18/05/2024 11:29 GMT+7

Người chết 'giữ' rừng thiêng

Rừng ma là chốn thiêng liêng, không ai được xâm phạm. Người Pa Kô có luật tục giữ rừng ma nghiêm ngặt. Nhờ đó mà ở miền tây Quảng Trị còn nhiều cánh rừng với những cây gỗ quý cổ thụ. Người chết nhưng vẫn "giữ" được rừng.

Nhiều cánh rừng ở vùng cao tỉnh Quảng Trị còn giữ được cây to, giá trị nhờ vào các luật tục và chung tay của cộng đồng

Nhiều cánh rừng ở vùng cao tỉnh Quảng Trị còn giữ được cây to, giá trị nhờ vào các luật tục và chung tay của cộng đồng

Ngày nay giữ rừng có thêm tiền hỗ trợ bảo vệ rừng của Nhà nước. Đó là quyền lợi, nên mình càng phải gắng sức gìn giữ rừng thiêng của tổ tiên.
Anh HỒ VĂN VŨ

Một trong những nghi lễ quan trọng liên quan đến rừng ma là Ariêu Piing - lễ cải táng. Vào ngày lễ, người dân vào rừng ma cất bốc hài cốt người thân đưa về nhà mồ gần gia đình để chăm sóc, hương khói.

Nét nguyên thủy giữa rừng Trường Sơn

Lễ hội Ariêu Piing của người dân làng La Hót (xã A Bung, Đakrông, Quảng Trị) chính thức diễn ra. Trước lễ nhiều tháng, người dân dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, sửa soạn áo váy truyền thống với hai sắc đỏ đen rực rỡ.

Riêng phụ nữ mang thêm vòng cổ bằng mã não, đeo khuyên tai bạc. Họ vui vẻ, cười nói rôm rả vì sắp được đón người thân đã mất từ rừng ma trở về.

Già làng Hồ Văn Đô, 70 tuổi, nói lễ diễn ra chỉ bốn ngày nhưng công tác chuẩn bị kéo dài từ hai năm trước. Những gia đình có người đã mất mà chưa làm lễ Ariêu Piing phải chọn những con trâu, bò, dê, lợn đẹp nhất, chăm sóc tốt nhất để làm lễ hiến tế thần linh, tổ tiên.

Các già làng, trưởng họ họp bàn, chọn ngày sáng trăng trong mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm để làm lễ.

"Lễ hội có nhiều hoạt động vào buổi đêm, ngày trước không có điện thắp sáng nên ông bà thường chọn ngày sáng trăng để tổ chức", già làng Đô nói. 

Các già làng cũng phân công công việc cho từng người, chọn đất để xây dựng nhà mồ mới cho người đã khuất.

Già làng Đô kể phong tục Ariêu Piing có từ hàng trăm năm nay, không biết từ đời nào nhưng với người dân La Hót thì định kỳ 20 năm tổ chức một lần. "Người chết được an táng ở rừng ma.

Sau lễ đưa ma thì người dân sẽ không lui tới, thăm viếng nữa. Chỉ sau lễ Ariêu Piing, hài cốt được bốc về nhà mồ thờ tự thì người dân mới được tới thăm ông bà, cha mẹ, anh chị em đã mất", ông Đô giải thích.

Tuy vậy, từ sau năm 1995, giao thoa văn hóa giữa đồng bằng và vùng núi đã khiến phong tục vùng này dần thay đổi. Hằng năm, người dân vẫn vào rừng ma thăm người chết nhưng họ phải xin phép già làng, làm lễ cúng là một con gà.

Trong ngày lễ, con cháu dù ở nơi nào xa xôi cũng phải trở về. Những làng bản lân cận, con dâu con rể đều được mời dự lễ.

Lễ cải táng Ariêu Piing là nghi thức tâm linh quan trọng của người Pa Kô, là sợi dây kết nối giữa người sống và người chết, tri ân thế hệ trước đã giữ gìn rừng cây, con suối, nương rẫy... cho thế hệ sau. Ariêu Piing gồm ba nghi lễ chính là bốc hài cốt từ rừng ma về, lễ đâm trâu hiến tế thần linh và đưa hài cốt vào nhà mồ.

"Lễ để nhớ lại người đã mất. Người xưa từng dạy dỗ, truyền lại kinh nghiệm sống từ xưa đến nay, học hỏi văn hóa truyền thống tốt đẹp. Ngày nay, những cái gì còn phù hợp thì mình giữ lại, nhiều thứ khác như đâm trâu hiến tế thần linh thì bà con chỉ tái hiện phần nghi thức", già làng Đô nói.

Người dân nhảy múa quanh nghi thức tái hiện lễ hiến tế

Người dân nhảy múa quanh nghi thức tái hiện lễ hiến tế

Những cánh rừng xanh của tổ tiên

Người Pa Kô sinh sống giữa rừng Trường Sơn trùng điệp. Với họ, cánh rừng là mái nhà che chở qua bão dông, cho họ miếng cơm manh áo và cũng là nơi trú ngụ của thần linh, tổ tiên. Họ có những cánh rừng thiêng, rừng ma được giữ gìn nghiêm ngặt bằng luật tục.

Già làng Đô cho hay những ngày đầu lập làng, người chết đầu tiên được chôn ở đâu thì cánh rừng đó được dân bản chọn là rừng ma. Dần dà, khu rừng đó trở thành nơi yên nghỉ của ông bà, tổ tiên nên không ai được vào quấy phá giấc ngủ.

"Đã gọi rừng ma thì không ai đụng đến. Gỗ tốt đến đâu cũng không ai chạm vào. Ai xâm phạm rừng ma thì phải cúng trâu bò. Nếu không cúng thì cả gia đình sẽ bị thần linh trách phạt, bị ốm đau. La Hót có cánh rừng ma rộng bao la, gỗ quý như lim, sến... không thiếu", già làng Đô nói.

Nhờ quan niệm, luật tục này mà ở miền tây Quảng Trị, hầu như xã miền núi nào cũng có một cánh rừng thiêng, rừng ma gần khu dân cư nhưng vẫn xanh tốt, có nhiều cây gỗ quý.

Tại xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông), cánh rừng thiêng thôn Khe Hiên rộng khoảng 100ha với nhiều cây cổ thụ quý như dổi, gõ, sú, chủa, huỵnh... "Rừng thiêng Khe Hiên toàn cây to, cổ thụ có giá trị, cây to nhất 2-3 người ôm, cao 30 - 40m. Chúng tôi là thế hệ sau chỉ biết giữ gìn chứ không rõ rừng có từ bao giờ" - anh Hồ Văn Vũ, phó thôn Khe Hà, nói.

Từ bao đời, dân bản đặt ra luật tục tuyệt đối không cho người vào chặt phá ở rừng ma. Với quan niệm đó, cả bản chung tay giữ cánh rừng thiêng. Người ngoài cũng không dám vào phá vì sợ bị dân làng phạt trâu bò. "Ông bà trú ngụ trong rừng thiêng, phù hộ cho mình mạnh khỏe, phát đạt, dân bản làm ăn thuận lợi", anh Vũ nói.

Và những cánh rừng cổ thụ che chở họ qua thiên tai, cho họ nguồn nước để sinh tồn trong mùa hè. Nhờ rừng, ruộng nương, đất đai cũng đầy đủ dưỡng chất hơn mà cho hạt lúa, hạt ngô chắc mẩy.

Đánh cồng chiêng trong lễ Ariêu Piing - Ảnh: HOÀNG TÁO

Đánh cồng chiêng trong lễ Ariêu Piing - Ảnh: HOÀNG TÁO

Giữ phong tục, hút khách du lịch

Trở lại với già làng Hồ Văn Đô, ông cho hay ngay sau khi đưa hài cốt người thân về nhà mồ, làng sẽ họp lại để rút kinh nghiệm những gì làm được sau 20 năm để bà con, con cháu trong dòng họ học và làm theo.

Ông Đô so sánh qua hai lần Ariêu Piing, đời sống của bà con được nâng lên, mọi mặt ngày càng tốt đẹp và đầy đủ hơn, con cháu được học hành đàng hoàng, sức khỏe được nâng cao.

Ngày nay, ngoài phần lễ Ariêu Piing, một số thôn bản còn kết hợp hội thi thể thao như bắn cung, kéo co, đẩy gậy... để người dân rèn luyện sức khỏe, thu hút khách du lịch.

Ông Phan Xuân Liệu, trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đakrông, cho hay huyện luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị của hai lễ hội truyền thống của người bản địa là lễ Ariêu Piing và lễ mừng lúa mới.

"Cuối năm 2023, Ariêu Piing được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ hội tốt để huy động nguồn lực bảo tồn. Huyện tận dụng khi nào các dòng họ làm lễ Ariêu Piing thì kết hợp để quảng bá du lịch, thu hút du khách.

Ngoài ra, phòng kết hợp các đơn vị phục dựng các nghi lễ nhỏ trong toàn thể lễ Ariêu Piing như lễ đón khách vào làng, tái hiện lễ hiến tế... để phát triển du lịch", ông Liệu nói.

Kiểm lâm viên Hoàng Sơn (Hạt kiểm lâm Đakrông) cho hay huyện có những cánh rừng thiêng to đẹp như rừng thiêng thôn Da Dã rộng 300ha, rừng Khe Hiên, Krông Klang...

"Hầu như những cánh rừng thiêng thì không cần giữ vì không có chuyện người dân đụng vào, kể cả măng, cây thuốc thì phải xin già làng mới được vào hái. Dân bản tự giữ gìn với nhau bằng luật cấm, người ngoài vào phá rừng thì phạt càng nặng", anh Sơn cho hay.

Ba đời ươm mầm xanh, giữ rừng ngập mặnBa đời ươm mầm xanh, giữ rừng ngập mặn

Trên tường căn nhà do ban quản lý rừng xây treo đầy giấy khen, bằng khen thành tích phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn của ba đời một gia đình giữ rừng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên