẽ áp mức thuế 4% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro không có bảo hiểm ở tất cả các ngân hàng khác, bao gồm 26 ngân hàng nước ngoài hoạt động ở Cyprus.

"Đây là tuần lễ đen tối nhất trong lịch sử Cyprus kể từ cuộc xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974"

Báo Guardian dẫn lời giáo sư sử học Cyprus Hubert Faustmann thuộc ĐH Nicosia bình luận về cuộc khủng hoảng hiện nay.

Truyền thông Cyprus và quốc tế mô tả đây thực chất là hành động tịch thu một phần tiền gửi ngân hàng của người dân Cyprus. Kế hoạch này vẫn cần được Quốc hội Cyprus, IMF, EU và ECB thông qua. Trước đó, các nghị sĩ Quốc hội Cyprus đã bác bỏ đề xuất đánh thuế lên các khoản tiền gửi lớn nhỏ của người dân, bị dư luận mô tả là hành vi “ăn cướp”. Tuy nhiên, Bộ trưởng tài chính Cyprus Michael Sarris khẳng định đề xuất đánh thuế lên tiền gửi ngân hàng “đã quay đầu trở lại”.

Giới quan sát nhận định vẫn chưa rõ Quốc hội Cyprus có đồng ý với đề xuất này hay không. Cũng có khả năng chính quyền Cyprus sẽ tìm cách qua mặt quốc hội để áp dụng luật thuế đánh vào tiền gửi ngân hàng. Hôm 22-3, Quốc hội Cyprus cũng đã thông qua đề xuất quốc hữu hóa các quỹ hưu trí và phân chia các ngân hàng đang khủng hoảng thành hai nhóm “tốt” và “xấu”. Các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại các ngân hàng “xấu” nhiều khả năng sẽ bị kiềm tỏa trong nhiều năm. Nhiều khả năng ngân hàng lớn thứ hai Cyprus là Laiki sẽ trở thành ngân hàng “xấu”. Luật mới này sẽ khiến người gửi tiền ở Ngân hàng Laiki mất tới 40% các khoản tiền gửi trên 100.000 euro.

Tuy nhiên, truyền thông Cyprus cho biết EU và IMF còn đòi chính quyền nước này yêu cầu Ngân hàng Cyprus sáp nhập các “tài sản tốt” của Ngân hàng Laiki. Chính quyền Cyprus vẫn muốn tách riêng hai ngân hàng này để tránh cho Ngân hàng Cyprus phải trải qua những bước tái cơ cấu đau đớn như Ngân hàng Laiki.

Nga có thể trả đũa?

Nói chung, như lời Cao ủy kinh tế EU Olli Rehn khẳng định mà AFP trích thuật, Cyprus chỉ còn lại “những lựa chọn khó khăn”. Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cũng cảnh báo Cyprus phải đáp ứng yêu cầu của EU và IMF nếu muốn ở lại trong khối đồng euro. “Các nước khối đồng euro muốn giúp đỡ Cyprus, nhưng luật lệ phải được tôn trọng, chương trình giải cứu phải xử lý những vấn đề gốc rễ” - ông Schaeuble tuyên bố.

Theo kênh Mega TV, người dân Cyprus vẫn đang ồ ạt đi rút tiền từ máy ATM kể từ khi các ngân hàng đóng cửa theo lệnh của chính phủ. Hôm 23-3, hàng ngàn người dân đã biểu tình trước dinh tổng thống tại Nicosia để phản đối kế hoạch đánh thuế lên tiền gửi ngân hàng của dân. Họ hô vang: “Hãy nói không với sự phá sản”, “Hãy tránh xa quỹ phúc lợi của công nhân”, “Chính phủ hãy từ chức”... Công đoàn ngân hàng Cyprus cũng đe dọa sẽ đình công từ ngày 26-3.

Trong khi đó, theo báo Guardian, một số chuyên gia tài chính và quan chức Chính phủ Nga mới đây cảnh báo Matxcơva có thể sẽ trả đũa châu Âu nếu Cyprus đánh thuế lên tiền gửi ngân hàng. Các nhà đầu tư Nga gửi tiền tại các ngân hàng Cyprus ước khoảng 30 tỉ euro. Cựu cố vấn điện Kremlin Alexander Nekrassov cho biết nếu Cyprus áp mức thuế 20% lên các tài khoản trên 100.000 euro, nhiều người Nga sẽ mất một khoản tài sản đáng kể. Khi đó, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ trả đũa EU bằng cách đóng băng hoặc đánh thuế lên tài sản của các công ty châu Âu tại Nga. Tuy nhiên, một số quan chức EU lại cho rằng người Nga giàu có cũng nên đóng góp một phần nào đó cho Cyprus bởi họ đã được hưởng lợi từ mức thuế thấp của Cyprus từ nhiều năm qua.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên