Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm "từ cái tâm”
Phóng to |
Người dân rút tiền tại ATM ở Cyprus để tránh bị tăng thuế tiền gửi -- Ảnh: Reuters |
Cuối tuần qua, các bộ trưởng tài chính châu Âu nhất trí cấp cho Cyprus khoản cứu trợ 10 tỉ euro (12,6 tỉ USD) để giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Đổi lại, Cyprus phải cam kết tăng thuế tiền gửi tiết kiệm của người dân: 9,9% đối với những tài khoản tiền gửi trên 100.000 euro, 6,75% đối với những tài khoản dưới giá trị này. Đây là lần đầu tiên Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu có chính sách trưng thu tiền từ những người gửi tiết kiệm bình thường, người hưu trí, người lao động.
Chính phủ phản bội dân!
Báo New York Times cho biết tuy việc áp thuế mới còn cần được quốc hội nước này thông qua, nhưng phần lớn các trạm ATM đều hết sạch tiền vào đêm 17-3 (giờ địa phương) dù các ngân hàng giới hạn mỗi lần rút tối đa 400 euro.
“Đây rõ ràng là hành động ăn cắp” - thợ điện hưu trí Andreas Moyseos tại thủ đô Nicosia phẫn nộ. Còn nha sĩ Andreas Hadgigeorhiou chất vấn: “Nhiều nước có tình hình kinh tế nghiêm trọng hơn Cyprus nhưng tại sao chỉ mỗi Cyprus phải chịu tình trạng này?”.
Vào đêm 16-3 (giờ địa phương), ngay sau khi châu Âu công bố quyết định cứu trợ cho Cyprus, khoảng 200 người đã tụ tập trước dinh tổng thống ở Nicosia để phản đối kế hoạch đánh thuế tiền gửi của họ. Có lúc người biểu tình cản trở xe chở người phát ngôn của tổng thống đi vào tòa nhà. Đám đông được giải tán sau vài giờ, nhưng họ đe dọa sẽ tiếp tục biểu tình sau bài phát biểu trước quốc hội của Tổng thống Nicos Anastasiades.
Một số người dân cảm thấy bị phản bội do tổng thống từng trấn an họ rằng tiền gửi ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng. “Giống như tiếng sét đánh giữa trời quang. Chúng tôi bây giờ không biết còn tin vào ai nữa. Tình hình bây giờ rất hỗn loạn, người dân giận dữ và lo lắng” - một người lái taxi tên Andreas Archontidis trả lời báo Wall Street Journal. Từ tháng 1-2013, người dân đã đồn đoán vụ tiền gửi của họ bị đánh thuế nên từng rút đến 1,7 tỉ euro khỏi các ngân hàng. AFP cho biết Tổng thống Nicos Anastasiades thậm chí có thể yêu cầu các ngân hàng tiếp tục đóng cửa thêm vào ngày 19-3 (ngày 18-3 ngân hàng nghỉ lễ) để tránh tình trạng rút tiền ồ ạt trước khi quốc hội thông qua chính thức những điều khoản mà Liên minh châu Âu (EU) đề xuất.
Không chỉ có người dân Cyprus mà cả người dân Nga cũng quan ngại trước tình hình Cyprus. Nga là nước gửi tiền nhiều nhất tại Cyprus. Đài CBS cho biết người Nga có đến 20 tỉ euro tiền gửi tại các ngân hàng Cyprus.
Tổng thống Anastasiades phân trần việc đánh thuế tiền gửi sẽ giúp Cyprus không phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng như giảm lương hưu và tăng các khoản thuế khác. “Tôi chọn giải pháp ít đau đớn nhất và tôi nhận toàn bộ trách nhiệm cho quyết định này nhằm hạn chế đến mức tối đa những hậu quả kinh tế cho đất nước và người dân” - AFP dẫn lời ông Anastasiades.
Báo chí Cyprus cho biết Tổng thống Anastasiades đang nỗ lực vận động các đảng chính trị ủng hộ những điều khoản thỏa thuận với EU trước khi các ngân hàng bắt đầu làm việc lại vào ngày 19-3, thời điểm mức thuế mới chính thức có hiệu lực.
Theo AP, khoảng 25 nghị sĩ từ Đảng AKEL, Đảng EDEK và Đảng Xanh cho biết sẽ không bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của EU, trong khi Đảng DISY của Tổng thống Anastasiades chỉ chiếm 20 ghế trong 56 vị trí tại quốc hội. Lẽ ra cuộc bỏ phiếu đã được tiến hành hôm 17-3, nhưng Quốc hội Cyprus đã yêu cầu hoãn ngày bỏ phiếu theo yêu cầu của các chủ nợ nước này.
BBC cho biết Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz gợi ý Chính phủ Cyprus không nên đánh thuế những khoản tiền gửi dưới 25.000 euro. “Cần phải xây dựng giải pháp được xã hội chấp nhận” - ông Schulz nhấn mạnh. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel bảo vệ chính sách của châu Âu, thì người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Putin khẳng định đề xuất tăng thuế tiền gửi mà EU áp đặt cho Cyprus là “không công bằng, không chuyên nghiệp và nguy hiểm”. Các quốc gia châu Âu khác lo ngại chính sách tăng thuế tiền gửi của người dân có thể tạo thành tiền lệ đối với những gói giải cứu về sau.
Vàng châu Á tăng vượt ngưỡng Do bất ổn ở Cyprus, nhiều nhà đầu tư đổ xô đi mua vàng khiến giá tăng nhanh. Reuters cho biết giá vàng vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce lần đầu tiên trong hai tuần qua tại thị trường Singapore sáng 18-3. Các chỉ số chứng khoán châu Á cũng giảm. Theo BBC ngày 18-3, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) rớt 2,7%, trong khi chỉ số Hang Seng (Hong Kong) và chỉ số ASX 200 (Úc) giảm 2%. Giá đồng euro cũng giảm gần 2% so với đồng yen. Trong khi đó, đồng yen tăng giá so với đồng USD, đạt mức 93,45 yen đổi 1 USD trong ngày 18-3. Đồng yen được xem là loại tài sản an toàn trong giai đoạn bất ổn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận