23/05/2024 11:32 GMT+7

Cựu phu vàng bốc thuốc cứu người ở Thung Phật

Từ một phu vàng trở thành nhà buôn khét tiếng, khi có trong tay nhiều ký vàng thì bệnh hiểm nghèo lại ập đến khiến ông phải giã từ giấc mơ làm giàu, để rồi 'cơ duyên' chuyển sang giúp đời.

Ông Thành chèo đò vào núi nơi ông được ân sư cứu mạng

Ông Thành chèo đò vào núi nơi ông được ân sư cứu mạng

Ngày ghé thăm Thung Phật, nơi ẩn tu của vị sư râu dài chuyên bốc thuốc cứu người ở vùng núi Quan Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), tình cờ chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thành - người đã xem vị sư râu dài Thích Thanh Thìn là ân nhân đời mình.

Sóng gió đời phu vàng

Ông Thành sinh năm 1963, từng là nhà buôn vàng có tiếng ở Hà Nội, nhưng vì gặp bệnh hiểm nghèo phải bán vàng để chữa bệnh, rồi nhờ sư thầy cứu giúp mà ông mới giữ được mạng sống.

Bây giờ, ông Thành đang tiếp nối công việc của vị ân sư đã mất, những việc ý nghĩa vừa giúp mình vừa giúp đời. "Tôi đi tìm vàng từ những năm 1980, thời đó phu vàng đào vàng khổ lắm. Còn làm thủ công hết, dùng sức người thôi, không có máy móc hỗ trợ như bây giờ", ông Thành nhớ lại.

Thuở ấy, ông Thành đang là thanh niên căng tràn sức sống, cùng nhóm người ở quê đi thực hiện giấc mơ vàng ở vùng núi Kim Bôi, Hòa Bình.

"Ngày xưa đường sá, xe cộ còn chưa có, tìm được vào bãi vàng là một kỳ tích đấy. Cũng không có đồ bảo hộ như giờ, muỗi, vắt, rắn độc, sốt rét rừng cứ chờ thợ vàng như chờ con mồi béo", ông kể.

Nghe ngóng người dân địa phương hoặc giới đào vàng phao tin bãi vàng có tiềm năng thì các nhóm đào vàng sẽ tìm tới. Ông không thể quên những ngày trong bãi vàng, khe núi.

Gò lưng đào hầm sâu tới 20m để tìm vàng, sạt lở đất mất mạng hoặc gãy chân tay xảy ra như cơm bữa.

May mắn 10 người trong đội của ông không ai bị mất mạng, nhưng các đội đào vàng khác thì vài hôm lại chở người về dưới xuôi để điều trị.

Chưa hết, các đội đào vàng còn luôn phải canh chừng đối thủ luôn lăm le chiếm hầm. "Mỗi khu có nhiều đại ca nên việc tranh chấp không có gì lạ, mình luôn phải phòng bị kỹ", ông Thành thở dài kể nhiều cuộc chiến trong bãi vàng vẫn làm ông sởn gai ốc tới giờ.

Họ dùng súng, dùng dao chém nhau, người chết rải rác các bãi. Lại thêm cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện và những đợt vây ráp của công an khiến ông Thành từ bỏ giấc mơ đổi đời trong lòng đất.

Chuyển sang buôn vàng cho bớt nguy hiểm, ông Thành lấy vàng cám (vàng thô) đổ xuống nơi lọc vàng. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh với các chủ buôn khá gay gắt.

"Mỗi bãi vàng có hàng chục người buôn túc trực sẵn sàng ngã giá ở bên mỏ. Ai nhanh chân hơn, biết thỏa thuận giá cả thì được phần", ông Thành kể.

Lấy được vàng, chặng đường vận chuyển xuống Hà Nội phải leo núi, băng rừng, rồi lại phải vượt các chốt công an.

Nhiều lần ông Thành phải bỏ của chạy lấy người hoặc tẩu tán vàng trên đường di chuyển. "Dần có kinh nghiệm hơn, tôi giấu vàng vào gốc cây rừng, cố gắng đánh dấu bằng trí nhớ. Đợi qua đợt truy quét của công an thì quay lại tìm, ít khi bị mất lắm", ông Thành nhớ.

Các nhà buôn thường mang vàng xuống khu phố Hàng Bạc - nơi người ta có thể lọc vàng cám thành vàng lá, trang sức. Trong các khâu làm vàng, theo ông Thành, nghề lọc vàng lời nhất, vì khi đổ vàng thô, nhà lọc vàng cân với giá rẻ. Lọc xong, bán vàng với giá hiện hành, lời to là chắc chắn.

Gần 10 năm bôn ba, ông Thành tiết kiệm được khoảng 100 cây vàng. Số vàng đủ để mua cả chục ngôi nhà ở quê hoặc vài căn ở Hà Nội thời bấy giờ. Vợ con, nhà cửa ông đều vun vén chu toàn, con cái được đến trường đầy đủ.

Cuộc sống đang êm đềm với dự định mở hiệu vàng của riêng mình thì bạo bệnh ập tới. Bao nhiêu vàng cũng không thể cứu được, ông đành để cho số phận định đoạt.

Khi đó, tôi phải bò từng bậc lên núi tới nơi vị sư ở ẩn. Cách chữa trị của sư Thìn đặc biệt lắm, cụ bắt tôi ít ăn, chỉ uống lá rừng mà khỏi bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thành

Được ân sư cứu mạng

Căn bệnh vôi cột sống dính khớp đã biến ông Thành từ một người cao lớn, khỏe mạnh đến khi chỉ còn ngồi một chỗ, muốn di chuyển thì phải bò. Mỗi lần đi viện, vợ ông lại bán một phần vàng, 5 năm thì hết nhẵn 100 cây vàng, mà bệnh tình chồng không thuyên giảm.

Lúc ấy ông Thành mới 28 tuổi, phải chịu đau đớn trong bệnh tật tới năm 33 tuổi thì gặp được vị sư râu dài về thôn ông xây chùa cho dân. Vị sư đó là Thích Thanh Thìn - một trong bốn đệ tử của sư thầy Thích Thanh Chân trụ trì chùa Hương.

Khi nghe chuyện bệnh tật của ông Thành, vị sư đã tới khuyên ông cùng vào núi để chữa bệnh. Chỉ còn hy vọng cuối cùng để được sống, ông Thành khăn gói theo vị sư đi thuyền vào núi. "Khi đó, tôi phải bò từng bậc lên núi tới nơi vị sư ở ẩn. Cách chữa trị của sư Thìn đặc biệt lắm. Cụ bắt tôi ít ăn, chỉ uống lá rừng mà khỏi bệnh", ông Thành nhớ rõ.

Năm ngày đầu nhịn ăn, ông Thành đã mấy lần "đào ngũ" vì không chịu nổi những cơn đói. Sau được vị sư khuyên "Con nhìn thấy con hươu, con nai trong rừng chúng nó có ăn hạt cơm nào đâu vẫn sống tốt", ông mới chịu theo thuyền vào núi trị bệnh tiếp.

Sau 15 ngày, rồi 20 ngày, ông Thành bắt đầu thấy trong người dễ chịu hơn. Đêm nằm, cảm giác vôi hóa rã khỏi xương ông. Ông có thể đi được, không còn phải bò nữa. Khỏi đau hẳn thì ông tập ăn lại cơm, từng chút một.

Được ân sư chữa bệnh không tốn một đồng, đã 30 năm qua ông Thành vẫn sống khỏe mạnh. Chỉ có lưng ông còng hơn so với trước, người ta đặt biệt danh cho ông là Thành Còng.

Hằng ngày ông Thành quét dọn Thung Phật và bốc thuốc giúp người - Ảnh: T.LÊ

Hằng ngày ông Thành quét dọn Thung Phật và bốc thuốc giúp người - Ảnh: T.LÊ

Và lại đi giúp người

Bây giờ dù đã lớn tuổi, ông vẫn có thể tự tay chèo thuyền 40 phút đưa chúng tôi vào núi nơi ông được sư thầy chữa bệnh. Khu núi được sư râu dài gọi là Thung Phật.

Khi được chữa khỏi bệnh, ông Thành xin ở lại giúp sư hái lá, điều chế thuốc cứu người. Ông chăm sóc ân sư cho tới khi cụ rời cõi tạm, đồng thời chăm sóc Thung Phật - nơi đặt xá lợi của cụ, nơi ông Thành được cứu sống và xem vị thiền sư như người cha sinh ra mình một lần nữa.

Ông Thành không đủ căn duyên vào đường tu tập như sư thầy, nhưng ông học lại những bài thuốc của vị sư để giúp ai cần giúp.

"Trước khi mất, cụ từng nói với tôi: con yếu nên ta sẽ truyền cho cách trị bệnh để vừa giúp mình vừa giúp người. Chưa kịp truyền thì thầy mất đột xuất vì cảm do đi phát cỏ dưới sông", ông Thành buồn rầu nói.

Tuy nhiên, nhờ thời gian sống cạnh thầy, đi tìm lá thuốc, chế biến thuốc, ông Thành cũng đã tự học được những bài thuốc độc đáo về chữa xương khớp, xơ gan, phổi, viêm xoang, dạ dày...

Tiếp tục con đường thiện tâm của ân sư râu dài, ai nghèo quá thì ông Thành không lấy đồng tiền thuốc nào. Dân các thôn Bình Lạng, xã Hồng Sơn, La Dòng, xã Hợp Tiến của huyện Mỹ Đức, nhiều người lại được ông Thành Còng cứu giúp.

Hiện nay, ông Thành sống yên bình ở tuổi ngoài 60 với công việc hằng ngày vừa bốc thuốc vừa trông coi Thung Phật.

Chỉ vào bức bình phong lớn, ông giải thích dòng chữ Hán khắc trên đá của thiền sư nghĩa là giúp ai đó thì ẩn mình đi, không cần để lộ danh tính, trên trời cao có đôi vầng nhật nguyệt soi tỏ tất cả...

"Thuốc nam rất tốt, ai học được thì sẽ cứu được nhiều người. Tôi cũng chưa được thầy dạy đủ đâu", ông Thành tiếc nuối.

Lẽ ra ông và một đệ tử của sư Thìn là ông Nguyễn Văn Ký, người đã được sư Thìn hứa truyền nghề thuốc nam, người thì nghề thuốc bắc, nhưng rất tiếc vẫn chưa được toại nguyện.

Bác sĩ mở lớp dạy sơ cứu miễn phí giữ Bác sĩ mở lớp dạy sơ cứu miễn phí giữ 'thời gian vàng'

Chứng kiến không ít trường hợp người dân vì không có hoặc thiếu kiến thức sơ cấp cứu dẫn đến bỏ lỡ "thời gian vàng" điều trị cho người bệnh, một bác sĩ tại Hà Nội đã quyết định mở lớp dạy sơ cấp cứu miễn phí từ nhiều năm nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên