Xung quanh phản ứng của dư luận trước đề xuất đánh thuế lãi từ tiền gửi tiết kiệm 500 triệu đồng trở lên, ngày 3-3 trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM HoRea - nói: “Hiệp hội đã hết sức nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu ý kiến của bạn đọc”.
Đánh thuế tiền tiết kiệm: Ý tưởng lạ lùng, bất khả thiĐề xuất không thực tế và..."tào lao"!“Hết chuyện” khi đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm
Phóng to |
Ông Lê Hoàng Châu - Ảnh: Đ.D. |
"Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để đảm bảo bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, tức mọi thu nhập đều phải chịu thuế" Ông Lê Hoàng Châu |
Tuy vậy, ông Châu vẫn cho rằng Việt Nam phải dần làm theo thế giới. Ông Châu nói:
- Chúng tôi đã theo dõi đầy đủ phản biện của tất cả mọi người về đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, trong đó có những ý kiến phản biện chính xác và đáng quý. Nhưng phải nói rõ hơn là chúng tôi không đề xuất đánh thuế tất cả mọi người. Bởi tôi hiểu rõ trong số những người gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng là những người chỉ gửi khoản tiền lương hưu, tích cóp, chắt chiu để dự phòng cho những công việc lớn... Do đó, mục đích của hiệp hội là đánh thuế vào khoản lợi tức thu được từ những khoản gửi tiết kiệm “khổng lồ” của những người coi gửi tiết kiệm là kênh đầu tư.
Tôi biết có những người mang cả trăm tỉ đồng đi gửi ngân hàng. Mỗi năm họ thu về 10-15 tỉ đồng tiền lãi nhưng hoàn toàn không phải đóng một đồng thuế nào từ khoản lợi tức đầu tư này. Như vậy là vô lý! Đáng lưu ý là lượng tiền gửi vào ngân hàng đa số đến từ nhóm này. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để đảm bảo bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, tức mọi thu nhập đều phải chịu thuế.
* Nhưng ở các nước đó thu nhập của người dân rất cao, chính sách phúc lợi xã hội của họ rất tốt, khác hoàn toàn với điều kiện kinh tế, điều kiện sống và thu nhập ở Việt Nam?
- Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cũng dần dần phải làm theo thế giới.
Tôi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và dư luận. Nhưng xin nói thêm là hiệp hội không đề xuất áp dụng ngay trong năm 2013. Luật thuế thu nhập cá nhân đã được Quốc hội thông qua và những điểm sửa đổi sẽ được áp dụng vào ngày 1-7-2013. Đề xuất của chúng tôi là định hướng về mặt lâu dài. Đại bộ phận người gửi tiết kiệm hiện nay là người lao động có mức tiền gửi nhỏ. Do đó, hầu hết sẽ không bị tác động nếu đề xuất này được đưa vào luật.
Chúng tôi đề xuất như vậy nhằm huy động nguồn lực trong dân cho phát triển kinh tế. Thay vì họ có hàng chục tỉ đồng, hàng trăm tỉ đồng nằm trong ngân hàng, cần có chính sách đưa những khoản này vào sản xuất kinh doanh. Chúng tôi không đề xuất để tiền đó chuyển vào bất động sản mà cho tất cả các ngành.
* Nhưng như ông nói, tỉ lệ người gửi tiền với mức gửi nhỏ chiếm đa số nhưng nhóm thiểu số còn lại lại chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng tiền gửi vào ngân hàng. Vậy nếu đề xuất được thực thi, người bị ảnh hưởng sẽ tìm cách “lách”. Khi ấy, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn, ảnh hưởng ngay đến hoạt động cho vay?
- Đây là một lo ngại đúng đắn. Nhưng họ không gửi ngân hàng nữa thì sẽ đưa vào một kênh đầu tư khác. Đây chính là mục đích của chúng tôi. Đừng lo ngại họ sẽ để vào vàng, bởi với tổng thể các chính sách quản lý vàng như hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, tôi cho rằng người dân sẽ không có cơ hội lớn khi để vốn trong vàng.
Chúng tôi đề xuất điều này với cái “tâm” là vì sự phát triển chung của nền kinh tế chứ không có lợi ích nhóm hay cục bộ nào hết. Vì thế, nó là vấn đề cần xem ở đường hướng lâu dài, chứ đừng chỉ gắn với những khó khăn trước mắt. Cho dù có thực hiện được hay không thì tôi cho rằng đây cũng là một đề tài cần nghiên cứu và bàn luận, phản biện dưới nhiều góc độ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước: Đề xuất thiếu thực tế Ngày 3-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nghiêm Xuân Thành - chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước - cho biết Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được kiến nghị đánh thuế thu nhập đối với khoản lãi tiền gửi tiết kiệm của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. Nếu nhận được thì cơ quan này sẽ có phản hồi. Song ông Thành cho biết trên nhiều tờ báo có đăng tải ý kiến các chuyên gia kinh tế và chuyên gia thuế. Theo đó, hầu hết đều không đồng tình với kiến nghị này. Ông đặt câu hỏi: Đánh thuế đối với lãi tiền gửi để làm gì? Để vốn đổ vào bất động sản? Ông cho rằng đề xuất này hoàn toàn không hợp lý và thiếu thực tế trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Tiền gửi tiết kiệm là khoản tích lũy của người dân. Nếu khoản lãi mà bị đánh thuế sẽ gây khó khăn cho chính người gửi tiền. Và gián tiếp gây khó khăn cho nền kinh tế vì lượng tiền huy động qua ngân hàng - kênh dẫn vốn cho nền kinh tế - bị ảnh hưởng ít nhiều. Đại diện Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) nhận định đề xuất đánh thuế thu nhập đối với khoản lãi tiền gửi tiết kiệm là không khả thi. Vì Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi không quy định khoản lãi tiền gửi tiết kiệm phải chịu thuế. (L.T) Không đồng tình vì thiếu thuyết phục Trong hai ngày 2 và 3-3, sau khi báo Tuổi Trẻ đưa thông tin về đề xuất đánh thuế thu nhập với tiền gửi tiết kiệm của HoRea, có khoảng 400 ý kiến bạn đọc gửi về báo Tuổi Trẻ (qua email) phản hồi. Hầu hết đều không đồng tình quan điểm của HoRea. Nhiều người phản ứng gay gắt vì cho rằng nếu đánh thuế thêm cả tiền gửi tiết kiệm thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động huy động vốn và cho vay của các ngân hàng, khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càng khó khăn hơn. Chưa kể gửi tiết kiệm hiện nay khó có thể coi là kênh đầu tư tốt vì lãi suất gửi tiết kiệm thực tế chỉ bù lại được khoản trượt giá hằng năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận